Bảo vệ con khỏi gió mưa là mong muốn của mỗi phụ huynh. Nhưng cuối cùng, trẻ cũng sẽ phải bước ra thế giới bên ngoài.
* Bài viết của Mẹ Lã – một blogger chuyên viết về giáo dục ở Trung Quốc.
Có một cậu bé 14 tuổi, một lần bị mắc kẹt trong thang máy suốt 5 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, khi được cứu, cậu không hề hoảng loạn hay lo lắng chút nào, mà còn bình tĩnh làm xong bài tập về nhà ngay trong thang máy. Toàn bộ quá trình tự cứu mình của cậu được người dùng mạng khen ngợi là một bài học điển hình về khả năng xử lý vấn đề.
Cậu bé đã làm gì?
Nhấn tất cả các nút trong thang máy.
Ấn chuông báo động, liên lạc với quản lý tòa nhà.
Viết một mẩu giấy cầu cứu và đưa ra ngoài thang máy.
Kiên nhẫn chờ cứu viện.
Trong khi đó, một cậu bé 9 tuổi ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), sau khi bị mắc kẹt trong thang máy, không chỉ khóc lóc om sòm mà còn dùng chân đá vào thang máy, thậm chí dùng tay cố gắng mở cửa thang…
Trẻ con khi gặp tình huống khẩn cấp và hoảng loạn là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng hai cách ứng phó khác biệt hoàn toàn này phản ánh rõ ràng sự thiếu sót và ưu điểm trong việc giáo dục của cha mẹ.
Nếu gặp phải tình huống tương tự, hoặc nghe kể về những sự kiện như trẻ bị mắc kẹt trong thang máy, phụ huynh có thể thử hỏi trẻ một câu: “Trong tình huống này, con nghĩ nên làm gì?”. Khi trẻ tự suy nghĩ, kết quả sẽ khác rất nhiều.
Khi trẻ gặp vấn đề và khó khăn, hãy hướng dẫn trẻ tự suy nghĩ và đưa ra quyết định. Mặc dù có thể trẻ sẽ vấp ngã, gặp khó khăn, nhưng chính những kinh nghiệm đó mới là thứ mà tiền bạc không thể mua được, và là nền tảng cho sự trưởng thành của trẻ.
Bảo vệ con khỏi gió mưa là mong muốn của mỗi phụ huynh. Nhưng cuối cùng, trẻ cũng sẽ phải bước ra thế giới bên ngoài, nếu cha mẹ biết cách rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập từ sớm, trẻ sẽ tự tin hơn và bay cao hơn!
Vậy làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ tự lập, có chính kiến?
Một người bạn của tôi tâm sự: “Gần đây con gái tôi ngày càng phụ thuộc vào tôi hơn, thỉnh thoảng lại hỏi: ‘Mẹ, con nên làm gì?’ Thực sự làm tôi đau đầu”. Con gái của bạn tôi đã 8 tuổi, theo lẽ thường, đây là độ tuổi mà trẻ bắt đầu thích tự đưa ra quyết định. Sao lại có thể trở nên phụ thuộc vào người khác như vậy?
Thực ra, trẻ không thể tự quyết định thường có hai nguyên nhân chính: Một là thật sự không biết phải làm gì; hai là trước đó, bất kể trẻ làm gì, nói gì, đều bị phụ huynh bác bỏ, vì thế trẻ đơn giản không muốn động não nữa.
Tôi đã xem một video, trong đó khi con gái còn nhỏ, mẹ lúc nào cũng thích thay con quyết định. Từ khi còn bé, dù là chọn đồ gì để mặc, ăn gì, khi con gái bày tỏ ý kiến của mình, mẹ đều có thói quen bác bỏ và bắt con nghe theo ý mình.
Khi con gái 18 tuổi, người mẹ đưa con gái ra ngoài ăn, hỏi con muốn ăn gì, con trả lời: “Cái gì cũng được”; khi người mẹ hỏi con muốn đi đâu chơi, con lại trả lời: “Tùy”. Lúc này, người mẹ, vốn đã quen với việc con gái luôn nghe theo mình, lại cảm thấy tức giận, trách móc: “Sao con không có chính kiến vậy?”.
Không phải trẻ tự nhiên không có chính kiến, mà trong quá trình lớn lên, bố mẹ chỉ dạy cho con cách luôn phải tuân theo ý kiến của mình.
Thật sự, không ít phụ huynh có thói quen thay con quyết định.
Họ luôn cảm thấy rằng, mình đã đi qua nhiều biến cố hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn con, nghe theo họ là chắc chắn không sai. Tuy nhiên, “tình yêu độc đoán” này có thể sẽ làm hỏng khả năng suy nghĩ, phân tích và phán đoán của trẻ.
Để con có chính kiến rất đơn giản. Cha mẹ chỉ cần thường xuyên nói một câu: “Con thấy sao?”.
Nếu mỗi khi trẻ không biết quyết định, bố mẹ có thể hỏi một câu: “Con nghĩ sao?”, kết quả sẽ hoàn toàn khác. Bởi câu hỏi này có thể khéo léo dẫn dắt trẻ suy nghĩ và đưa ra quyết định của riêng mình.
Con trai tôi đã có một thời gian khi làm bài tập gặp phải vấn đề khó, luôn rất phụ thuộc vào tôi: “Mẹ ơi, con không biết làm bài này, mẹ giúp con với!”. Vì nó biết chắc rằng mẹ luôn có thể giải thích bài tập đó một cách dễ hiểu chỉ trong vài câu. Khi đã quen với việc hỏi mẹ mỗi khi gặp khó khăn, nó dần dần không còn muốn tự suy nghĩ nữa.
Nhận thấy vấn đề này, tôi bắt đầu áp dụng một chút chiến thuật. Mỗi khi con hỏi phải làm thế nào, tôi sẽ hỏi lại: “Con nghĩ sao?”. Lúc đầu, nó kiên quyết đòi có câu trả lời ngay lập tức và la hét: “Con thật sự không biết làm sao cả”. Nhưng thực ra, nó có thể còn chưa đọc kỹ đề bài.
Sau vài lần như vậy, nó nhận ra rằng tôi sẽ không dễ dàng đưa ra đáp án, và buộc phải tự động não suy nghĩ.
Một số nhà nghiên cứu đã khảo sát những học sinh xuất sắc trong kỳ thi đại học, kết quả cho thấy: 62.96% cho rằng “phụ huynh thường xuyên quan tâm nhưng không can thiệp vào việc học của mình”; chỉ có 7.4% nói rằng “phụ huynh rất quan tâm và giúp đưa ra quyết định cho mình”. Điều này cho thấy những phụ huynh thông minh hiểu rõ cách kích thích sự tự giác và độc lập của con mình từ rất sớm.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường cho rằng trẻ chậm suy nghĩ, nên cứ trực tiếp đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, khi lớn lên, những đứa trẻ đã quen với việc nhận câu trả lời từ cha mẹ sẽ mất kiên nhẫn với quá trình suy nghĩ.
Và chính câu hỏi “Con nghĩ sao?” lại là chìa khóa giúp trẻ dần dần làm quen và chịu đựng được quá trình suy nghĩ khó khăn đó.
Theo Hiểu Đan-Theo PNS