Ai mà chẳng thích chuyện cười, liệu chuyện cười của người xưa và người nay có điểm chung, hay là dị khúc đồng công? Hãy cùng xem một mẩu chuyện cười cổ đại trích từ “Tiếu Lâm” của Hàm Đan Thuần thời Đông Hán, và chia sẻ cảm nhận của bạn nhé!
Chuyện cười: Ai giết Trần Đà?
Có một thư sinh tên Giáp muốn đến bái kiến vị huyện lệnh địa phương. Nhưng anh ta không dám đường đột đến thẳng nha môn, nên hỏi những người quen để dò la về sở thích của huyện lệnh: “Huyện lệnh đại nhân thường thích đọc sách gì?”
Có người khẽ nói với anh ta: “Ông ấy thích nhất là ‘Công Dương Truyện’, nếu cậu hiểu bộ sách này, có lẽ sẽ có đường tiến thân.”
Giáp sinh trong lòng mừng rỡ! Thế là anh ta thức đêm học nhồi nhét “Công Dương Truyện”, học thuộc vài câu kinh văn, rồi tự tin đến yết kiến.
Huyện lệnh tiếp kiến anh ta, quả nhiên sau vài câu hàn huyên đã hỏi anh ta: “Ngươi đọc sách gì?”
Giáp sinh ưỡn ngực đáp: “Tiểu nhân cả đời chuyên tâm nghiên cứu ‘Công Dương Truyện’!”
Huyện lệnh nghe vậy, hứng thú hỏi anh ta một câu: “Vậy ngươi nói xem, ai giết Trần Đà?”
Giáp sinh nghe xong, đầu óc choáng váng, hoàn toàn không trả lời được. Mặt anh ta biến sắc, mồ hôi lạnh toát ra, bỗng nhiên anh ta nghiêm mặt đáp: “Tiểu nhân thực sự chưa từng giết Trần Đà!”
Huyện lệnh nghe xong ngớ người, rồi phá lên cười, trong lòng đã hiểu rõ, bèn trêu chọc hỏi: “Ngươi không giết, vậy ai giết?”
Giáp sinh lúc này hoàn toàn hoảng loạn, tưởng rằng mình phạm đại án, mặt mày trắng bệch, sợ đến mức giày cũng không kịp xỏ, không dám hé răng, vội vàng ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Ra khỏi nha môn, anh ta cắm đầu chạy thục mạng, một người làng thấy tình hình không ổn, đuổi theo hỏi anh ta: “Cậu làm sao vậy?”
Giáp sinh thở hổn hển nói: “Vừa nãy gặp huyện lệnh lão gia, vừa gặp mặt ông ấy đã hỏi ta có giết người không? Tội chết như vậy, ta làm sao mà gánh nổi? Sau này có chết cũng không dám vào nha môn nữa, chỉ mong có ngày gặp được đại xá, ta mới dám lộ diện!” (Trích từ “Tiếu Lâm” của Hám Đan Thuần thời Đông Hán)
Giải nghĩa:
Thoạt nhìn, phản ứng của Giáp sinh trong câu chuyện cười thời Hán này có vẻ lố bịch, nhưng thực ra nó phản ánh một chân lý. Giáp sinh không có học thức, lại vọng tưởng dựa vào việc lừa gạt để lấy lòng huyện lệnh, mong có được một chức quan, cuối cùng bị đối phương hỏi khó, tự mình dọa mình, kết cục bẽ mặt rời đi. Huyện lệnh chỉ bằng một câu hỏi đã biết Giáp sinh bụng rỗng tuếch, trong tiếng cười chỉ ra rằng học hành phải thực tế mới là đúng đắn, kẻ không đi đường chính đạo, tự mình hại mình là điều tất yếu, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
Câu chuyện “Thái nhân sát Trần Đà” là thế này:
“Công Dương Truyện” là một trong “Xuân Thu Tam Truyện” của kinh điển cổ Trung Quốc, do “Tử Hạ truyền cho Công Dương Cao, Cao truyền cho con là Bình, Bình truyền cho con là Địa, Địa truyền cho con là Cảm, Cảm truyền cho con là Thọ. Đến thời Hán Cảnh Đế, Thọ mới cùng Hồ mẫu Tử Đô người nước Tề ghi chép lại trên thẻ tre.” (Trích từ “Sơ” của Từ Ngạn dẫn “Tự” của Đới Hoành)
Tư tưởng chủ trương của “Công Dương Truyện” chú trọng tư tưởng tôn vương của “Xuân Thu”, từ đó mở rộng ra các quan điểm “Đại nhất thống”, “Bát loạn phản chính”. “Công Dương Truyện” Hoàn Công năm thứ sáu, ghi chép sự việc “Thái nhân sát Trần Đà”, phản ánh quan điểm chính trị của Nho gia nhấn mạnh đạo đức luân lý. Vì sự việc được ghi chép rất ngắn gọn, thực chất dùng bút pháp Xuân Thu để phê phán sự thất đức của vua, huyện lệnh dẫn câu này hỏi Giáp sinh, có lẽ là có ý định luận bàn, trao đổi về chính trị và học thuật.
Sự việc “Thái nhân sát Trần Đà” được ghi chép bằng cổ ngữ, dịch ra như sau:
Người nước Thái giết Trần Đà. Trần Đà là ai? Là vua nước Trần. Nếu là vua, sao lại gọi thẳng tên mà không gọi là “Trần quân”? Vì ông ta đã bị coi như phế bỏ, không còn thừa nhận thân phận quân chủ của ông ta nữa. Vì sao phế bỏ tước vị vua của ông ta? Vì ông ta “hèn hạ”! Ông ta đã làm những chuyện gì hèn hạ không xứng làm vua? Ông ta ở bên ngoài phóng đãng dâm dật, không giữ gìn. Ông ta phóng đãng đến mức nào? Ông ta dâm loạn với người nước Thái, cuối cùng bị người nước Thái giết.
Đoạn ghi chép lịch sử này tuy ngắn gọn, nhưng là một tấm gương lấy đức làm gốc, nó nhấn mạnh quan điểm “làm vua, ắt phải tu thân”, đối với người học, chẳng phải cũng là đạo lý này hay sao! Còn giả danh thư sinh không tu thân, không có học thức, làm sao có thể hiểu được chỗ ảo diệu? Ngược lại “hại thảm” chính mình, thì không chỉ là chuyện cười nữa!
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch