Thành viên của “nhóm đặc nhiệm Huawei” có mặt trong cuộc họp kỹ thuật của nhiều nhà sản xuất chip trong nước và đóng vai trò cố vấn giúp họ vượt qua tình trạng tắc nghẽn.
Lực lượng tinh nhuệ
Khi nhóm kỹ sư của Huawei đến Giang Âm cách đây hai năm, họ có một nhiệm vụ cấp bách: biến nhà cung ứng ít tiếng tăm SJ Semiconductor thành đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ đóng gói và xếp chồng chip.
Đóng gói chip đang trở nên quan trọng chẳng kém tổng thể ngành sản xuất chip trong cuộc đua xây dựng các chất bán dẫn AI ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đóng gói CoWoS của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) là tiêu chuẩn vàng trong ngành, được Nvidia, Amazon và tất cả các nhà thiết kế chip hàng đầu sử dụng cho các sản phẩm AI của mình.
Nhưng khi lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cắt đứt quyền tiếp cận TSMC và các nhà cung cấp nước ngoài khác của Huawei, công ty phải chuyển sang giải pháp trong nước.
“HiSilicon của Huawei đã cử một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ đến đó giúp họ cải thiện công nghệ đóng gói để sử dụng với chip xử lý AI của riêng họ”, một giám đốc điều hành nói với Nikkei Asia, đề cập đến đơn vị thiết kế chip của Huawei.
Hiện nay, SJ Semiconductor có thể cung cấp giải pháp thay thế khả thi cho công nghệ của TSMC, với công suất tối đa chỉ bằng khoảng 1/10 so với khả năng của gã khổng lồ này.
“Đóng gói chip là khía cạnh dễ hơn trong sản xuất chip tiên tiến và họ đã đạt được một số tiến bộ”, một giám đốc điều hành khác cho biết. “Họ sẽ không ngồi yên. Đóng gói là thứ họ cần cho điện toán AI, là đường dây cứu sinh quan trọng đối với công nghệ chip”.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Huawei nhằm vượt qua lệnh cấm của Mỹ. Từ trong nghịch cảnh, công ty công nghệ hàng đầu này đang thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc.
SiEn Integrated Circuits, một nhà sản xuất chip ít được biết đến có trụ sở chính tại tỉnh Sơn Đông, cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhóm đặc nhiệm Huawei trong hai năm qua.
Trong thời gian đó, SiEn xây dựng thêm hai nhà máy và đang tiến hành sản xuất thử nghiệm chip 14 nanomet, tiên tiến hơn nhiều so với các sản phẩm trước đây.
Công ty đặt mục tiêu tiến tới quy trình 7 nm, tương tự như những gì nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) làm được.
SwaySure, nhà sản xuất chip nhớ có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng phát triển công nghệ tương tự như Nanya Technology – hãng cung cấp chip DRAM lớn thứ tư thế giới.
Các nguồn tin cho Nikkei Asia biết rằng sự hỗ trợ chiến lược của Huawei đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của SwaySure. SwaySure thậm chí còn đang khám phá các công nghệ bộ nhớ băng thông cao (HBM), một thành phần quan trọng cho điện toán AI mà hoạt động sản xuất do SK Hynix và Samsung của Hàn Quốc và Micron của Mỹ thống trị.
Huawei, công ty bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, đã tuyển dụng hàng trăm kỹ sư có kinh nghiệm làm việc tại TSMC, Intel, Applied Materials và KLA trong những năm gần đây, tạo thành nhóm cố vấn tinh nhuệ, đưa họ đến hỗ trợ các đối tác sản xuất trên khắp Trung Quốc.
Thành viên của nhóm đặc nhiệm Huawei này có mặt trong cuộc họp kỹ thuật của nhiều nhà sản xuất chip trong nước và đóng vai trò cố vấn để giúp họ vượt qua tình trạng tắc nghẽn trong sản xuất và phát triển.
“Nếu đào sâu vào một số nhà sản xuất chip hoặc công ty công nghệ hiện đang nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy bóng dáng của Huawei”, một giám đốc điều hành ngành chip cho biết.
“Tôi không muốn phóng đại mọi thứ, nhưng Huawei vẫn dẫn đầu trong nhiều nỗ lực R&D và phát triển công nghệ cao tại Trung Quốc”.
Rớt hạng nhưng còn lâu mới bị loại
Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, Washington cũng áp đặt liên tiếp một số đợt kiểm soát xuất khẩu nhắm vào hàng trăm nhà phát triển chip, nhà sản xuất công cụ và vật liệu cũng như các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc.
Trong suốt thời gian đó, quyết tâm phát triển ngành công nghệ của Trung Quốc không hề dao động.
Các biện pháp của Mỹ đã ngăn chặn hiệu quả khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc nhưng nỗ lực này đã thúc đẩy quốc gia châu Á thay thế chuỗi cung ứng công nghệ nước ngoài bằng các giải pháp thay thế bên trong.
Trung Quốc đã phát triển các giải pháp có tính cạnh tranh trong nhiều phân khúc, bao gồm chip, chất nền chip, bảng mạch in, màn hình, pin, ống kính máy ảnh, vỏ kim loại và lắp ráp.
Mặc dù nhiều quốc gia có thể không coi những thành phần này quan trọng về mặt chiến lược, chúng vẫn thiết yếu đối với sản xuất thiết bị và dụng cụ điện tử.
Và trong khi chuỗi cung ứng của Trung Quốc phát triển, sức ảnh hưởng toàn cầu của các thương hiệu cũng tăng theo. Theo công ty nghiên cứu Omdia, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc nắm giữ gần 60% thị trường toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất TV chiếm 42% thị trường, phần lớn là nhờ vào thị phần thống lĩnh trong ngành công nghiệp màn hình.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã giáng một đòn mạnh vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei, nhưng điều đó chưa phải là ngày tận thế.
“Trong số tất cả các đối thủ, Huawei vẫn là công ty dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cơ bản, chẳng hạn như quang học, máy ảnh, khoa học vật liệu và tản nhiệt”, Zaker Li, nhà phân tích về thiết bị di động tại Omdia cho hay.
Trung Quốc đã thống trị nhiều lĩnh vực
Mỹ hiện đang cân nhắc mở rộng các hạn chế mới đối với năng lực công nghệ của Trung Quốc. Nhưng điều này được cho là quá muộn, vì trong nhiều khía cạnh khác, Trung Quốc đã đạt được khả năng tự cung tự cấp, thậm chí có thể phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu.
Trung Quốc kiểm soát hơn 70% thị trường màn hình tinh thể lỏng, cũng như 50% thị trường màn hình OLED cao cấp, buộc các đối thủ như Samsung, LG và Sharp phải rút lui hoặc thu hẹp hoạt động.
Các công ty Trung Quốc cũng thay thế phần lớn các nhà cung cấp chip tần số vô tuyến của Mỹ và Nhật Bản tại thị trường trong nước. Trung Quốc cũng có một số nhà sản xuất chất nền chip và bảng mạch in khả thi, không còn nút thắt tiềm ẩn cản trở sự phát triển.
Trong các lĩnh vực như chip kết nối Bluetooth và Wi-Fi, một số nhà cung cấp Trung Quốc có thể đưa ra mức giá thấp tới 1 nhân dân tệ (0,14 USD) cho mỗi chip, rẻ hơn bất kỳ nhà phát triển nước ngoài nào.
Giá buồng hơi, một thành phần tản nhiệt trong điện thoại thông minh và máy tính xách tay cao cấp, đã giảm mạnh từ 12 USD xuống còn 2 USD.
Nhà phân tích Antonia Hmaidi thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho biết việc cạnh tranh với các đối thủ không quan tâm đến lợi nhuận như vậy là một thách thức.
Đừng bao giờ coi thường Trung Quốc
Trong khi đó, Huawei vẫn đang là công ty công nghệ nổi bật nhất của quốc gia tỷ dân, sử dụng 207.000 nhân viên trên toàn thế giới, so với 182.000 nhân viên của Google, 125.000 nhân viên của Intel và 164.000 nhân viên của Apple.
Hơn 50% nhân viên của công ty làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và công ty đã chi hơn 23% doanh thu hàng năm, hay khoảng 164,7 tỷ nhân dân tệ (22,7 tỷ USD), cho hoạt động R&D vào năm ngoái, lọt top 10 toàn cầu.
Huawei cũng vẫn là động lực quan trọng nhất trong không gian điện toán bán dẫn và AI của Trung Quốc. Tại Thượng Hải, công ty đang xây dựng một trung tâm R&D quy mô lớn để thiết kế chip và phát triển thiết bị bán dẫn, trong khi các nhà máy sản xuất và đóng gói chip do Huawei hỗ trợ đang lan rộng khắp đất nước với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ.
Giờ đây, ngay cả các nhà cung cấp “hạng hai” như SJ Semiconductor và SiEn cũng có cơ hội hưởng lợi từ kinh nghiệm của Huawei và hoàn thiện công nghệ của mình.
“Người Mỹ và người châu Âu đang đánh giá thấp Trung Quốc. Nhưng họ đừng nên nghĩ đến việc đánh giá thấp Trung Quốc”, một cựu giám đốc điều hành của TSMC cho biết.
“Trung Quốc có dân số hơn một tỷ người, nền giáo dục kỹ thuật rất tốt, có tinh thần trách nhiệm và động lực lớn để phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình”.
Theo Mạnh Kiên–Nhịp sống thị trường