Khởi nghiệp với sản phẩm cà phê dừa độc đáo, cùng với việc biết tận dụng lợi thế của nền tảng mạng xã hội để bán hàng đã giúp cho chị Trần Hồng Nhiên (39 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) có được “trái ngọt”.
Việc khởi nghiệp với sản phẩm cà phê dừa của chị Trần Hồng Nhiên cũng hết sức tình cờ. Chị Nhiên cho biết, bản thân vốn rất thích nấu ăn, thường xuyên vào bếp và sáng tạo những đồ ăn, thức uống mới lạ.
Dù thích cà phê nhưng chị Nhiên lại bị say cà phê nguyên chất, mỗi khi uống vào tim đập nhanh, nhức đầu. Tình cờ, có lần rang dừa thấy thơm nên chị trộn thử với cà phê để uống, không ngờ cà phê ngon, hương vị rất riêng, đặc biệt ngon hơn khi pha với sữa. Khi uống cũng không bị say nên chị thường làm cà phê dừa cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình thưởng thức.
Vào năm 2022, chị Nhiên biết và tập tành chơi mạng xã hội TikTok. Một lần, chị tình cờ thấy một video chia sẻ sự bức xúc của người dân khi đi mua cua nhưng cua vừa không ngon, vừa rơi vào cảnh “dây buộc nặng hơn cua”. Vốn có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thực phẩm, chị liền làm video chia sẻ để làm sao mua được cua ngon, lại không bị hớ. Video này không ngờ lại được nhiều người quan tâm, chia sẻ.
Sau đó, chị Nhiên tiếp tục làm thêm các video chia sẻ kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn các loại ốc, cá đồng, ếch đồng… và cả cách chế biến một số món ăn. Đặc biệt, video về cà phê dừa đã nhận được rất nhiều lượt xem. Dù có những video chị chia sẻ cặn kẽ về cách làm cà phê dừa nhưng nhiều người tỏ ra thích thú, hỏi mua sản phẩm để dùng.
Nhiều người quen, bạn bè sau khi thưởng thức cà phê dừa của chị Nhiên cũng khen ngon. Được sự động viên, khích lệ nên vào cuối năm 2022, chị Nhiên chính thức bán cà phê dừa rộng rãi ra thị trường.
Theo chị Nhiên, nguyên liệu làm cà phê dừa không quá khó tìm, bởi ở địa phương có nhiều vườn dừa nên nguồn cung lúc nào cũng dồi dào, chị thu mua từ các nhà vườn gần nhà. Riêng cà phê chị tuyển chọn hạt từ tỉnh Đắk Lắk.
Về quy trình làm cà phê dừa cũng không quá phức tạp. Dừa nạo xong bỏ vào chảo rang đến khi ngả màu vàng nâu thì tắt bếp. Thành phẩm trên đem trộn với cà phê xay sẵn.
Điểm mới của sản phẩm cà phê dừa do chị Nhiên làm ra là không kết hợp cà phê với nước cốt dừa mà là cơm dừa rang khô ở nhiệt độ và thời gian phù hợp. Hai thành phần này được xay nhuyễn, sau đó trộn đều vào nhau. Sản phẩm có quy trình sản xuất sạch, nói không với chất phụ gia, bảo quản, tạo hương… Từ đó tạo ra thức uống cà phê mang đặc trưng riêng.
“Những sản phẩm ban đầu bao bì rất đơn giản, chỉ gói bằng giấy. Nhưng vì mọi người tin tưởng, yêu thương nên bán rất nhiều. Sau một thời gian thì có khách hàng góp ý là nên đầu tư vào bao bì, nhãn mác để nhiều người tiêu dùng đón nhận hơn”, chị Nhiên chia sẻ.
Chú trọng chất lượng, nâng tầm sản phẩm
Năm 2023, chị Trần Hồng Nhiên tham gia Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang do Hội LHPN tỉnh tổ chức với dự án cà phê dừa và đã đạt giải 3. Đây cũng được xem là một trong những bước ngoặt trong hành trình khởi nghiệp của chị.
“Khi tham gia cuộc thi, các thành viên Ban giám khảo đặt câu hỏi và góp ý nhiều. Trong đó, các chuyên gia cho rằng sản phẩm cần phải kiểm nghiệm chất lượng cẩn trọng, bởi nguyên liệu dừa có tại địa phương nhưng cà phê thì lấy từ Đắk Lắk. Bên cạnh đó, cũng cần phải đầu tư hơn nữa vào bao bì sản phẩm. Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn với những kiến thức khởi nghiệp rất hay. Những điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình khởi nghiệp”, chị Nhiên bày tỏ.
Ngay sau cuộc thi khởi nghiệp, chị Nhiên đã được hỗ trợ để kiểm nghiệm sản phẩm. Sản phẩm cà phê dừa sau đó cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đồng thời, chị cũng mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua một số máy móc cần thiết.

Thời điểm này, cơ sở sản xuất của chị Nhiên đã tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 300.000 – 450.000/người/ngày. Bên cạnh bán lẻ trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là kênh TikTok cá nhân với hơn 138.000 người theo dõi, sản phẩm cà phê dừa mang thương hiệu Hồng Nhiên cũng được phân phối cho nhiều quán cà phê trên khắp cả nước. Từ lợi nhuận có được, chị Nhiên tiếp tục đầu tư mua thêm máy móc để giúp cho quá trình sản xuất hiệu quả hơn nữa.
Hạnh phúc khi xây dựng được thương hiệu của riêng mình
Chị Trần Hồng Nhiên cho hay thành công đạt được bước đầu trong thời gian không quá dài không có nghĩa con đường khởi nghiệp của chị lúc nào cũng được trải “hoa hồng” mà còn có không ít chông gai, thách thức.
Theo chị, bên cạnh thuận lợi thì việc bán hàng trên mạng xã hội cũng khiến chị gặp phải những rủi ro, phiền phức nhất định. “Hành trình nào cũng có khó khăn. Khi bán hàng sẽ gặp phải một số sự cố, mình không thể đáp ứng thị hiếu của 100% khách hàng. Khi bán hàng trên mạng xã hội, có nhiều khách hàng đặt với số lượng lớn rồi boom hàng. Những lúc này cần thời gian để xử lý, vừa tốn kém lại khiến mình bị stress luôn. Rồi phí sàn ngày càng tăng, có lúc đã định bỏ cuộc nhưng được động viên, nghĩ đến những giá trị công việc mang lại, mình xốc lại tinh thần để bước tiếp. Sau này, khi có người đặt số lượng lớn thì phải liên hệ lại để xác nhận cụ thể”, chị Nhiên chia sẻ.
Chị Trần Hồng Nhiên hạnh phúc khi đã tạo được sản phẩm mang thương hiệu của chính mình cũng như được gia đình đồng hành trong quá trình khởi nghiệp
Gần đây, chị Nhiên còn làm ra một số sản phẩm khác từ nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để bán như tắc mật ong, tắc xí muội, tắc rim mãng cầu….. Thành quả này không chỉ xuất phát từ bản tính luôn muốn tìm tòi, học hỏi mà còn xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị cho nông sản địa phương của chị.
Theo chị Nhiên, điều khiến chị vui nhất trong hành trình khởi nghiệp là bản thân đã có thương hiệu của chính mình. Từ đó không chỉ lo được cho cuộc sống của bản thân mà chị còn có điều kiện để hỗ trợ chị em khác, đặc biệt là các chị em khuyết tật.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Nhiên cho hay sẽ làm thêm nhiều sản phẩm từ nông sản địa phương. Chị mong muốn các sản phẩm sẽ được phân phối khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, chị cũng dự định sẽ trồng thêm dừa từ diện tích đất sẵn có của gia đình để chủ động thêm nguồn nguyên liệu, nhất là vào những thời điểm giá dừa tăng cao, giúp giá thành sản phẩm cà phê dừa được ổn định.
“Trong hành trình khởi nghiệp, tôi cũng rất hạnh phúc và thuận lợi khi được sự đồng hành của gia đình, đặc biệt là chồng đã ủng hộ, hỗ trợ hết mình. Tôi nghĩ rằng, đối với phụ nữ nông thôn, khi khởi nghiệp thì cố gắng sử dụng sản phẩm sẵn có của địa phương. Như vậy sẽ có nhiều ưu thế và thuận lợi. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn bán hàng trên các nền tảng xã hội. Nếu làm được như vậy thì bất cứ lúc nào mình cũng kiếm được tiền”, chủ thương hiệu Cà phê dừa ở Hậu Giang tâm sự.
“Khi khởi nghiệp, đặc biệt là được tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, tôi nhận thấy có nhiều chị em rất đam mê khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cũng có không ít chị em còn rụt rè, ngại học hỏi. Đặc biệt, có chị còn ngại chia sẻ, bán hàng trên mạng xã hội hội vì sợ bị đánh giá, bị nói này kia. Tôi nghĩ rằng điều này cũng là bình thường, bởi thực tế cuộc sống hằng ngày cũng vậy.
Mình phải xác định rằng bán hàng thì phải đa chiều. Quan trọng là sản phẩm mình bán ra đảm bảo chất lượng và mình làm bằng cái tâm. Không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người được. Tôi cũng đã chia sẻ điều này với nhiều chị em và cũng đã có chị vượt qua được những nỗi sợ khi tham gia mạng xã hội, có được kết quả nhất định”. – Chị Trần Hồng Nhiên –
Thực hiện:Mộc Miên