Giữa lúc vụ bắn người rồi tự sát do oan ức bởi khiếu nại khắp nơi không được giải quyết, xẩy ra tại Tỉnh Vĩnh Long gây bão trên công luận, chúng tôi xin trở lại với câu chuyện: “Pháp luật trốn đi đâu, sao quyền lợi bị đánh cắp của tôi không ai bảo vệ”?
Đó là tiếng kêu cứu đầy bức xúc của một người đàn bà 65 tuổi sống giữa TP. Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã có dịp lên tiếng trong một bài báo vào ngày 16/9/2024. Gần 8 tháng đã trôi qua, mặc cho cả chục lá đơn cầu cứu tiếp tục được gửi khắp nơi, đó vẫn đang chỉ là Tiếng Kêu Không Vọng Lại
Người đàn bà mà chúng tôi nói đến là bà Lê Ngọc Hương (SN: 1959, hiện ngụ tại căn hộ B 204, Lô B chung cư Petrovietnam Landmark, 69 Mai Chí Thọ, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Và tiếng kêu không vọng lại của bà liên quan tới hành trình hơn 20 năm “một mình còng lưng với đất” của bà.
Như chúng tôi đã từng phản ánh trong bài báo vừa nêu (XEM TẠI ĐÂY), sau hơn 10 năm bà về làm dâu cụ Đầm, một mình còng lưng với gần 2 ha đất tập đoàn giao, năm 1995, ba mẹ con bà cùng với 2 mẹ con cụ Đầm được chính quyền huyện Bình Chánh cấp sổ đỏ cho toàn bộ khu đất mà bà đang canh tác. Cuốn sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm” gốm 5 thành viên đã khởi đầu như thế.
Đó là một khởi đầu đẹp nhưng kết thúc lại không hề đẹp. Sau hơn 20 năm chung sống, ông chồng lái xe của bà Hương có bồ rồi yêu cầu ly dị. Và từ đây, hàng loạt các hành động đầy toan tính được phơi bày từ mẹ con cụ Đầm buộc bà Hương không thể im lặng. Đầu tiên là việc ông Dương Công Út, chồng bà Hương “bắt tay” với Công an Phường tự ý cắt hộ khẩu mẹ con bà Hương ra khỏi cuốn sổ hộ khẩu chung đứng tên chủ hộ Nguyễn Thị Đầm. Biết chuyện, bà Hương khiếu nại khắp nơi, buộc Công an Phường phải xin lỗi rồi phục hồi lại các nhân khẩu của hộ này như cũ. Động trời hơn, bà Hương phát hiện cuốn sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm” mà mình cũng có quyền như mẹ con cụ Đầm bỗng bị mất đi hơn ¾ (ba phần tư) diện tích được cấp ban đầu mà mình không hề được biết. Chưa dừng lại đó, vào năm 2013, khi chính quyền tiến hành thu hồi cuốn sổ đỏ cấp năm 1995 để đổi sổ mới (do diện tích trong sổ cũ đã thay đổi), bà Hương mới phát hiện ra rằng mẹ con cụ Đầm, lại một lần nữa cấu kết với chính quyền xóa tên mẹ con bà khỏi cuốn sổ hộ khẩu chung. Để rồi, cuốn sổ đỏ cấp mới năm 2013 cho “Hộ Nguyễn Thị Đầm” chỉ còn lại 2 mẹ con cụ Đầm được quyền hưởng trọn. Bắt đầu từ đây, một cuộc chiến pháp lý đòi quyền lợi, một quyền lợi hợp pháp rõ ràng đã bị đánh cắp với sự tiếp tay của chính quyền.

Vâng, không thể có từ ngữ nào đúng hơn để diễn tả cho việc làm này ngoài 5 chữ QUYỀN LỢI BỊ ĐÁNH CẮP. Và thật đáng buồn, vô cùng đáng buồn không chỉ cho mẹ con bà Lê Ngọc Hương mà còn là cho tất cả chúng ta, khi tới giờ này, quyền lợi bị đánh cắp này vẫn đang bị các cơ quan công quyền quay lưng ngoảnh mặt. Sơ thẩm, phúc thẩm rồi cả Giám đốc thẩm đều từ chối – Một sự từ chối bất chấp luật pháp, bất chấp cả đạo lý làm người như chúng tôi đã từng phân tích. (XEM Ở ĐÂY)
Không đi theo con đường tuyệt vọng như người đàn ông đáng thương ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho những người còn sống, mẹ con bà Lê Ngọc Hương cầu cứu tới Quốc hội. Và thật may mắn cho bà, bắt đầu từ chỉ đạo của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã ít nhất 2 lần có công văn gửi Tòa án nhân tối cao đề nghị xem xét. Và mới đây nhất, ngày 04/7/2024, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường tiếp tục ký công văn số 3821/UBTP15 gửi “Đ/c Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” với nội dung: “…xin chuyển đến Đồng chí đơn của bà Lê Ngọc Hương. Trân trọng đề nghị Đồng chí xem xét, chỉ đạo giải quyết vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, trả lời đương sự, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.
Vâng, có vẻ như chẳng còn gì để lo lắng nữa khi những nhà lãnh đạo Quốc hội đã lên tiếng rõ ràng như thế. Và bởi vậy, trong bài báo kể trên, khi trả lời lời kêu cứu của bà, chúng tôi đã không hề ngần ngại mà rằng: “Pháp luật chẳng trốn đi đâu cả đâu, thưa bà Lê Ngọc Hương. Cơ quan lập pháp đã lên tiếng, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã “đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết. Mong bà hãy an tâm chờ đợi.”
Nhưng…, cũng đã 8 tháng rồi, cả chục lá đơn cầu cứu tiếp tục được gửi đi, tiếc thay, đó vẫn đang chỉ là TIẾNG KÊU KHÔNG VỌNG LẠI
PV