Trung Quốc đang vật vã trong cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể nhìn kinh nghiệm “đau thương” của Nhật Bản thời thập niên 1980-1990 để rút ra bài học.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đang leo thang nghiêm trọng và Huawei là “nạn nhân” đầu tiên hứng đạn và bị thương nghiêm trọng. Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc có thể nhìn lại lịch sử xung đột thương mại Mỹ – Nhật Bản thời thập niên 1980 và 1990 để rút ra bài học.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Nhật Bản manh nha từ những năm 1950 trong lĩnh vực dệt may, sau đó lan rộng sang sợi tổng hợp và thép vào những năm 1960.
Cuộc chiến leo thang trong thập niên 1970 đến 1990 ở hầu hết ngành quan trọng như TV màu, ô tô và chất bán dẫn, khi những điều chỉnh về chính sách công nghiệp và phát triển công nghiệp giúp nâng cao vị thế công nghiệp của Nhật Bản.
Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản qua mặt Mỹ trong thập niên 1980. Nhật Bản trở thành nhà cung cấp chip lớn nhất thế giới, khiến Mỹ khó chịu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đánh giá Nhật Bản là mối đe dọa kinh tế lớn nhất đối với Mỹ thời đó. Washington cáo buộc Tokyo ăn cắp bí mật công nghệ Mỹ, bán phá giá sản phẩm tại thị trường Mỹ…
Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ không hạ nhiệt
Chính quyền Washington trừng phạt các công ty Nhật Bản vì tội ăn cắp bí mật công nghệ Mỹ và bán sản phẩm quốc phòng nhạy cảm cho Liên Xô. Mỹ cũng buộc Nhật Bản ký các thỏa thuận chia sẻ công nghệ bán dẫn và tăng mua các sản phẩm bán dẫn của Mỹ.
“Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng các chiến thuật tấn công Trung Quốc tương tự như cách chống Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990”, SCMP dẫn lời một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói.
Cố vấn này cáo buộc Mỹ muốn tiếp tục vị thế độc quyền công nghệ, cản trở sự phát triển của Trung Quốc, vận động các quốc gia đồng minh để gia tăng sức ép lên Bắc Kinh.
Sau khi đàm phán thương mại Mỹ – Trung sụp đổ hồi tháng 5, Huawei bị chính quyền ông Trump cấm vận. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trở thành tâm điểm trong cuộc đấu giữa Bắc Kinh và Washington.
Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ lo ngại về mức độ cạnh tranh ngày càng cao của các công ty công nghệ Trung Quốc nên quyết định ra tay trừng trị.
Nhà nghiên cứu Zhang Monan thuộc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế nhận định cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều so với xung đột Mỹ – Nhật Bản, do đó sẽ không hạ nhiệt.
“Mỹ sẽ tăng cường ngăn chặn Trung Quốc và xung đột công nghệ sẽ không giảm nhiệt kể cả khi hai nước đạt một thỏa thuận giảm căng thẳng thương mại”, chuyên gia Zhang dự báo.
Công nghệ đặc biệt quan trọng với an ninh quốc gia
Trở lại năm 1982, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các quan chức cấp cao của Hitachi đánh cắp bí mật công nghệ của IBM. Công ty Mỹ cũng đâm đơn kiện Hitachi.
Sau đó, Hitachi phải trả 10 tỷ yên (92,3 triệu USD) tiền bản quyền cho IBM vào năm 1983 và chấp nhận việc IBM kiểm tra các sản phẩm phần mềm mới của hãng trong vòng 5 năm.
Toshiba bị cáo buộc bán công nghệ quốc phòng nhạy cảm cho Liên Xô từ năm 1982 đến 1984. Mỹ cấm nhập sản phẩm của Toshiba trong 3 năm tính từ năm 1987. Công ty Nhật Bản phải chạy thông tin xin lỗi chính thức trên 90 tờ báo Mỹ.
Năm 1985, Mỹ áp thuế 100% lên thiết bị bán dẫn của Nhật Bản. Một năm sau, trong thỏa thuận bán dẫn kéo dài 5 năm với Mỹ, Nhật Bản đồng ý giám sát giá hàng xuất khẩu, tăng nhập khẩu từ Mỹ, chấp nhận để Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ giám sát.
Thỏa thuận bán dẫn 5 năm lần thứ 2 được công bố vào năm 1991. Trong đó, Nhật Bản đồng ý tăng gấp đôi thị phần của Mỹ tại Nhật Bản, lên 20%. Ngoài ra, từ năm 1989, Nhật Bản phải hỗ trợ bằng sáng chế bán dẫn cho Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ tăng cường nỗ lực giúp các doanh nghiệp nước mình phát triển công nghệ chip, đồng thời đưa ra các quy tắc bảo vệ ngành chip nội địa.
Đến năm 1996, các doanh nghiệp Mỹ trở nên rất mạnh về công nghệ vi xử lý, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan vươn lên thành đối thủ của Nhật Bản. Đánh mất vị thế đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn, Nhật Bản buộc phải tăng cường hợp tác với châu Âu.
“Lịch sử cho thấy công nghệ cao có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược an ninh quốc gia chứ không chỉ là vấn đề thị phần”, chuyên gia Zhang khẳng định.
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tấn công Trung Quốc
Chuyên gia Zhang dự báo Mỹ sẽ tiếp tục kiềm tỏa sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, robot và công nghệ nano. Tất cả đều có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bắc Kinh.
Chính phủ Washington cáo buộc Huawei và ZTE đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Năm ngoái, Mỹ đưa ZTE vào danh sách đen vì hãng này vi phạm lệnh cấm vận Iran và Triều Tiên. Lệnh cấm được gỡ bỏ sau 3 tháng sau khi ZTE nộp khoản tiền phạt lên tới 1,4 tỷ USD.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là một cái tát giáng vào Bắc Kinh, buộc nước này phải nỗ lực phát triển công nghệ. Lệnh cấm vận Huawei là cái tát tiếp theo.
Giáo sư Wang Yiwei thuộc Đại học Nhân Dân nhấn mạnh: “Trung Quốc phải tự phát triển kiến thức công nghệ trong khi tiếp tục mở cửa”. Ông Wang cho rằng Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác với các nước châu Âu để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Theo chuyên gia Zhang, sự khác biệt giữa chiến tranh thương mại Mỹ – Nhật Bản và Mỹ – Trung là tia hi vọng đối với Bắc Kinh. “Nhật Bản phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ, đồng thời đã là một quốc gia phát triển nên khó có cơ hội kháng cự”, chuyên gia Zhang phân tích.
“Trong khi đó, Trung Quốc có thị trường nội địa giàu tiềm năng để có thể xử lý tình trạng mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển công nghệ.
Thị trường Trung Quốc vẫn thu hút các tập đoàn đa quốc gia và điều đó tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục đổi mới và hợp tác công nghệ. Nhưng Trung Quốc cần phải xóa bỏ những nghi kỵ về mô hình tăng trưởng của mình”, chuyên gia Zhang nhấn mạnh.
An Chi (ZN)