Là một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lớn về lãng phí phụ phẩm nông nghiệp.
Việt Nam lãng phí tới 8,8 triệu tấn thực phẩm hằng năm, gây thiệt hại 3,9 tỉ đô la Mỹ, tương đương 2% GDP, theo báo cáo của CEL Consulting. Trong đó, trái cây và rau củ chiếm tới 7,3 triệu tấn, chủ yếu do bảo quản kém, xử lý sau thu hoạch không đúng cách và chưa tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp.
Từ vỏ trái cây đến rau củ bị bỏ đi, hầu hết các phụ phẩm này thường bị coi là rác thải. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trương Thục Tuyền, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam, lại nhìn nhận chúng dưới một góc độ khác.
“Phụ phẩm nông nghiệp không phải là rác thải, chúng là nguồn tài nguyên chưa được khai thác”, Tiến sĩ Tuyền chia sẻ. Chẳng hạn, vỏ bưởi và các loại vỏ cam quýt, giàu hợp chất sinh học, tinh dầu, chất xơ và các dưỡng chất quý giá, từ lâu đã được công nhận với nhiều ứng dụng công nghiệp đa dạng.
Nhờ các nghiên cứu sáng tạo, những phụ phẩm này hiện đang được chuyển hóa thành các giải pháp như bột hấp thụ dầu được chiết xuất từ vỏ bưởi, thay thế chất béo rắn. Cách tiếp cận tiên phong này không chỉ gia tăng giá trị cho phế phụ phẩm nông nghiệp mà còn mở đường cho sản xuất thực phẩm lành mạnh và bền vững hơn, thể hiện rõ tiềm năng của mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Với việc tận dụng những đổi mới này, các sáng kiến của Tiến sĩ Tuyền và đồng nghiệp đang định hình một hướng đi mới cho ngành thực phẩm Việt Nam, tập trung vào tính bền vững và hiệu quả.
Vỏ bưởi, thường bị bỏ đi như rác thải, nay có thể được chuyển hóa thành aerogel – vật liệu siêu nhẹ có khả năng thấm hút dầu và thay thế chất béo trong các sản phẩm thịt, mang đến giải pháp bền vững và lành mạnh hơn
Lãng phí phụ phẩm nông nghiệp vẫn là bài toán chưa có lời giải
Là một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lớn về lãng phí phụ phẩm nông nghiệp. Các phụ phẩm như vỏ bưởi hay vỏ cam thường bị bỏ đi và không được tận dụng hiệu quả.
Trước thách thức ngày càng gia tăng này, các nỗ lực đã được triển khai để tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng phụ phẩm. Việc tận dụng vỏ bưởi và vỏ cam tại Việt Nam cho các ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm, nông nghiệp, và môi trường là ví dụ điển hình về cách làm hay nhằm giảm thiểu lãng phí và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn đối mặt với các thách thức như chất lượng không ổn định, khả năng mở rộng hạn chế, và yêu cầu cần có thêm nghiên cứu chuyên sâu để khai phá tối đa tiềm năng của chúng.
Một ví dụ cụ thể cho vấn đề này là trong quá trình sản xuất thực phẩm từ bưởi, phần lớn phụ phẩm từ quả này thường bị lãng phí. Tiến sĩ Tuyền cho biết: “Vỏ bưởi chiếm tới 30% khối lượng quả nhưng phần lớn đều bị bỏ đi hoặc chỉ dùng làm thức ăn gia súc”. Khi sản lượng bưởi tăng lên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, lượng chất thải cũng gia tăng, tạo thêm áp lực lên môi trường và hệ thống quản lý rác thải. Thách thức này không chỉ xảy ra với bưởi mà còn phổ biến ở hầu hết các loại nông sản.
Ngoài những lo ngại về môi trường, vấn đề này còn làm giảm hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng. Hệ thống lưu trữ không đủ chuẩn và vận chuyển không hiệu quả làm gia tăng tỉ lệ thất thoát thực phẩm. Hệ quả là nông dân chịu thiệt hại tài chính, doanh nghiệp gặp khó khăn với hiệu quả kém, còn người tiêu dùng thì phải gánh chịu giá cả cao hơn và nguồn cung hạn chế.
“Chúng ta không thể tiếp tục duy trì tư duy ‘sản xuất – tiêu dùng – vứt bỏ‘. Thay vào đó, cần chuyển sang mô hình ‘sản xuất – tái chế – tái sử dụng’ để tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị”, Tiến sĩ Tuyền chia sẻ và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng các giải pháp bền vững.
Giải pháp sáng tạo: Tái chế phụ phẩm và bảo quản thông minh
Để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm, các dự án tập trung vào tái chế phụ phẩm đã được triển khai tại Đại học RMIT Việt Nam. Với cách tiếp cận mới, Tiến sĩ Tuyền và các nghiên cứu sinh tiến sĩ do bà phụ trách đã phát triển công nghệ tái chế vỏ bưởi thành bột hấp thụ dầu và nước.
Vỏ bưởi, nếu được tái chế, có thể trở thành bột hấp thụ dầu, giúp giảm tới 90% lượng chất béo trong thực phẩm chế biến
Loại bột này có khả năng hấp thụ tới 90% dầu và nước, giúp thay thế chất béo trong các thực phẩm chế biến như chả viên, giảm lượng calo nhưng vẫn giữ được hương vị và kết cấu. “Đổi mới này không chỉ giảm hàm lượng chất béo mà còn bảo toàn chất lượng thực phẩm”, Tiến sĩ Tuyền giải thích.
Hiện tại, công nghệ này đang được thử nghiệm tại Đại học RMIT ở Melbourne (Australia) và cho ra kết quả đầy triển vọng. Khi thử nghiệm thành công, giải pháp này sẽ sẵn sàng cho sản xuất quy mô lớn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam tạo ra các sản phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Không dừng lại ở tái chế, nhóm nghiên cứu về Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng của RMIT Việt Nam còn đang nghiên cứu các công nghệ bao bì thông minh nhằm kéo dài thời hạn sử dụng và giảm thiểu hư hỏng trong quá trình vận chuyển và lưu trữ. Một trọng tâm trong nghiên cứu của nhóm là tận dụng tảo biển ở Việt Nam để phát triển các vật liệu bao bì sáng tạo, góp phần nâng cao tính bền vững và hiệu quả cho chuỗi cung ứng.
Những nỗ lực của RMIT không chỉ giải quyết bài toán lãng phí thực phẩm mà còn mở ra lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thực phẩm Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng trong một thị trường ngày càng chú trọng tới tính bền vững.
Xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tuần hoàn
Tiến sĩ Tuyền tin rằng việc tái chế phụ phẩm và áp dụng các giải pháp bảo quản thông minh sẽ tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm tuần hoàn – nơi mọi phụ phẩm đều được tái chế và tái sử dụng hiệu quả.
“Nếu chúng ta có thể thành công chuyển hóa phụ phẩm thành tài nguyên, ngành thực phẩm Việt Nam sẽ có cơ hội tăng giá trị sản phẩm, giảm lãng phí và giảm áp lực lên môi trường”, Tiến sĩ Tuyền chia sẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tiến sĩ Tuyền kêu gọi hợp tác giữa các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức nghiên cứu nhằm mở rộng việc ứng dụng công nghệ tái chế và bảo quản. Với sự đồng lòng từ các bên liên quan, những giải pháp này có thể được nhân rộng, tạo nên một chuỗi giá trị thực phẩm bền vững.
Theo khảo sát của Nielsen, 73% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp gắn kết nỗ lực bền vững với nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu.
“Chúng ta cần tái định hình toàn bộ chuỗi cung ứng và biến phế phụ phẩm thành những tài nguyên giá trị”, Tiến sĩ Tuyền nói.
Với tầm nhìn đổi mới và vai trò lãnh đạo, Tiến sĩ Tuyền đang góp phần chuyển hóa ngành thực phẩm Việt Nam hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Cùng với đội ngũ của mình, bà đang thực hiện các sáng kiến tái chế vỏ bưởi, phát triển bao bì thông minh và cải thiện bảo quản thực phẩm – những nỗ lực không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn tạo ra cơ hội để doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm.
“Tương lai về ngành thực phẩm bền vững không chỉ là mục tiêu, mà là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của chúng ta”, Tiến sĩ Tuyền khẳng định.
Theo PNVN