Gia Cát Lượng sáu lần ra Kỳ Sơn, đều không thành, hiểu ra mệnh Trời khó cưỡng.
“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.
Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Bài viết này giới thiệu một phần nội dung trong thiên Mưu Xưng (缪称) của “Hoài Nam Tử”.
[Nguyên văn] Nhân vô năng tác dã, hữu năng vi dã. Hữu năng vi dã, nhi vô năng thành dã. Nhân chi vi, thiên thành chi.
[Diễn nghĩa] Con người không thể tạo ra điều gì từ hư vô, nhưng có khả năng thực hiện những việc trong khả năng của mình. Tuy có thể làm, nhưng không thể tự quyết định thành công hay không. Người chỉ có thể thuận theo đạo Trời mà hành sự, còn việc thành bại là do Trời định đoạt.
Luận giải mở rộng
Một người cả đời hành thiện, nhưng nếu không gặp đúng thời vận, điều kiện thiên thời thì việc tốt ấy cũng không thành công. Ngược lại, một người cả đời làm ác, nhưng nếu thời thế không cho phép, thì cũng chưa chắc bị diệt vong.
Do đó, việc làm thiện hay ác là do con người lựa chọn, nhưng phúc hay họa là do Trời định. Vì thế, người quân tử luôn hết sức thận trọng với những việc mình có thể làm được.
Bản tính con người là do Trời phú, còn số mệnh thì cần phải hợp với hoàn cảnh, thời thế mình đang sống. Có tài mà không gặp thời, đó là mệnh Trời. Theo đuổi lý tưởng là quyền của mỗi người, nhưng có thực hiện được hay không lại do mệnh Trời.
Cho nên người quân tử tuy có thể làm việc thiện, nhưng chưa chắc đã được hưởng phúc; đồng thời, tuy không muốn làm việc ác, nhưng cũng không chắc tránh được tai họa.
Câu chuyện minh họa
Vào thời Nghiêu trị vì thiên hạ, ông luôn lo lắng và không bao giờ xem việc nước là điều an nhàn. Mãi đến khi ông bình an trao quyền cho Thuấn, ông mới hết lo.
Khi còn lo toan việc nước, Nghiêu không chút lơi lỏng, giữ vững ngôi vua đến phút cuối, và vui lòng nhường ngôi cho người hiền, chưa bao giờ coi thiên hạ là tài sản riêng của mình.
Từ sự vật thường ngày minh tỏ đạo lý
Mọi vật đều có công dụng, không có gì là quá nhỏ đến mức vô dụng. Nếu không hiểu được giá trị của nó, thì ngọc bích quý cũng chỉ như rác bẩn.
Tâm lý thường tình của con người là: Đối với tai họa thì luôn tìm cách tránh điều lớn, chọn điều nhỏ. Đối với lợi ích thì luôn tìm cách nhận điều lớn, bỏ điều nhỏ. Ví dụ: Thịt nướng ngon, dù cùng mùi vị, người ta luôn thích miếng to – đó là vì cảm thấy to thì mới ngon.
Trong số những người học cùng một thầy, ai vượt trội nhất chắc chắn là người lấy việc học làm niềm vui. Một người không thích làm mà lại có thể làm tốt, đó là điều xưa nay chưa từng nghe đến.
Thái độ của người quân tử
Khi thời thế tốt, gặp thời cơ, thì người quân tử tiến lên hành đạo và được trọng dụng, đó là điều không có gì để tự mãn.
Khi thời thế không thuận, người quân tử tránh lui, đó cũng là điều hợp đạo lý, không có gì gọi là bất hạnh cả.
Phúc họa khởi đầu rất vi tế
Phúc khi mới khởi thì nhỏ như tơ mảnh, họa khi mới đến thì nhẹ như bụi bay. Bởi vì phúc và họa lúc mới phát sinh đều nhỏ bé, không rõ ràng, nên người thường thường bỏ qua, không để tâm. Chỉ có bậc thánh nhân mới có thể từ điều vi tế mà nhìn thấy toàn cục, tiên đoán được tương lai của sự việc.
Vì thế trong cổ thư có chép: “Rượu mà nước Lỗ dâng lên vua Sở không ngon bằng rượu nước Triệu, thế nhưng thành Hàm Đan của Triệu lại bị quân Sở bao vây. Hoa Nguyên mổ dê chiêu đãi quân sĩ, nhưng quên không múc thêm cho người đánh xe, kết quả bị người đánh xe phản bội, bị quân Trịnh bắt, làm nước Tống lâm nguy.”
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch