Tại sao đàn ông thời nay càng ngày càng bất lực trong xã hội lẫn trên giường?
Đối với giới tội phạm, cái tên Pablo Escobar chẳng có gì xa lạ khi hắn là một trong những tay trùm buôn ma túy giàu có và hung hãn nhất mọi thời đại. Bắt đầu từ năm 1975, Pablo đã xây dựng nên đế chế ma túy khổng lồ đến mức chính phủ Mỹ đã phải xây dựng cả một chính sách chống ma túy vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay.
Vào thời đỉnh cao cuối thập niên 1980, tạp chí Forbes xếp tên này vào vị trí người giàu thứ 7 thế giới với 35 tỷ USD, tương đương 82 tỷ USD nếu quy đổi ra tỷ giá năm 2018. Với sự giàu có và quyền lực, Pablo thậm chí thách thức cả chính phủ Colombia mà hầu như chẳng ai làm được gì. Thậm chí tên này còn định ra tranh cử tổng thống.
Tất nhiên, Pablo chỉ là một trong số vô vàn tên tội phạm khét tiếng khác. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những kẻ tội phạm sừng sỏ, những người đầy bạo lực nhất trong lịch sử loài người luôn là đàn ông chưa?
Bất kể những vụ bạo lực ảnh hưởng lớn nào, những vụ phạm tội hay những cuộc xung đột đẫm máu đều có nhân vật chính là nam giới, bạn chẳng mấy khi nghe đến nữ nhân vật chính. Điều này cũng đúng phần lớn cho những kẻ giết người hàng loạt, thống soái quân đội, thủ lĩnh phản loạn…
Tại Mỹ, tội phạm nam giới chiếm 76% tổng số và tỷ lệ này còn cao hơn nếu tính trên toàn cầu. Những số liệu thống kê cho thấy nam giới có nguy cơ mắc tội giết người cao gấp 10 lần phụ nữ, có nguy cơ vào tù cao gấp 9 lần phái yếu. Đàn ông chiếm đến 99% các vụ cưỡng bức và tấn công tình dục. Những bé trai cũng chiếm 95% các vụ bạo lực ở trẻ nhỏ.
Bất kỳ ai sinh ra với “2 hòn bi” hoặc lớn lên cùng những bé trai đều hiểu họ có thể trở nên vô cùng bạo lực khi mất kiểm soát. Chúng cũng nghịch ngợm hơn những bé gái.
Vậy tại sao nam giới lại có xu hướng bạo lực như vậy? Phải chăng do di truyền hay do tác động của môi trường? Câu trả lời là cả 2.
Lịch sử tiến hóa của đàn ông
Trong tiến trình phát triển của nhân loại, sự cạnh tranh và bạo lực là điều thường thấy. Luôn luôn có thời điểm xã hội nổ ra cách mạng và chúng ta tự giết lẫn nhau. Đây là điều tất yếu khi nguồn lực trái đất có hạn và những nhóm lợi ích kiểm soát được nguồn lực đó sẽ có lợi thế phát triển hơn.
Bởi vậy con người luôn phải đánh nhau tranh giành chúng, thậm chí họ còn phải tiếp tục đánh nhau để bảo vệ nguồn lực đó. Một mảnh đất, mỏ vàng, dòng sông hay đơn giản là vì nhân khẩu đều có thể trở thành nguy cơ bạo lực từ thời tiền sử.
Trước khi chiến tranh được nâng tầm với súng đạn và tên lửa, những thanh niên trai tráng là người thống trị xã hội. Nguyên nhân đầu tiền là họ trẻ, khỏe và đầy sức mạnh. Tiếp nữa là để duy trì nòi giống chỉ cần 1 phụ nữ nhưng có thể “dùng” nhiều đàn ông. Như một hệ quả tất yếu, đàn ông phải đánh nhau, phải chứng tỏ bản lĩnh và phải thống trị để có quyền giao phối.
Đây là quá trình tiến hóa tất yếu của bất kỳ loài nào. Cánh đàn ông không chỉ đánh nhau vì giao phối mà còn có nghĩa vụ kiếm lương thực và bảo vệ bầy đàn khỏi những mối nguy như dã thú, kẻ xâm lấn từ bộ lạc khác.
Tóm lại, lịch sử và quá trình tiến hóa khiến đàn ông bạo lực từ trong máu với khái niệm 3P: Bảo vệ (Protector), Cung cấp (Provider) và Sinh sản (Procreation). Đàn ông càng có nhiều thứ để bảo vệ thì họ càng cần phải cung cấp nhiều hơn, càng phải đánh nhau nhiều hơn để có thể sinh sản nhiều hơn. Như một hệ quả tất yếu, đàn ông là phải đổ mồ hôi và máu.
Vậy tại sao đàn ông lại cần sinh sản nhiều như vậy? Trên thực tế đó là một vòng tròn luẩn quẩn bởi càng có nhiều trẻ em thì bộ lạc càng lớn mạnh, càng chiếm được nhiều nguồn lực cũng như có nhiều miệng ăn phải nuôi dưỡng. Thêm nữa, trẻ nhỏ thời tiền sử khá khó sống do dã thú, thời tiết, khan hiếm lương thực, bệnh tật… Bởi vậy xu thế tiến hóa buộc đàn ông gieo giống nhiều và đánh nhau cũng chẳng ít.
Đến tận ngày nay, quan điểm nam giới kiếm tiền phụ nữ lo nội trợ cùng từ đây mà ra. Đàn ông vẫn thường là nguồn lực kiếm tiền chính nuôi gia đình cũng như bảo vệ vợ con, đất nước.
Tất nhiên, chẳng ai quan tâm mấy đến chuyện việc đánh nhau trên chiến trường và trên giường quá nhiều khiến đàn ông mất sức khỏe và tuổi thọ rất nhanh. Chẳng ai quan tâm đàn ông chết sớm, chịu những nỗi đau về thể xác hay tinh thần, hoặc thậm chí trở nên mất trí vì những gánh nặng cuộc sống. Đó đơn giản là những cái giả phải trả cho duy trì nòi giống.
Nhắc đến nam kiếm tiền nữ lo nội trợ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tư tưởng trọng nam khinh nữ ngày nay cũng như bất bình đẳng giới tính trong xã hội. Tuy vậy, sự thay đổi kinh tế, đạo đức đã khiến đàn ông dần mất giá.
Đàn ông là hàng hết date
Sự phát triển của kinh tế, công nghệ, tri thức đã khiến bạo lực bị kiềm chế hoặc xuất khẩu sang những nước nghèo. Các công việc hao tổn thể lực và kích thích nam tính giờ dần bị tự động hóa. Nguồn lương thực cũng được con người dùng công nghệ để phát triển thay vì kiếm ăn nguyên thủy như xưa. Quân đội được vũ trang tân tiến chứ chẳng cần chiến thuật biển người nữa.
Nền kinh tế thì phát triển mạnh ngành dịch vụ, nơi phụ nữ chiếm ưu thế hơn đàn ông. Sức mạnh và nhiều đặc tính của cánh mày râu giờ dần mất giá trong xã hội.
Tại Mỹ, mức lương trả cho nam giới chỉ có bằng cấp 3 đã giảm 21% từ năm 1979 đến năm 2013, trong khi phụ nữ cùng bằng cấp lại tăng 3%. Hiện có đến 1/5 số nam giới trong độ tuổi lao động tại Mỹ chỉ có bằng cấp 3 đang bị thất nghiệp.
Tệ hơn, cuộc chiến quyền bình đẳng giới cùng những giá trị đạo đức khiến cánh mày râu không thể tự do được như trước. Họ buộc phải chơi theo quy định của xã hội.
Kể từ đây, áp lực với cánh mày râu ngày càng lớn. Họ được dạy phải giấu cảm xúc vào trong, phải mạnh mẽ, phải chiến đấu để chứng tỏ bản thân, phải đứng lên bảo vệ những thứ của mình và “đập vỡ mồm” kẻ địch. Họ cũng phải thông minh, sáng suốt để kiếm tiền, để cưới vợ, để dẫn dắt gia đình…
Trớ trêu thay, xã hội thay đổi khiến họ giờ phải cạnh tranh không chỉ với nam giới mà còn cả nữ giới. Họ bị đánh giá thấp hơn nữ ở nhiều lĩnh vực, sẽ phải tôn trọng phụ nữ hơn, phải hạn chế bản năng duy trì nòi giống của mình. Thế rồi hàng loạt sự thất vọng, sự coi thường, so sánh đổ dồn lên những người sinh ra với “2 hòn bi”.
Đến đây có lẽ nhiều người đã hiểu tại sao tỷ lệ nam giới tự tử trên toàn cầu cao gấp 5 lần nữ giới. Tỷ lệ bé trai tự sát cao gấp 9 lần bé gái. Trong cùng độ tuổi, tỷ lệ trầm cảm của bé trai so bé gái là 4-1. Đàn ông cũng chiếm 2/3 số người vô gia cư trên thế giới, có tỷ lệ nghiện rượu cao gấp đôi phụ nữ và tỷ lệ nghiện ma túy cao gấp 3.
Tỷ lệ đàn ông bất lực cũng ngày một tăng trong xã hội mà nguyên nhân chính là quá stress. Thế rồi những áp lực bị dồn nén khiến nhiều người bộc phát thành bạo lực gia đình, rượu chè, nghiện ngập…
Trớ trêu thay, tỷ lệ đàn ông cần sự trợ giúp từ bác sĩ tư vấn, xã hội hay chính phủ lại thấp hơn rất nhiều so với nữ giới dù họ đang ngày càng yếu thế và có vấn đề về sức khỏe. Lòng tự trọng và quan điểm truyền thống về phái mạnh, sự cạnh tranh trong xã hội khiến nhiều cánh mày râu không muốn nhờ cậy ai cả dù họ đang có vấn đề.
Đàn ông cũng là nạn nhân của nhiều vụ bạo lực nhưng chẳng dám khai báo vì quan điểm trên. Nghiên cứu cho thấy 40% nạn nhân bạo lực tại Mỹ là nam giới nhưng tỷ lệ khai báo với nhà chức trách cũng như xử lý chúng thấp hơn rất nhiều.
Nam giới là người nhận nhiều công việc nguy hiểm hơn nhưng tỷ lệ khai báo bị tổn thương do việc làm lại ít hơn nữ. Đàn ông làm việc bình quân lâu hơn nữ giới, ít xin nghỉ phép hơn, bị stress nhiều hơn hay thậm chí tỷ lệ chết gục khi đang làm việc cũng cao hơn nhưng lại chẳng mấy ai quan tâm hay than vãn.
Nói cách khác, đàn ông thời nay đa số coi mình là cái máy kiếm tiền để chứng tỏ bản thân, để lấy vợ và để nuôi gia đình để rồi áp lực khiến họ héo mòn dần, sa đà vào rượu chè thuốc lá cùng bệnh tật.
Tệ hại hơn, các thống kê cho thấy hơn 70% vụ ly hôn ngày nay là do phụ nữ chủ động với lý do không còn hòa hợp tình cảm. Rất nhiều vụ trong đó là do bạo lực gia đình khi đàn ông không thể kiềm chế cảm xúc hay thất bại trong sự nghiệp. Sự đổ vỡ này càng khiến cánh mày râu trầm cảm vá áp lực hơn.
Không dừng lại ở đó, khái niệm 3P nhắc đến ở trên khiến đàn ông cần có một thước đo để chứng tỏ khả năng bảo vệ, cung cấp và sinh sản. Hệ quả tất yếu là tiền bạc, danh vọng, gái đẹp, khả năng làm tình… trở thành những thứ đàn ông hướng tới ngày nay. Thậm chí chúng còn ảnh hưởng đến giá trị quan của cả xã hội.
Phụ nữ có giáo dục thường chê đàn ông hời hợt và chỉ thích gái đẹp, vậy bạn nghĩ có bao nhiêu nữ giới học thức sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để chạy theo một gã đàn ông nghèo, không có sự nghiệp cũng như hấp dẫn về ngoại hình hay khả năng làm tình?
Chúng ta đang phán xét không công bằng vị thế phụ nữ dựa trên sắc đẹp bên ngoài của họ. Chúng ta cũng đang không công bằng khi đánh giá đàn ông qua sự nghiệp, quyền lực hay khả năng làm tình.
Hệ quả là cho dù kiếm bao nhiêu tiền, đàn ông cũng không thỏa mãn, cho dù nắm quyền thế lớn bao nhiêu cũng là không đủ, cho dù ngủ với nhiêu gái đẹp cũng chưa thể hiện hết khả năng quan hệ giỏi hay sự hấp dẫn của bản thân.
Như một vòng tròn luẩn quẩn, đàn ông lại đâm đầu vào những áp lực, để rồi chết sớm. Với đà phát triển này, phải chăng trong tương lai nam giới sẽ thành loại sinh vật cần được bảo tồn, giúp đỡ chứ không phải phụ nữ?
(Còn tiếp)
AB – Theo Nhịp Sống Kinh Tế