Khổng Tử từng nói với các học trò về dũng khí vô địch nơi thế gian, ông nói: “Biết nghèo là do mệnh, biết thông đạt là có thời, đối mặt với đại nạn mà không sợ hãi – đó là dũng khí của bậc Thánh nhân”.
Trong mắt Khổng Tử, một người bất khả chiến bại là dựa vào nội tâm của họ, mà nội tâm mạnh mẽ bắt nguồn từ việc người ấy thấu hiểu sâu sắc thiên mệnh, biết nhẫn nại chờ thời và cuối cùng rèn luyện được sự bình thản như nước tĩnh.
1. Làm hết sức mình rồi nghe theo mệnh trời
Nội tâm mạnh mẽ, cốt lõi là dám đối diện thực tế, gặp chuyện có thể toàn lực ứng phó, nhưng vì hiểu được mệnh trời mà biết tiết chế.
Trong chương “Nghiêu viết” của Luận Ngữ có câu: “Không biết mệnh thì không thể làm quân tử.”
Thiên mệnh – dù là Đạo gia chủ trương xuất thế hay Nho gia nhấn mạnh nhập thế – đều coi đó là học vấn tối cao. Khổng Tử thường nói: “Năm mươi tuổi biết thiên mệnh”, tức là đến tuổi ngũ thập, nếm đủ vị đắng ngọt cuộc đời, mới biết cái gì nên làm, cái gì không nên, và khuyên người đời nên hiểu mệnh mà hành sự, không được mạo hiểm cưỡng cầu.
“Quân tử thuận theo đạo lý mà đợi mệnh, tiểu nhân thì mạo hiểm để cầu may” (Trung Dung, chương 14). Ý rằng bậc quân tử làm nên đại sự phần nhiều là người bình tâm, chờ đợi thiên mệnh đến, còn tiểu nhân thì mạo hiểm, cầu lợi phi nghĩa, cuối cùng trắng tay. Con người sở dĩ sợ hãi khi đối diện nghịch cảnh, là vì còn ham muốn và sợ mất mát.
Phương thuốc trị tâm mà Khổng Tử đưa ra là: “Làm hết sức, còn lại nghe theo mệnh trời”.
Dù cố gắng đến mấy cũng không chấp vào kết quả; dù lao tâm khổ tứ cũng đã sớm xem nhẹ vinh nhục, ngộ được cái diệu lý của thời thế tạo nên.
2. Hiểu mệnh trời rồi chờ thời vận
Người ngồi câu bên sông chờ thời cơ chính là Khương Tử Nha – khai quốc công thần của nhà Chu, là vua nước Tề sau này. (Ảnh: Chánh Kiến Net)
Người xưa cho rằng thành bại đều do ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó thiên thời là quan trọng nhất.
Người có nội tâm mạnh mẽ thường là người có hoài bão lớn, họ có thể chịu đựng sự im lặng nhất thời là vì tin tưởng vào một thời cơ thích hợp sẽ mở ra tiền đồ rực rỡ. Trong khúc tản văn “Truy Hàn Tín” có câu: “Thời vận chưa tới chớ vội chê cười, Thái Công cũng từng làm kẻ câu cá”. Người ngồi câu bên sông chờ thời cơ chính là Khương Tử Nha – khai quốc công thần của nhà Chu, là vua nước Tề sau này.
Chỉ tiếc rằng, thời cơ không đến ngay lập tức. Phần lớn người đời thường đánh mất sự kiên cường trong chờ đợi, trở nên do dự và lo sợ được mất. Trong “Luận Ngữ – Tử Hãn”, Khổng Tử có nói: “Trời đông giá rét, mới biết tùng bách là loài cuối cùng rụng lá”. Dùng để khuyên đời: Chính là những thời khắc khó khăn nhất, vượt qua được thì mới biết ai là kẻ mạnh.
Nội tâm mạnh mẽ bắt nguồn từ niềm tin vào bản thân, đồng thời cũng không thể thiếu sự kiên nhẫn, giống như nằm gai nếm mật, chờ thời đến.
3. Ngộ thời vận rồi giữ tâm bình lặng
Năm xưa, Phạm Trọng Yêm trong bài “Nhạc Dương Lâu Ký” đã viết: “Không vui vì vật, không buồn vì mình”. Thật không ngờ, lúc ấy ông đang ở trong giai đoạn trầm mặc nhất cuộc đời – bị giáng chức lưu đày đến Đặng Châu, Hà Nam. Nhưng chỉ qua tám chữ ấy, hoàn toàn không thấy tâm trạng bi lụy, mà ngược lại thấy được nội tâm kiên cường, không gì lay chuyển.
Những bậc chí sĩ qua các triều đại Trung Hoa – người nào có thể gọi là rộng lượng, khoáng đạt – không ai không có một nội tâm siêu thoát và bình thản. Từ Trang Tử, Bách Lý Hề thời Xuân Thu Chiến Quốc, đến Đào Tiềm thời Ngụy Tấn, rồi Tô Thức, Bạch Cư Dị thời Đường Tống, cho đến Hồ Thích thời cận đại – cuộc đời họ ít nhiều từng trải qua thời khắc u ám, nhưng chính cái tâm “không vui vì vật, không buồn vì mình” ấy cuối cùng đã thắp lên ngọn nến trong cuộc đời họ.
Tâm bình thản là tinh thần quên mình mà Nho giáo đề cao, là sự tiêu dao mà Đạo giáo hay nói đến, là lý “không chấp vào vật” trong Kinh Phật. Đó là sự tu dưỡng sâu sắc của bản thân và cũng là cảnh giới tư tưởng tối cao giúp bạn chiến thắng mọi khó khăn.
Con người sống trên đời, không thể cầu mong mọi chuyện đều thuận lợi, đường đời bằng phẳng. Nhưng khi bạn bước đi giữa chông gai và lòng đã kiệt quệ, nếu vẫn không quên lời Khổng Tử – “Biết nghèo là do mệnh, biết thông đạt là có thời, đối mặt với đại nạn mà không sợ hãi – đó là dũng khí của bậc Thánh nhân”, thì lúc ấy, liều “thuốc tăng lực” mà Khổng Tử đã dày công điều chế, sớm đã ngấm sâu trong lòng bạn.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch