Những hành động của Mỹ đã đẩy khu vực đang yên ổn vào tình trạng căng thẳng đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Ngày 13/6/2019, hai tàu chở dầu – Front Altair và Kokuka Courageous đã bị tấn công và làm hư hại ở Vịnh Oman thuộc Biển Ả Rập trên đường từ vùng Vịnh đi qua eo biển Hormuz. Một tháng trước, ngày 12/5/2019, bốn tàu chở dầu khác của Na-uy và Thuỵ Điển cũng đã bị đánh mìn tại cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ((UAE).
Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump, đã ngay lập tức cáo buộc Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công này.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói: “Rõ ràng Iran đứng sau vụ tấn công các tàu dầu ở vùng Vịnh. Mọi người nghĩ ai khác có thể làm điều đó? Liệu ai đó đó đến từ Nepal?”.
Đến nay chỉ có ba nước Mỹ, Ả Rập Saudi và Anh buộc tội Iran trong vụ tấn công các tàu chở dầu ở vùng cảng Fujairah thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và vịnh Oman.
Các nước châu Âu ký Thoả thuận hạt nhân với Iran, đặc biệt là Đức và Pháp tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng kết luận của Mỹ là vội vàng, những bằng chứng của Washington đưa ra là chưa đủ để tin cậy.
Vì sao Mỹ và Ả Rập Saudi không chấp nhận uỷ ban điều tra độc lập?
Tehran đã phủ nhận những cáo buộc này và tố cáo Washington có hành vi gây hấn đối chống Iran. Iran đã đề nghị thành lập một uỷ ban điều tra quốc tế độc lập với sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật để tìm ra thủ phạm của các vụ này. Tuy nhiên, việc Washington bác bỏ đề nghị này chứng tỏ họ biết ai là người gây ra vụ tấn công.
Một cuộc điều tra khách quan hoàn toàn có thể tìm ra thủ phạm. Các thông tin thu thập được có thể sử dụng để giúp cho công việc của uỷ ban điều tra. Trái mìn từ trường gắn vào thân một con tàu ở vịnh Oman chưa nổ là vật chứng hết sức quan trọng để xác định đây là loại mìn gì và do ai sản xuất.
Các thuỷ thủ trên hai con tàu này được cứu sống còn giữ các băng video và nhiều thông tin đáng tin cậy là những nhân chứng sống có thể cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến vụ tấn công.
Việc Lầu Năm Góc đưa ra một hình ảnh đen trắng của một chiếc xuồng Iran đang gỡ trái mìn chưa nổ khỏi thân một chiếc tàu bị tấn công ở vịnh Oman không nói lên điều gì. Năm 2003, trước khi quyết định tấn công Iraq, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo An, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Colin Powell đã giơ lên một cái lọ nhỏ và nói rằng “đây là vũ khí huỷ diệt tìm thấy ở Iraq”.
Sau này, khi không còn là ngoại trưởng nữa, ông C. Powell đã phải thừa nhận “đây là khoảnh khắc hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình.”
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Qatar, hàng chục tàu chiến của Mỹ đang hoạt động ở khu vực, căn cứ Hải quân – Không quân của Pháp ở Abu Dhabi thuộc UAE với các phương tiện kỹ thuật vô cùng hiện đại không lẽ không thể kiểm soát được các hoạt động phá hoại như vậy ở vùng Vịnh, đặc biệt là khu vực xung quanh eo biển Hormuz là nơi Iran đã nhiểu lần đe doạ đóng cửa thuỷ lộ cực kỳ quan trọng này.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng các thiết bị tình báo, các vệ tinh nhân tạo của Mỹ hoạt động 24/7 biết rất rõ đến từng chi tiết liên quan hoạt động gắn mìn từ trường vào bốn con tàu ở cảng Fujairah và hai tàu ở vịnh Oman, chỉ cách căn cứ quân sự của Mỹ vài trăm dặm, nhưng đã không tìm cách ngăn chặn. Mục đích là để đổ lỗi cho Iran.
Washington gây căng thẳng giữa Ả Rập Saudi, UAE với Iran nhằm mục đích gì?
Mỹ dự định tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Hòa bình đến thịnh vượng” vào ngày 25-26/6/2019 tại Thủ đô Manama của Bahrain được coi là giai đoạn đầu của “Thoả thuận thế kỷ” nhằm giải quyết vấn đề Palestine.
Để thực hiện được kế hoạch của mình Washington cần huy động khoảng 63 tỷ USD. Số tiền này chỉ có thể lấy được từ các nước vùng Vịnh giàu có, trước hết là Ả Rập Saudi và UAE, hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất của khu vực.
Những căng thẳng ở vùng Vịnh sẽ đẩy giá dầu lên cao. Các nhà phân tích chính trị cho rằng giá dầu chỉ tăng 2-3 USD/thùng thôi thì với khối lượng xuất khẩu tổng cộng trên dưới 12 triệu thùng/ngày, Ả Rập Saudi và UAE là hai nước ủng hộ Hội thảo Manama sẽ thu được một khoản tiền khổng lồ để đầu tư cho “Thoả thuận thế kỷ” của Mỹ.
Việc gây căng thẳng trong quan hệ với Tehran và đổ lỗi cho Iran về tình hình leo thang hiện nay, Tổng thống D. Trump cũng muốn tiếp tục gây sức ép và cô lập hơn nữa Iran trên trường quốc tế, đồng thời tìm cách biện minh cho quyết định của mình rút khỏi Thoả thuận hạt nhân JCPOA tháng 5/2018, phục vụ cho chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.
Nhà ngoại giao Iran Amir Al-Musavi nói, Ả Rập Saudi và UAE là hai nước được hưởng lợi duy nhất trong vụ tấn công vào các tàu chở dầu này để ủng hộ và cung cấp tài chính cho “Thoả thuận thế kỷ”của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Palestine và trang trải các chi phí cho cuộc chiến chưa biết bao giờ đi đến hồi kết tại Yemen.
Chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân dịp kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Iran sau hơn 40 năm trong một sứ mệnh trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran là một thắng lợi về ngoại giao của Iran.
Một số nước thù địch với Iran không vui vẻ gì khi nhìn thấy sự hoà dịu trong quan hệ giữa Mỹ và Iran nên tìm mọi cách để phá hoại các cố gắng hoà giải của ông Shinzo Abe và khả năng đàm phán trực tiếp giữa Washington và Tehran.
Nhiều học giả về Trung Đông cho rằng, trong các vụ tấn công các tàu dầu ở khu vực vùng Vịnh không loại trừ khả năng có bàn tay của bên thứ ba mà Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo gọi là ‘Kế hoạch B” trong cuộc đối đầu với Iran.
Chính sách của Mỹ là nguyên nhân gây căng thẳng ở khu vực vùng Vịnh
Tháng 7/2015, sau hơn 12 năm đàm phán căng thẳng, Iran, các nước P5+1, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thoả thuận lịch sử gọi là “Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)”. Thoải thuận này đã ngăn cản được Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cả thế giới, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Quốc hội Mỹ đã tuyên bố hoan nghênh và cho rằng thoả thuận này đóng góp quan trọng vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông và thế giới. Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần xác nhận Iran thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sau khi đắc cử đã đơn phương quyết định rút khỏi thoả thuận vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có đối với Iran, trong đó có việc cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ của nước Cộng hoà Hồi giáo.
Tiếp theo đó, tháng 5/2019, Washington đã đưa một lực lượng quân sự khổng lồ tới vùng Vịnh gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, phi đội máy bay mém bom chiến lược B-52, hàng chục tàu chiến và hơn hai ngàn quân… đe doạ tấn công Iran.
Những hành động này của Mỹ đang đẩy khu vực đang yên ổn vào tình trạng căng thẳng đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Ông Trump nhiều lần đề nghị đàm phán vô điều kiện với Iran, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục gây sức ép với Tehran.
Trong khi nhờ Thủ tướng Shinzo Abe chuyển đề nghị muốn đàm phán tới lãnh đạo Iran thì Washington lại áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới ngằm vào hơn 30 công ty hoá dầu của Iran và đưa thêm 1000 quân đến vùng Vịnh. Động thái này của Washington gây nghi ngở về thiện chí của ông Trump muốn giải quyết các bất đồng với Iran bằng thương lượng hoà bình.
theo Trí Thức Trẻ