Tể tướng thời Bắc Tống Phạm Trọng Yêm trong tác phẩm nổi tiếng Nhạc Dương Lâu Ký đã viết rằng: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” (Tạm dịch: Không vì vật mà vui, không vì bản thân mà buồn). Ý nghĩa của câu này là không vì sự thay đổi của vật chất hay sự thăng trầm của bản thân mà cảm thấy vui mừng hay buồn bã, tức là dù đối mặt với thất bại hay thành công, vẫn cần giữ một tâm hồn bình thản và vững vàng.
Không lo lắng về sự được mất, đối diện với thăng trầm trong cuộc sống bằng tâm thái bình thường, đó là một cảnh giới không dễ dàng đạt được và là mục tiêu của các bậc tu hành thời xưa. “Không vì vật mà vui, không vì bản thân mà buồn” chính là một trạng thái như vậy.
Tư tưởng cao thượng

Lầu Nhạc Dương ở kề bờ hồ Động Đình, nguyên là một nơi thắng cảnh ở quận Ba Lăng. Ba Lăng tức là Nhạc Lâu phủ ngày nay, tiếp giáp hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc. Triều vua Nhân Tông, Đằng Tông Lượng 滕宗諒 tự Tử Kinh 子京, đồng bảng tiến sĩ và là bạn tâm giao của Phạm Trọng Yêm, nguyên làm chức Tư giản trong triều, vì đám tiểu nhân ghen ghét gièm chê nên bị tội, phải giáng chức trích ra làm quan Thái thú quận Ba Lăng. Trong thời gian này, Tử Kinh trùng tu lầu Nhạc Dương, Phạm Trọng Yêm làm ký, Tô Đông Pha viết bài ký trong lòng bia, Triệu Sơ viết chữ triện trên trán bia, đương thời khen là tứ tuyệt (Theo Thi Viện).
Phạm Trọng Yêm biết rằng Đằng Tử Kinh vẫn còn buồn bã vì bị giáng chức, nên đã viết bài này để bày tỏ tâm sự và khuyên nhủ người bạn của mình, rằng phải lo nghĩ cho quốc gia, quên đi những chuyện cá nhân được mất.
Toàn văn Nhạc Dương Lâu Ký
Mùa xuân, năm thứ tư niên hiệu Khánh Lịch, ông Đằng Tử Kinh phải trích ra làm thái thú quận Ba Lăng. Đến năm sau, chính sự thông đạt, lòng người vui vẻ, phàm việc gì từ trước phế thì đều sửa lại cả. Bèn sửa sang lại lầu Nhạc Dương, khắc những thơ phú của các nhà hiền sĩ từ đời Đường đến đời nay ở trên lầu, cậy ta làm bài ký.

Ta ngắm xem: Cảnh đẹp nhất của Ba Lăng là hồ Động Đình, ngậm bóng núi, nuốt nước sông, mông mênh man mác, không biết đâu là bờ; ánh sáng buổi sớm, bóng râm ban chiều, khí tượng muôn nghìn thay đổi, đấy thật là cái đại quan của lầu Nhạc Dương, mà người xưa đã trước thuật nhiều rồi. Song Động Đình mặt bắc thông đến núi Vu Giáp, mặt nam thông đến suối Tiêu Tương, là những chỗ hay tụ hội của những người trích giáng, và những bọn tao ngâm; không biết đối với phong cảnh chốn này, nỗi cảm xúc của những bậc người ấy có khác nhau hay không?
Khi mưa dầm gió bấc, trăng sao mù mịt, sông núi lờ mờ, thuyền buôn đóng bến, lái gãy mui lật, chiều hôm tối đen, hổ gào vượn hét, ai lên lầu này, xa nước nhớ làng, lo sợ sàm báng, mà lại trông thấy cảnh tiêu điều ở trước mắt, tất phải cảm mà thương khóc vậy.
Khi mùa xuân êm ái, sóng gió im lặng, chân trời mặt nước xanh biếc một màu, đàn sa âu lặn lội tự do, cỏ quanh bờ xanh tươi mơn mởn. Hay là khi một trời khói trắng, muôn dặm trăng trong, sáng nổi lớp vàng, bóng chìm hạt ngọc, tiếng hát của bọn thuyền chài xướng hoạ theo chiều gió, ai lên lầu này, tâm khoáng thần di, quên cả vinh nhục, uống rượu hóng gió mát, vui biết là chừng nào!
Than ôi! Đến như ta, sao ta muốn tìm xem lòng của các bậc nhân nhân đời xưa, lại thấy khác hẳn với sự buồn và sự vui vừa nói ở trên này: không vì cảnh vật mà mừng, cũng không vì thân thế của mình mà buồn, ở chỗ cao như trên lăng miếu thì lo dân, ở chỗ xa như ngoài giang hồ thì lo vua, thế là tiến cũng phải lo mà thoái cũng phải lo vậy. Song thế thì lúc nào được vui? Tất phải trả lời rằng: “Khi lo là lo trước cái lo của thiên hạ, khi vui là vui sau cái vui của thiên hạ.” Than ôi! Nếu không phải được người như thế, thì ta cùng với ai?
Ngày 15 tháng 9 năm thứ sáu niên hiệu Kính Lịch.
(Bản dịch của Bùi Kỷ)
Tại sao Nhạc Dương Lâu Ký nổi tiếng?

Nhạc Dương Lâu Ký nổi tiếng chủ yếu vì tư tưởng trong tác phẩm này rất cao thượng, đặc biệt là câu nói “Không vì vật mà vui, không vì bản thân mà buồn” (Bùi Kỷ dịch là: “không vì cảnh vật mà mừng, cũng không vì thân thế của mình mà buồn”), nhắc nhở chúng ta không nên vui mừng vì những thành công về vật chất hay quyền lực nhất thời, cũng không nên buồn bã vì những thất bại hay nghịch cảnh tạm thời. Điều này được mọi người ca ngợi vì từ xưa đã có câu dạy: “Cuộc đời vô thường, phúc họa tương thuộc”. Chỉ khi nào chúng ta đối diện với sự thay đổi trong cuộc sống bằng một tâm thái bình thường, không bị lay chuyển bởi vinh hoa hay thất bại, mới có thể duy trì một thái độ sống đúng đắn.
Phạm Trọng Yêm, người xem thiên hạ là trọng trách của bản thân mình
Phạm Trọng Yêm mồ côi cha từ khi mới hai tuổi, mẹ lại nghèo khổ không nơi nương tựa, phải tái giá với Chu Văn Hàn, vì vậy ông đã đổi họ thành Chu, tên là Thuyết. Khi còn trẻ, Phạm Trọng Yêm phải sống nhờ trong một ngôi chùa để học, thường xuyên không có đủ ăn, nhưng ông vẫn kiên trì học hành suốt ngày đêm, năm năm liền không bao giờ cởi quần áo khi ngủ. Sau khi đỗ tiến sĩ và được bổ nhiệm làm quan, ông đã đưa mẹ về phụng dưỡng và khôi phục họ Phạm.
Phạm Trọng Yêm, người cả đời lấy quốc gia làm trọng, yêu nước thương dân, liêm khiết công chính. Trong hơn 30 năm làm quan, dù là quan địa phương hay quan triều đình, ông luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân, đem lại lợi ích cho dân chúng. Dù bị vu oan và bị giáng chức nhiều lần, ông vẫn không có một lời oán trách, luôn kiên trì vì nước tận trung, vì dân tận sức.
Năm thứ hai niên hiệu Kính Lịch, vì có công giúp triều đình bảo vệ biên cương, hoàng đế Nhân Tông đã đặc biệt thăng chức Phạm Trọng Yên từ chức Thái thú Khánh Châu lên làm Quan sát sứ Bân Châu. Đây là một chức vụ quan trọng, bao gồm quyền lực chính trị, quân sự, tài chính, và lương bổng gấp bốn lần chức vụ trước. Tuy nhiên, Phạm Trọng Yêm đã từ chối chức vụ này, ba lần dâng sớ xin nhà vua miễn nhiệm. Lý do là: những người lính bảo vệ biên cương vì đất nước mà hy sinh, bản thân mình chưa có công lao gì, sao có thể nhận thưởng chức tước và tiền bạc như vậy? Nếu làm vậy, sẽ khiến cho “tướng sĩ bất mãn”, “quân đội sẽ bất ổn”, như thế không thể nâng cao uy nghiêm quân đội và củng cố biên giới. Phạm Trọng Yêm đã chia toàn bộ phần thưởng tiền bạc cho binh sĩ nơi biên cương, tấm lòng rộng lớn của ông thật sự đáng ngưỡng mộ.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch