Câu hỏi mang tính chất vấn và đầy oán trách của nhà sư đối với Đức Phật đã được khoác lên vẻ ngoài mỹ miều của một người trai si tình. Hành vi giết người trả thù bỗng trở nên “lãng mạn”.
Những ngày vừa qua, bài hát trong bộ phim cùng tên “Độ ta không độ nàng” đang gây sốt trong cộng đồng mạng Việt. Âm nhạc kết hợp giữa cổ đại và hiện đại, ca từ đậm chất thơ và thiền, nội dung về một tình yêu ngang trái giữa một nhà sư trẻ với nàng quận chúa khiến cho nhiều người, nhất là giới trẻ yêu thích.
Một số người tu hành Phật giáo đã lên tiếng phản đối tác phẩm này vì nó đã hư cấu một hình ảnh quá ảm đạm, tuyệt vọng về vị tu sĩ giết người trả thù tình, xúc phạm đến giới tu hành. Trong khi đó, có những khán giả chỉ đơn thuần cho rằng đây là một câu chuyện ngôn tình vô hại, không nên làm quan trọng hoá lên.
Chuyện phim này có thực sự “vô hại” hay không?
Một câu chuyện tình trái ngang, đẫm máu và nước mắt…
Nội dung ca khúc nói về mối tình bi ai giữa một nhà sư và quận chúa xinh đẹp. Tuổi thơ của hai người lớn lên cùng nhau, vì thế cô gái có tình cảm đặc biệt với nhà sư này. Thế nhưng, là người đã quy y cửa Phật nên nhà sư không thể động lòng trước cô gái. Về sau, cô gái bị hoàng tử cưỡng bức nên tự sát, nhà sư cũng vì thế mà uất hận.
Nhìn thi thể nàng trong bộ váy xuất giá, đầu đeo khăn voan đỏ, nhà sư hỏi Phật Tổ: “Người độ trăm vạn chúng sinh, nhưng vì sao độ ta, không độ nàng?”. Cuối cùng, nhà sư giết chết tên hoàng tử đã bức hại người yêu rồi xuống âm phủ, đứng bên bờ hoa Bỉ Ngạn gặp lại vong linh của nàng lần cuối cùng.
Lời bài hát tiếng Việt mang âm hưởng bi thương thống thiết như những mũi kiếm xuyên tâm hút hồn người nghe với những ca từ phảng phất “chất thiền” như:
Lệ nhòa thấm ướt Phạn kinh
Tuyệt thư còn vương màu máu
Hận sao đời quá đắng cay.
Lệ sầu vương trên mi mắt
Tiếng khóc vang tận Niết Bàn.
hay:
Đoạn tuyệt duyên với giác ngộ
Hỏi Phật sao chấp chuyện ta
Vì sao độ ta không độ nàng?
Và hệ lụy đạo đức với người nghe
Câu hỏi mang tính chất vấn và đầy oán trách của nhà sư đối với Đức Phật đã được khoác lên vẻ ngoài mỹ miều của một người trai si tình. Hành vi giết người trả thù bỗng trở nên “lãng mạn”. Lời nguyện xuất ra “biến thành ma quỷ để bảo vệ cho nàng” khiến không ít con tim mong manh thổn thức. Thuận theo trào lưu đó, rất nhiều người trẻ hiện nay đã không còn chú ý tới lời nói của mình, lôi Phật vào cuộc tranh luận đúng sai, luyến ái của người phàm.
Trước tiên bàn về câu: “Nếu Phật đã không độ nàng, vậy thì ta sẽ biến thành ma quỷ để bảo vệ cho nàng”. Xưa nay, ma quỷ là thứ mà người ta phải xua đi, có câu nói: “Tránh như tránh tà”. Vậy mà ở đây, một người xuất niệm muốn làm ma quỷ chỉ để cứu lấy tình si mê muội, vốn là điều hư ảo nhất nơi thế gian này, điều mà người tu hành chân chính nhẽ ra phải giới nghiêm. Hình tượng như thế lẽ nào lại đáng để chúng ta học theo?
Người xưa khi nhắc đến danh hiệu Phật thì trong lòng khởi lên lòng kính ngưỡng vô hạn. Thế nhưng ngày nay, khi trong tâm người ta không còn Phật Pháp, những tác phẩm “nghệ thuật” dạng này xuất hiện như thêm dầu vào lửa, thiêu rụi lương tâm và chính tín của con người. Có người đem cái cảm tình tự tư của cá nhân mình mà nhận xét Phật, chất vấn Phật, không còn cái tâm thái sùng kính thiêng liêng với Đấng Giác Ngộ nữa. Vì Phật Đà từ bi với con người, sẽ không nổi giận mà trừng phạt con người, nhưng trong vũ trụ này có Thiên Lý, con người bất kính với Thần Phật thì sẽ tự chuốc lấy tai ương.
Lịch sử đã lưu lại nhiều câu chuyện như một lời nhắc nhở, cảnh báo con người. Dưới đây là một câu chuyện như thế.
Một lần bất kính với Phật, phải chịu quả báo 9 vạn năm
Trước đây rất lâu, tại thành Xá Vệ có một phú ông giàu có, nhờ buôn bán nước mía mà gia nghiệp vô cùng phát đạt. Một ngày, có một trưởng lão đến nhà phú ông khất thực. Phú ông không biết trưởng lão ấy chính là Bích Chi Phật, nhưng trước sau vẫn luôn tỏ ra cung kính và cho người chuẩn bị nước mía mời vị trưởng lão này.
Tuy nhiên khi đồ cúng dường còn chưa kịp dâng lên thì phú ông lại có việc phải ra ngoài. Trước lúc đi, ông căn dặn vợ phải thay mình tiếp đãi trưởng lão thật chu đáo. Vợ ông cũng vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên khi chồng bà vừa đi khỏi, bà ta liền đổi ý: “Nước mía này có được cũng chẳng dễ dàng gì, trước nay nhà ta cũng chưa từng bố thí cho ai thứ gì. Nếu nay cúng dường cho ông ta, sau này chẳng phải sẽ có rất nhiều kẻ khác tới hay sao?”. Nghĩ vậy, bà ta liền đổ nước bẩn vào chiếc bát của vị trưởng lão sau đó mới rót thêm chút nước mía ép lên trên. Nhưng vị trưởng lão sớm đã nhìn rõ ra tâm cơ của bà ta.
Sau đó không lâu, bà vợ tham lam của vị phú ông này mắc bệnh qua đời. Vì sinh thời thất lễ với Phật nên bà phải chuyển sinh thành ngạ quỷ. Thân thể ngạ quỷ giống như cây cột bị cháy rụi, bụng to như cái trống, trong khi cổ lại nhỏ như cây kim, miệng không ngừng phun ra lửa tự đốt cháy mặt mũi của mình. Bất cứ vật gì đưa lên miệng ngạ quỷ đều lập tức biến thành sắt nung chảy, khiến nó phải chịu cảnh đói khát cùng cực, gào khóc không ngừng, tuyệt vọng chạy khắp nơi tìm kiếm thức ăn.
Vì quả báo quá nặng nề, nên bà ta phải chịu đựng suốt 9 vạn năm mới có thể trả xong tội nghiệp của mình. Thế mới biết, bất kính với Thần Phật sẽ tạo thành tội nghiệp to lớn đến nhường nào. Lời đã nói ra sẽ không vì gió mà bay đi, việc ác đã làm cũng sẽ không vì tay phủi bụi mà coi là “xong chuyện”.
***
Người xưa tin rằng nghe âm nhạc của một thời đại có thể biết hoạ phúc, hưng suy, tồn vong. Âm nhạc tốt đẹp có thể bồi dưỡng tình cảm sâu đậm, tịnh hóa tâm linh, để con người thưởng thức sự mỹ diệu và thăng hoa sinh mệnh. Ngược lại, âm nhạc ai oán, phẫn nộ, dâm tà sẽ kích thích dục vọng, làm dơ bẩn tâm linh và đẩy con người đến tuyệt lộ. Bài hát “Độ ta không độ nàng” được nhiều triệu khán giả hưởng ứng, phải chăng là một lời cảnh tỉnh về hiểm hoạ của thời kỳ Mạt Kiếp?
Một khi người ta không còn tin vào nhân quả báo ứng, không còn tin rằng Thần Phật thực sự có tồn tại, không còn tin rằng bản tính nguyên sơ của con người là lương thiện, thì người ta sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện bại hoại nhân luân nhất. Đáng sợ hơn, tội ác có thể được khoác lên một tấm áo mỹ miều mê hoặc lòng người.
Trong xã hội hiện nay, đạo đức đang từng ngày trượt xuống dốc không phanh, vậy nên không phải những gì nổi lên, được hưởng ứng đều là chân chính. Tuy nhiên, có thuận theo nó hay không lại là lựa chọn riêng của mỗi sinh mệnh.
Nhu An – Thanh Ngọc