Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Việt Nam là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu.
Sáng 15/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định công nghệ chính là câu trả lời để Việt Nam tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
” Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, và giải những bài toán toàn cầu “, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động.
Make in Viet Nam là một tinh thần, tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.
” Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra “, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông dẫn số liệu, trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.
Trong năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD. Quan trọng hơn, con số này đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm.
” Đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp “, tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông nói và cho rằng đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, từ đó để thoát bẫy thu nhập trung bình.
Theo Bộ trưởng, đây là phép thử về công nghệ Việt Nam, là thách thức mà Việt Nam phải đạt được, để vươn mình trở thành trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
” Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại “, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Đề cập đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nghị quyết đã truyền đi thông điệp về tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” để phát huy trí tuệ Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 57 xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hoá các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới.
” Nó là “cây gậy thần” để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế – xã hội, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Cùng với đó, lần đầu tiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị, và sẽ nằm chung trong một Bộ hợp nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Nghị quyết 57 là nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
” Nghị quyết khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo.
Tinh thần chung của cả Nghị quyết khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo “, Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu kỳ vọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân dịp kỷ niệm 100 Quốc khánh.
Theo Anh Văn–VTC News