Kính thưa quý vị, kẹo giả, sữa giả, thuốc giả… gần đây liên tiếp bị phanh phui, cho thấy đạo đức kinh doanh bị khinh nhờn, mạng người bị coi rẻ nhường nào. Muốn kiếm tiền chóng vánh, những kẻ vô lương bất từ thủ đoạn. Ác giả ác báo, cuối cùng họ phải tra tay vào còng, trả giá cho tội lỗi của mình trong suốt quãng đời còn lại.
Tuy nhiên, trái ngược với những kẻ làm ăn bất chính, triết lý kinh doanh của người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành hoàn toàn tương phản. Lập nghiệp từ bàn tay trắng, ông từng có lần phá sản vì làm ăn bất tín, học được bài học để đời, cuối cùng trở thành ông trùm bất động sản, ông trùm cảng biển toàn cầu. Đằng sau thành công của ông là hai cao nhân phong thủy nức tiếng. Một là Trần Lãng với ‘làm ăn phải đi đường chính’, hai là Thái Bá Lệ với ‘tiền mà không thiện thì như nước không nguồn’. Những đạo lý của họ sẽ khiến giới doanh nhân của chúng ta phản tỉnh sâu sắc. Câu chuyện hôm nay sẽ nói về Lý Gia Thành, vị tỷ phú đáng kính này.
Lão ông Lý Gia Thành tái xuất, lọt top tìm kiếm
Lý Gia Thành tuy đã đã 96 tuổi, sự linh mẫn và sức hút của ông không hề suy giảm, nhất cử nhất động của ông luôn là phong vũ biểu của các nhà đầu tư. Gần đây, ông lại một lần nữa nhanh chóng leo lên top tìm kiếm, truyền thông Trung Quốc đại lục đồng loạt kêu gào: “Đừng để Lý Gia Thành chạy nữa!”
Người Hồng Kông xôn xao: Gì vậy, đến cả Lý Gia Thành cũng muốn chạy sao? Lẽ nào Hồng Kông thật sự không trụ nổi nữa rồi?!
Thực ra không phải vậy, Lý Gia Thành từng nói, ông sẽ không rời Hồng Kông, tin đồn ông có quốc tịch Canada cũng hoàn toàn không có. Trụ sở chính của tập đoàn Trường Hòa (CK Hutchison Holdings) của ông cũng luôn ở Hồng Kông. Vậy tại sao mọi người lại hô hào “Đừng để ông ấy chạy nữa”?
Hóa ra, trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung có nguy cơ bùng phát, Lý Gia Thành, người đã thoái ẩn nhiều năm, nay đích thân ra mặt đàm phán với tập đoàn BlackRock của Mỹ, chuẩn bị bán 43 cảng biển thuộc sở hữu của mình cho họ! Trong đó có hai cảng nằm trên kênh đào Panama, mà kênh đào Panama lại là một quân cờ trọng yếu trong ván cờ Mỹ – Trung gần đây. Hai cảng này rất then chốt, 6% lượng giao dịch hàng hải toàn cầu phải đi qua đây, trong đó lượng hàng hóa của Trung Quốc chiếm tới 21%.
Truyền thông đại lục phản ứng rất nhanh, đồng loạt công kích Lý Gia Thành, nói rằng ông ấy không phải là bán cảng, mà là bán quốc gia. Tuy nhiên, thị trường lại đưa ra một phản ứng hoàn toàn khác. Ngay khi Lý Gia Thành tuyên bố bán cảng, cổ phiếu của Tập đoàn Trường Hòa lập tức tăng 20%, thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng trở nên vô cùng sôi động.
Một phóng viên Hồng Kông đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến, hỏi mọi người liệu thương vụ này có thành công hay không, kết quả là hơn 99% người dân Hồng Kông bày tỏ sự ủng hộ! Mọi người đều cảm thấy, đây là tài sản tư nhân của Lý Gia Thành, hơn nữa lại là tài sản ở nước ngoài, ông ấy muốn bán cho ai thì bán. Hơn nữa, phía Mỹ đã đưa ra mức giá trên trời là 22,8 tỷ đô la Mỹ, khoản tiền lớn này không chỉ giúp các cổ đông của Trường Hòa thu được lợi nhuận kếch xù, mà còn có thể thúc đẩy kinh tế Hồng Kông, vậy tại sao lại không bán?
Tại sao mọi người lại có niềm tin vào Lý Gia Thành đến vậy? Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự việc của 10 năm trước. Năm 2015, câu nói hot nhất trên mạng là “Đừng để Lý Gia Thành chạy nữa”!
‘Đừng để Lý Gia Thành chạy nữa’
Từ năm 2013, Lý Gia Thành đã lặng lẽ hành động, bán đi bất động sản ở Quảng Châu, Nam Kinh, khi đó thị trường bất động sản vẫn đang trong cơn cuồng nhiệt, không ai chú ý đến động tác nhỏ của ông.
Mãi đến năm 2015, thị trường bất động sản đón nhận khủng hoảng hàng tồn kho, tất cả các ông lớn bất động sản đều ủ rũ, chỉ có Lý Gia Thành là cười tươi như một đại chiến thắng gia. Mọi người mới phát hiện ra, ông đã lặng lẽ bán đi 200 tỷ tài sản, dễ dàng tránh được khủng hoảng. Mọi người không khỏi cảm thán: “Lý thủ phú chạy nhanh thật!”
Lúc này, người Hồng Kông lên tiếng, mọi người giờ mới biết à? Siêu nhân Lý của chúng tôi nổi tiếng là chạy rất nhanh, là “phong vũ biểu” của giới đầu tư Hồng Kông, bao nhiêu năm nay chưa từng tính sai. Lý Gia Thành có biệt danh “Lý siêu nhân”, chính là bởi vì ông luôn có thể rời khỏi thị trường một cách quyết đoán trước khi khủng hoảng ập đến.
Ví dụ, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra, toàn bộ thị trường bất động sản Hồng Kông đều trong trạng thái hoảng loạn, Lý Gia Thành trước đó đã sớm bán đi một mảnh đất siêu giá trị ở Tĩnh An Tự, Thượng Hải, kiếm được 4,8 tỷ, dễ dàng tránh được mùa đông lạnh giá. Năm 2017, ông lại bán Trung tâm Trung Hoàn với giá 40,2 tỷ đô la Hồng Kông, mọi người lúc đó đều cảm thấy kỳ quái, đây là khu đất vàng của Hồng Kông, sao lại nói bán là bán ngay vậy? Cho đến khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ năm 2019 nổ ra, toàn bộ nền kinh tế Hồng Kông rơi vào suy thoái, giá trị của Trung Hoàn giảm tới 15 tỷ, mọi người mới bừng tỉnh ngộ, hóa ra Lý thủ phú lại chạy đúng rồi!
Vào đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, ông nhanh chóng từ bỏ kế hoạch mua lại tòa nhà văn phòng ở London, thương vụ này ban đầu trị giá tới 17 tỷ đô la Hồng Kông. Kết quả là, sau khi dịch bệnh bùng phát, giá bất động sản thương mại ở Anh giảm mạnh, gần như giảm một nửa, đến tận bây giờ vẫn chưa phục hồi. Lý Gia Thành lại tránh được một kiếp.
Vậy rốt cuộc tại sao Lý Gia Thành luôn có thể đoán chuẩn như vậy, tại sao ông luôn có thể rời khỏi thị trường trước khi khủng hoảng ập đến? Bí quyết thành công của ông rốt cuộc là gì? Chúng ta hãy cùng nói chi tiết.
Làm ăn phải đi chính đạo
Có người nói, Lý Gia Thành có thể thành công như vậy, là vì sau lưng ông luôn có hai chuyên gia phong thủy hàng đầu âm thầm bảo vệ. Một người là Trần Lãng, được gọi là Trần Bá, người còn lại là Thái Bá Lệ.
Khi Trần Bá và Lý Gia Thành quen nhau, Lý Gia Thành vẫn chỉ là một doanh nhân nhỏ, đang ở thời kỳ khó khăn của thất bại trong kinh doanh, tâm trạng đặc biệt u uất. Vừa gặp ông, Trần Bá đã nói, sau này ông sẽ trở thành tỷ phú Hồng Kông! Từ đó trở đi, hai người trở thành bạn thân.
Sau đó, Lý Gia Thành tiến vào giới bất động sản, mua nhà đất, Trần Bá cũng luôn ở phía sau chỉ điểm. Trong đó nổi tiếng nhất là trận “đại chiến phong thủy Trung Hoàn” trong truyền thuyết. Khi đó, tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc dựng lên đao thép ba lưỡi, ngân hàng HSBC dựng lên hai khẩu pháo lớn, tòa nhà tập đoàn Trường Giang của Lý Gia Thành kẹp ở giữa, gần như trở thành góc chết về phong thủy. Nhưng dưới sự chỉ điểm của Trần Bá, Lý Gia Thành đã khéo léo sử dụng thiết kế nhỏ là kính chống đạn, thành công hóa giải thế cục phong thủy cường đại này.
Đáng tiếc là Trần Bá đã sớm qua đời vào năm 2002.
Trước khi qua đời, Trần Bá để lại di ngôn rằng, “Làm ăn phải đi chính lộ, tuyệt đối đừng nghĩ đến việc đi đường tà, nếu không phúc sẽ tổn hại rất nhanh, trong mệnh vốn có phúc ngàn tỷ, đi đường tà, giảm thành mấy chục tỷ, bản thân còn tưởng là thành công, không ngờ tương lai còn phải chịu ác quả, thật sự là cái được chẳng bõ cái mất.”
Những lời này có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Gia Thành, sau này trong nhiều bài phát biểu, ông đều đề cập đến việc làm ăn phải “đi đường chính”.
Sau khi Trần Bá qua đời, Thái Bá Lệ, một chuyên gia phong thủy khác của Lý Gia Thành, đã trở thành người mà ông tin tưởng nhất.
Đại sư phong thủy Thái Bá Lệ
Thái Bá Lệ không hề đơn giản, người được mệnh danh là chuyên gia phong thủy số một Hồng Kông. Ông sinh năm 1922 tại Thuận Đức, Quảng Đông, xuất thân từ một thế gia phong thủy. Ông nội Thái Tối Bạch không chỉ tinh thông thiên văn lịch pháp, mà còn từng giữ chức khâm thiên giám trong triều đình nhà Thanh. Các thế hệ trong nhà họ Thái đều nghiên cứu thiên văn lịch pháp. Cuốn lịch vạn niên truyền thống mà ở Hồng Kông nhà nhà đều có, đều là do gia đình họ biên soạn, trong đó viết rất rõ ràng: ngày nào thích hợp kết hôn, ngày nào thích hợp ra ngoài, ngày nào thích hợp chuyển nhà, mọi thứ đều tính rất chính xác. Thái Bá Lệ, với tư cách là người đứng đầu gia tộc, còn được chính phủ Hồng Kông khen thưởng vì đã biên soạn cuốn lịch này.
Tuy nhiên, đóng góp của Thái Bá Lệ cho Hồng Kông không chỉ có vậy. Ông còn đưa ra lời khuyên về phong thủy cho nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Hồng Kông. Nổi tiếng nhất phải kể đến việc ông đưa ra hướng dẫn về phong thủy cho tượng Thiên Đàn Đại Phật trên núi Đại Dữ Sơn.
Thiên Đàn Đại Phật nằm trên đỉnh Mộc Ngư, Đại Dữ Sơn, Hồng Kông, có độ cao khoảng 520 mét so với mực nước biển, là tượng Phật tọa bằng đồng ngoài trời cao nhất thế giới, khí thế hùng vĩ, phải mất đến 12 năm mới xây dựng xong.
Khi đó, các vị đại hòa thượng của chùa Bảo Liên dưới chân Đại Dữ Sơn nhìn thấy tượng Đại Phật ở Nhật Bản và Đài Loan, lòng sinh ngưỡng mộ, vì vậy quyết định xây dựng một bức tượng ở Hồng Kông, vừa có thể bảo vệ Hồng Kông, vừa có thể tích đức cho dân chúng.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh: bức tượng Đại Phật này nên đặt ở đâu? Khuôn mặt tượng nên hướng về đâu mới phù hợp nhất? Điều này liên quan đến nhiều yếu tố các phương diện như truyền thống Phật giáo, thiên văn địa lý và phong thủy. Mọi người nghĩ mãi không ra, cuối cùng phải tìm đến Thái Bá Lệ.
Thái Bá Lệ đã không phụ lòng mong đợi, an trí bức tượng Đại Phật này rất tốt.
Có một chuyên gia phong thủy đã phân tích rằng, Đại Dữ Sơn là một trong những “long mạch” của Hồng Kông, địa thế núi non nhấp nhô liên miên, uẩn hàm năng lượng cường đại. Việc lựa chọn vị trí cho Thiên Đàn Đại Phật ở đây vừa hay có thể mượn thế long mạch, trấn thủ vận khí của Hồng Kông. Hơn nữa, tượng Đại Phật lưng tựa ngọn núi cao nhất của Đại Dữ Sơn là núi Phượng Hoàng, mặt hướng ra biển rộng lớn, đây chính là bố cục lý tưởng “bối sơn diện thủy”, tức là tựa núi nhìn nước trong phong thủy, cực kỳ có lợi cho việc ổn định vận khí của Hồng Kông, mang lại sự an lành. Thêm vào đó, tượng Đại Phật ở trên cao, xung quanh thoáng đãng, dòng khí lưu thông, cũng giúp tụ tập linh khí của đất trời.
Hướng tượng Đại Phật tọa Bắc triều Nam cũng đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Điều này không chỉ thuận ứng theo hướng đi của long mạch Đại Dữ Sơn, mà còn đối diện với đảo chính Hồng Kông và Biển Nam Hải, có thể trấn thủ vận khí của Hồng Kông tốt hơn, mang lại sự ổn định phồn vinh cho Hồng Kông.
Hơn nữa, tượng Đại Phật được đúc bằng đồng, đồng thuộc kim, Bắc thuộc thủy, thủy sinh kim, điều này có thể tăng cường linh khí cho tượng Phật; còn Nam thuộc hỏa, hỏa luyện kim, mang ý nghĩa tịnh hóa và thăng hoa. Thêm vào đó, theo văn hóa truyền thống của Trung Quốc, tọa Bắc triều Nam là hướng của cung điện đế vương, tượng trưng cho uy quyền tối cao vô thượng. Thiết kế như vậy, nên dù xét về phương diện nào, phong thủy của Thiên Đàn Đại Phật đều không thể chê vào đâu được.
Tuy nhiên, Thái Bá Lệ là một người khá kín tiếng, ông tuyệt đối không nói về những án phong thủy mà mình đã chỉ điểm, nghiêm thủ nguyên tắc “thiên cơ bất khả tiết lộ”. Nghe nói, có một phú hào đã đưa ra một khoản thù lao trên trời, muốn mời ông công khai chi tiết hợp tác, kết quả là ông từ chối ngay, còn lạnh nhạt nói: “Cái thứ phong thủy này, lặng lẽ làm mới linh, nói nhiều sẽ không hiệu quả nữa.”
Nhưng giang hồ sao có thể không lưu truyền thuyết? Những câu chuyện truyền kỳ về Thái Bá Lệ lưu truyền không ít, nổi tiếng nhất, đương nhiên là chuyện ông giúp Lý Gia Thành tu sửa mộ cho người vợ đã mất Trang Nguyệt Minh.
Câu chuyện tình yêu của người giàu nhất Hồng Kông
Nhắc đến Lý Gia Thành và Trang Nguyệt Minh, đây không chỉ là truyền kỳ trong giới kinh doanh, mà còn là một câu chuyện tình yêu bi tráng.
Hai người là anh em họ. Trang Nguyệt Minh nhỏ hơn Lý Gia Thành 5 tuổi, cha bà là cậu của Lý Gia Thành, Trang Tĩnh Am, một nhà tư bản giàu có trong ngành đồng hồ. Năm 1940, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, gia đình Lý Gia Thành trốn đến Hồng Kông, nương nhờ người cậu này. Khi đó, gia đình họ Lý sa sút, gia đình họ Trang thì đã lọt vào hàng ngũ phú hào.
Điều tồi tệ hơn là, ba năm sau, cha của Lý Gia Thành bệnh nặng qua đời, trước khi lâm chung chỉ để lại cho ông một câu nói: “Cầu người không bằng cầu mình, làm người phải có cốt khí; thất ý đừng nản lòng, đắc ý chớ vong hình.”
Lý Gia Thành khi đó 15 tuổi đã ghi nhớ câu này, từ chối sự viện trợ kinh tế của người cậu, từ bỏ việc học hành, một mình gánh vác cả gia đình. Ông bắt đầu từ một người học việc nhỏ, đầu tắt mặt tối bắt đầu con đường sáng lập sự nghiệp của mình. Và trong những năm tháng gian khổ nhất này, Trang Nguyệt Minh luôn ở phía sau âm thầm ủng hộ ông.
Hai người lớn lên cùng nhau từ nhỏ, tình cảm lặng lẽ nảy sinh, nhưng trớ trêu thay, gia thế chênh lệch, mối tình này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhà Trang. Trang Nguyệt Minh vừa tốt nghiệp trung học đã bị đưa sang Nhật Bản du học, còn Lý Gia Thành ở lại Hồng Kông vất vả gây dựng sự nghiệp. Tuy cách xa nhau, nhưng lòng hai người vẫn thủy chung như một, cuộc marathon ái tình chạy ròng rã hơn mười năm.
Đến năm 1963, Trang Nguyệt Minh 30 tuổi, cuối cùng cũng kết hôn với Lý Gia Thành 35 tuổi, cặp tình nhân cuối cùng cũng thành phu phụ, cuộc hôn nhân này không chỉ là một chiến thắng tình yêu, mà còn chứng kiến quá trình Lý Gia Thành phấn đấu từ chân đất trở thành phú hào.
Sau khi kết hôn, tình cảm hai người sâu đậm, Trang Nguyệt Minh không chỉ là một người vợ hiền dịu đảm đang, mà còn là đối tác tốt nhất trong sự nghiệp của Lý Gia Thành. Bà được giáo dục tốt, nói tiếng Anh và tiếng Nhật lưu loát, tầm nhìn rộng mở, vừa hay bù đắp sự thiếu hụt về học vấn của Lý Gia Thành. Có thể nói, họ là người bạn đời tốt nhất của nhau.
Đáng tiếc, thế sự vô thường. Ngày 1 tháng 1 năm 1990, Trang Nguyệt Minh 56 tuổi đột ngột qua đời vì bệnh tim. Biến cố đột ngột này khiến Lý Gia Thành bi thống vạn phần, từ đó không lấy vợ nữa, dốc toàn tâm lực vào sự nghiệp từ thiện. Ông thành lập Quỹ Lý Gia Thành, quyên góp hàng chục tỷ đô la Hồng Kông, đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế. Ông thường nói, quỹ này là “đứa con thứ ba yêu thích nhất” của ông, cũng là sự tiếp nối lòng tốt và tình yêu của Trang Nguyệt Minh.
Mỗi khi nhắc đến người vợ đã mất, ông vẫn thường rơi lệ, đủ thấy mối tình thanh mai trúc mã trong lòng ông chiếm vị trí cao đến nhường nào.
Và thứ mà Thái Bá Lệ và Lý Gia Thành tâm huyết nhất, chính là cái tâm từ thiện này. Hai nhân vật truyền kỳ, một cao nhân phong thủy, một cự phách kinh doanh, cuối cùng đều chọn dùng cách riêng của mình để hồi báo cho thế giới này.
Hai triệu đô “phí tư vấn phong thủy”, đằng sau là gì?
Năm 2006, mộ của Trang Nguyệt Minh bị trộm!
Lý Gia Thành vừa tức giận, vừa vô cùng lo lắng, lập tức mời Thái Bá Lệ đến, hy vọng có thể bố trí lại phong thủy mộ địa, bảo vệ vận khí gia tộc không bị ảnh hưởng.
Thái Bá Lệ đến mộ địa, cẩn thận xem xét một lượt, cuối cùng định một phương vị “tàng phong tụ khí”, điều chỉnh hoàn cảnh xung quanh mộ, đảm bảo không còn bị người ta phá hoại nữa. Phong thủy vừa thay đổi, hiệu quả thấy ngay. Mộ của Trang Nguyệt Minh không còn bị trộm nữa.
Sau lần điều chỉnh này, Lý Gia Thành để tỏ lòng cảm tạ, đã hào phóng trực tiếp biếu Thái Bá Lệ 2 triệu đô tiền thù lao! Số tiền này vừa được đưa ra, lập tức tạo phong ba, dân gian bắt đầu suy đoán điên cuồng. Có người nói, cái chết của Trang Nguyệt Minh hẳn có điều kỳ lạ, còn nói Lý Gia Thành kỳ thực trong tâm áy náy, nên mới cho nhiều tiền như vậy.
Tin đồn giật gân nhất là thế này: Thái Bá Lệ đến mộ địa, nhìn thấy hiện trường hỗn độn do bọn trộm mộ để lại, lắc đầu thở dài, nói với Lý Gia Thành một câu: “Vợ đã mất của ông chết rất thảm, giờ lại bị người ta phá hoại, thảm càng thêm thảm.” Nghe nói, câu nói này trực tiếp chạm đến đáy lòng của Lý Gia Thành, khiến ông lập tức biến sắc, sau đó vung bút viết ra khoản thù lao kếch xù này.
Tuy nhiên, sự thật thực ra không kịch tính đến vậy.
Kiến thức phong thủy của Thái Bá Lệ là hàng thật giá thật, phí dịch vụ vốn dĩ đã không hề rẻ, khoản thù lao 2 triệu này, không phải vì cái gì là “câu nói chạm đến đáy lòng”, mà là có nguyên nhân khác.
Có một lần, một phú hào sau khi thỉnh giáo Thái Bá Lệ, không nhịn được hỏi ông: “Ông kiếm tiền giỏi như vậy, rốt cuộc cần nhiều tiền như vậy để làm gì?” Thái Bá Lệ chỉ cười, đáp lại một câu: “Tài sản nếu không thể giúp đỡ người khác, thì giống như nước không có nguồn, cuối cùng cũng không giữ được.”
Trên thực tế, Thái Bá Lệ từ trước đến nay đều nhiệt tâm với công ích. Ngay trong năm 2006, ông vừa thành lập một quỹ từ thiện, tên là “Thuận Long Nhân Trạch”, chủ yếu giúp đỡ học sinh nghèo hoàn thành việc học, còn tài trợ cho nông thôn làm cơ sở hạ tầng. Sau khi Lý Gia Thành biết được, vô cùng ủng hộ lý tưởng của ông, nên đã hào phóng biếu 2 triệu đô “phí tư vấn phong thủy” làm vốn khởi động cho quỹ. Sau này, quỹ này thực sự đã giúp đỡ được không ít người.
Thực ra, những bậc cao nhân như Thái Bá Lệ và Trần Bá đều minh bạch một đạo lý: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy.” Phong thủy có thể điều chỉnh vận thế, nhưng thứ thực sự có thể cải biến vận mệnh, chính là hành thiện tích đức.
Thái Bá Lệ chú trọng “tích đức hành thiện”, Trần Bá nhấn mạnh “đi đường chính”. Quan điểm của hai vị đại sư tuy bất đồng, nhưng đều có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Gia Thành. Có lẽ, đó mới là “trí huệ phong thủy” chân chính của họ, cũng là bí quyết thành công của Lý Gia Thành.
Trên thực tế, Lý Gia Thành tuy không học hành nhiều, nhưng đối với những mỹ đức trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, ông lại vô cùng coi trọng.
Năm 2004, một nhóm phú hào mới nổi, các ông lớn hành nghiệp từ đại lục đặc biệt đến Hồng Kông triêu thánh, muốn trực tiếp đến gặp “siêu nhân” Lý Gia Thành học hỏi kinh nghiệm. Họ vừa đến tòa nhà Tập đoàn Trường Giang, đã thấy Lý Gia Thành đích thân đứng ở cửa thang máy đón tiếp, cảnh tượng này, khiến các ông lớn kia kinh ngạc vì được sủng ái, cảm động vô cùng.
Trong bài diễn thuyết sau đó, Lý Gia Thành cũng không hề giấu giếm, thẳng thắn nói rằng bản thân có được thành tựu ngày hôm nay, đều nhờ vào những phẩm chất “công bằng, chính trực, chân thành, lòng trắc ẩn”, cộng thêm sự nỗ lực và ân huệ trời ban. Ông đặc biệt nhấn mạnh một điểm: “Tuân theo chính đồ”, nói một cách đơn giản, là đi chính đạo, dựa vào thực lực, không đầu cơ trục lợi.
Bài diễn thuyết này sau đó được gọi là “Nghệ thuật phụng hiến”, cũng là một trong những bài diễn thuyết nổi tiếng nhất của Lý Gia Thành.
Tư tưởng “đi chính đạo” này, cũng đã khắc sâu vào văn hóa công ty của Lý Gia Thành.
Tập đoàn Trường Giang của ông, được đặt tên theo dòng Trường Giang cuồn cuộn không ngừng chảy, mang ý nghĩa “không từ chối dòng chảy nhỏ, khéo léo hội tụ trăm sông”. Trong văn phòng của ông, còn treo một bức đối liễn của danh thần Tả Tông Đường cuối đời nhà Thanh, viết rằng:
“Phát thượng đẳng nguyện, kết trung đẳng duyên, hưởng hạ đẳng phúc;
Trạch cao xử lập, tầm bình xử trụ, hướng khoát xử hành.”
Dịch ra đại khái là: Chí hướng phải cao xa, duyên phận không cưỡng cầu, cuộc sống có thể bình đạm; Tầm nhìn phải rộng lớn, trung dung tường hòa, làm người phải có tâm bao dung.
Lý Gia Thành không chỉ tín phụng đạo lý này, mà còn thực hành bằng cả trái tim.
Cuộc sống bình dân của phú ông đệ nhất
Có một câu chuyện truyền cảm hứng nổi tiếng, tên là “Đồng hồ của Lý Gia Thành”.
Năm 2016, một nữ phóng viên của Bloomberg phỏng vấn Lý Gia Thành. Trên tay phóng viên này đeo một chiếc đồng hồ hàng hiệu trị giá mấy trăm nghìn tệ, lấp lánh sáng chói. Tuy nhiên, khi cô ấy chú ý đến cổ tay của Lý Gia Thành, lại có chút kinh ngạc. Thứ mà Lý Gia Thành đang đeo hóa ra chỉ là một chiếc đồng hồ Citizen bình dân!
Lý Gia Thành cười nói, chiếc đồng hồ này là mua ba năm trước, ông rất hài lòng, sau đó bắt đầu hết lời khen ngợi: “Đồng hồ này không chỉ thiết thực hơn đồng hồ hàng hiệu mấy trăm nghìn, mà còn bền chắc, không cần thay pin, thậm chí có thể đeo đi bơi, đeo mười mấy năm cũng không thành vấn đề.”
Cư dân mạng tra xét, phát hiện ra chiếc đồng hồ này chỉ có giá 3.000 đô la Hồng Kông, ai cũng có thể mua được. Điều đáng ngạc nhiên hơn là, phóng viên Hồng Kông lần theo dấu vết, phát hiện Lý Gia Thành thực sự đã đeo chiếc “đồng hồ bình dân” này mười mấy năm rồi, mãi đến năm 2024 mới đổi sang Apple Watch.
Sự tiết kiệm của ông, còn thể hiện ở thói quen ăn uống.
Bình thường, đồ ăn của ông rất thanh đạm, thường ăn nhất là rau xanh, cơm trắng, cá hấp, hầu như không ăn thịt. Gia đình họ Lý còn có một truyền thống, dù bận đến đâu, mỗi thứ hai, cả gia đình nhất định phải tụ tập ăn cơm cùng nhau.
Có báo chí chụp được cảnh gia đình họ Lý ăn cơm, khiến người ta kinh ngạc là, đồ ăn trên bàn đơn giản, người nhà khi ăn cơm cũng hầu như không nói chuyện!
Điều này khiến người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Khổng Tử hai nghìn năm trước: “Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn.” (Ăn không nói, ngủ không trò chuyện). Ý là khi ăn cơm phải tập trung ăn cơm, không nên trò chuyện, trước khi ngủ cũng không nên cao đàm khoát luận.
Có phóng viên cảm thán: “Thì ra gia đình họ Lý vẫn giữ gia giáo thời Dân Quốc.”
Gia phong nghiêm cẩn như vậy của họ Lý cũng đã tạo nên những người con của Lý Gia Thành.
Ví dụ như vụ “bán cảng biển” lần này. Mặc dù Lý Gia Thành đã nghỉ hưu từ bảy năm trước, hiện tại người nắm quyền điều hành Tập đoàn Trường Giang Hòa Ký là con trai cả Lý Trạch Cự. Nhưng khi sự việc này ồn ào đến vậy, không một ai trong gia đình họ Lý đứng ra phản đối quyết định của cha mình, tập thể giữ im lặng. Có người nói, kỷ luật gia tộc kiểu này, chỉ có nhà Trump mới làm được.
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Lý Gia Thành làm những việc “khác thường”.
Dưa trên giá Hoàng Đài
Năm 2019, trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, tất cả các phú hào hàng đầu đều bị chính phủ tìm đến mở hội nghị bí mật, yêu cầu đăng báo lên án học sinh, tố cáo họ là “bạo đồ”.
Các phú hào khác đều ngoan ngoãn phối hợp, chỉ có Lý Gia Thành, đăng hai thông cáo.
Trong đó, thông cáo thứ hai chỉ có tám chữ: “Hoàng Đài chi qua, hà kham tái trích” (nghĩa là dưa trên giá Hoàng Đài, sao nỡ hái thêm lần nữa).
Câu nói này xuất phát từ bài thơ tuyệt mệnh của Lý Hiền, con trai thứ hai của Võ Tắc Thiên, ý thơ là: “Dưa trồng dưới đài Hoàng, từng quả từng quả bị hái đi, cuối cùng cả giàn cũng bị nhổ bật gốc.” Câu cuối cùng của bài thơ, vô cùng thê lương, gọi là “hái hết quả còn ôm cả giàn về”.
Đây là có ý gì? Rất rõ ràng, Lý Gia Thành đang ám chỉ, đừng dồn ép thanh niên đến đường cùng.
Điều lợi hại hơn là, trong thông cáo còn lại của ông, còn giấu một “mật mã”.
Trên đầu thông cáo này viết: “Tối hảo đích nhân, khả thành tối hoại đích quả” (Nhân tốt nhất, có thể thành quả xấu nhất.)
Ở chính giữa, có mấy khẩu hiệu:
Bên trái là: “Ái tự do, ái bao dung, ái pháp trị”
Bên phải là: “Ái Trung Quốc, ái Hồng Kông, ái tự kỷ”
Dưới cùng là: “Dĩ ái chi nghĩa, chỉ tức nộ phẫn” (lấy nhân nghĩa dập tắt giận dữ);
“Nhất cá Hương Cảng thị dân Lý Gia Thành” (một công dân HK Lý Gia Thành)
Trông thì có vẻ rất khẩu hiệu khuôn mẫu, nhưng nếu ghép những chữ cuối cùng của những câu này lại, thì sẽ là: “Nhân quả do quốc, dung cảng trị kỷ, nghĩa phẫn dân thành”. Ý nói sự can thiệp của ĐCSTQ chỉ tạo ra ác quả, hãy để cho người Hồng Kông tự quản, sự phẫn nộ chính nghĩa và thành ý của người dân phải được lắng nghe và tôn trọng.
Tiến thêm một bước, xâu hai chữ cuối cùng lại, thì sẽ là “Tự do Trung Quốc, bao dung Hồng Kông, pháp trị tự kỷ”.
Có người kinh ngạc: “Rốt cuộc là ai giúp Lý Gia Thành viết thông cáo này? Đây quả thực là thần bút!”
Lý Gia Thành vẫn luôn nhấn mạnh “đi chính đạo”, nhưng lần này, dưới áp lực chính trị, con đường “chính đạo” của ông, thực sự không dễ đi.
Sau năm 2019, Hồng Kông đã thay đổi.
Lê Trí Anh, người sáng lập tờ “Apple Daily” thân hãm lao ngục, vẫn kiên trì lý tưởng; Viên Cung Di, một đại gia doanh nghiệp tán tận gia tài, cũng muốn kêu gọi người Trung Quốc thoát khỏi sự thống trị của ĐCSTQ. Còn Lý Gia Thành thì sao?
Ông từng nói, làm người phải đi đường chính, dù đường rất hẹp, nhưng vẫn có đường để đi.
Thân là người cầm lái của khối tài sản nghìn tỷ, ông không chỉ phải chăm sóc bản thân, mà còn phải lo cho hàng nghìn hàng vạn nhân viên và cổ đông, mỗi bước đi, đều vô cùng gian nan.
Vụ “bán cảng biển” lần này, thế giới Hoa ngữ tranh luận kịch liệt. Người ủng hộ ông nói, Lý Gia Thành một mình đấu với ĐCSTQ, dũng khí thật đáng khen! Người phản đối ông nói, Lý Gia Thành bán nước cầu vinh, quỳ gối trước cường quyền! Bạn thì nghĩ sao?
Vở kịch lớn này vẫn chưa hạ màn, tương lai ra sao, không ai biết. Nhưng giờ phút này, chúng tôi chân thành chúc vị lão nhân gần trăm tuổi này, có thể bước vững, bước ổn, bước xa hơn trên con đường chính đạo, vì bản thân, vì gia đình, cũng vì một tương lai tươi đẹp cho Hồng Kông.
Chúng tôi cũng chân thành chúc những doanh nhân của Việt Nam vững vàng bước đi trên con đường chính đạo, nỗ lực hành thiện tích đức, làm nên tên tuổi của mình trong lòng người dân, thay vì làm ăn bất chính và để lại tiếng xấu muôn đời.
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch