Đời người là một quá trình tu dưỡng bản thân trở thành một người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Dưới đây là 9 mỹ đức tốt đẹp của làm người, cũng là điều mà những người có cuộc sống bình an, may mắn thường có.
- Thái độ nhân sinh tích cực
Người ta nói rằng, tâm thái của một người như thế nào sẽ quyết định cuộc đời của người ấy như thế. Một người có thái độ sống tiêu cực thì không chỉ khiến cuộc sống của mình đi xuống mà bản thân còn trở thành “gánh nặng” cho người khác.
Lạc quan tích cực là loại tài phú vô hình. Không chỉ trong văn hoá truyền thống mà khoa học hiện đại cũng đã chứng minh rằng một người rộng lượng, hào phóng và lạc quan thì sẽ có một tâm hồn thanh thản, cũng như sống một cuộc sống thoải mái, khỏe mạnh và trường thọ. Mỗi ngày đối với người ấy đều không phải là gánh nặng.
- Trí huệ
Trí huệ là một loại mỹ đức tối trọng yếu của con người. Loại mỹ đức này dẫn đường cho những đạo đức tốt đẹp khác. Người có trí huệ, phân biệt được phải trái, đúng sai, việc gì nên làm việc gì không. Do đó, trí huệ là yếu tố vô cùng quan trọng của một người.
Khổng Tử giảng:“Tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”, tức là người có trí tuệ gặp chuyện sẽ không bị mê hoặc; người nhân đức không ưu sầu, phiền lo; người dũng cảm thì không sợ hãi. Theo quan điểm của Nho gia, trí tuệ bao gồm rất nhiều phương diện như suy nghĩ thận trọng, minh tỏ, phân biệt rõ đúng sai, mưu lược, nhạy bén…
Trí tuệ của Phật gia lại là dẫn dắt thiện và tuệ căn (sự lĩnh ngộ) trong tâm con người, dẫn dắt thế nhân từ thế giới giả tướng tiến nhập vào thế giới chân ngã, cuối cùng đạt đến sự viên mãn.
- Ngay thẳng, chính trực
Công chính ngay thẳng mang ý nghĩa tôn trọng quyền lợi của tất cả mọi người. Để dưỡng được loại phẩm chất này phải là người không chỉ hiểu biết mà còn phải hiểu thấu đáo về đạo đức làm người.
Chính trực kiên trì nguyên tắc nền tảng đạo đức, trung thành với lương tri của bản thân, hết lòng tuân thủ lời hứa và giữ gìn tín ngưỡng của bản thân mình. Đây là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của làm người.
- Chăm chỉ làm việc
Người xưa có câu: “Thiên đạo thù cần” (ông trời ban thưởng cho người chăm chỉ cần cù). Hay cũng có câu, ông trời không phụ lòng người chăm chỉ. Trong cuộc đời mỗi người, không có phẩm chất nào thay thế được phẩm chất “chăm chỉ làm việc”. Chăm chỉ làm việc không chỉ thể hiện là người có trách nhiệm với bản thân mà còn là trách nhiệm với gia đình, xã hội.
- Bền gan vững chí
Kiên cường, bền gan vững chí có thể giúp chúng ta đối mặt với tất cả khó khăn, thử thách trong cuộc sống, trong công việc, kiên trì với lựa chọn và tín niệm của bản thân mình.
Mạnh Tử viết: “Hữu vi giả, thí nhược quật tỉnh, quật tỉnh cửu nhận nhi bất cập tuyền, do vi khí tỉnh dã”, ý nói, con người làm một việc gì thì cũng phải kiên nhẫn giống như đào giếng vậy. Nếu như đã đào giếng sâu đến chín nhận (ý là cao như một ngọn núi), mà bởi vì chưa tới mạch nước mà buông tha, thì vô luận là đã bỏ ra bao nhiêu công phu, đào sâu bao nhiêu đi nữa, cũng là “thất bại trong gang tấc”. Cái giếng ấy vẫn sẽ là một cái giếng hoang mà thôi.
- Kiểm soát bản thân
Khắc chế tính tình của bản thân, tiết chế dục vọng và tình cảm mãnh liệt của bản thân cũng chính là cách theo đuổi sự bình tĩnh, phải phép, phải Đạo. Người không kiểm soát được bản thân, phóng đãng dục vọng sẽ không thể làm được việc lớn, khó thành công trong cuộc đời.
- Lòng yêu thương con người
Lòng yêu thương con người thực sự là một loại đạo đức tốt đẹp. Nó giúp người với người sống gần nhau hơn, hòa thuận hơn và bình an hơn. Yêu thương là sự nguyện ý cho đi, người ta sẽ nhận được hạnh phúc khi người ta biết cho đi, biết san sẻ với người khác.
- Có lòng cảm kích, biết ơn
Cảm kích, biết ơn được ví là phương thuốc bí truyền của cuộc sống. Nó nhắc nhở chúng ta “uống nước phải nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Một người phải biết cảm kích trước việc thiện người khác làm, trước thiện tâm của người khác, biết cảm ơn Trời, đất, Thần Phật thì cuộc đời mới vui vẻ, khoái hoạt.
Một lời cảm ơn không chỉ kích thích người nghe tiếp tục làm việc tốt mà còn thể hiện bản thân mình là người hiểu biết, khiêm nhường.
- Khiêm tốn
Khiêm tốn được xem là trụ cột của đạo đức làm người. Người càng hiểu biết thì càng khiêm nhượng, khiêm tốn. Trái lại, người khoa trương, ba hoa thì thường là người hiểu nông, hiểu cạn.
Khiêm tốn còn là một mặt của sự khoan dung. Từ xưa đến nay, người có tài lại khiêm tốn mới được người đời kính trọng, tán dương ngàn đời.
An Hòa