“Cách khởi nghiệp không giống ai” là nhận xét của mọi người khi nghe chị Lương Thị Liên (sinh năm 1984, ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) kể về hành trình tạo ra men vi sinh làm sạch môi trường bằng hoa quả hỏng, bỏ đi.
Không ngừng khởi nghiệp
Người phụ nữ toả ra năng lượng mạnh mẽ, giọng nói to, nhanh, thỉnh thoảng mắt lại long lanh, trò chuyện với chúng tôi trong khi những khó khăn nhất của chị đã lùi dần vào quá khứ. Câu chuyện của chị Liên bắt đầu cởi mở khi chị kể về lần mang thai và hạ sinh đứa con đầu lòng vào năm 2007.
Hạnh phúc vừa mới chớm, vậy mà chỉ 2 ngày sau, trong niềm vui chào đón thành viên mới của gia đình, không may chị Liên bị liệt, phải nằm một chỗ. Nhiều ngày chạy chữa, chị tập tễnh học đi như một đứa trẻ, khả năng xin việc cũng từ đó mà khó khăn hơn. Với tính cách thích công việc tự do, lại thẳng thắn và sức khoẻ không cho phép… nên chị đã vay mượn tiền, mượn đất để vừa kinh doanh vừa chữa bệnh.
Rồi những biến cố liên tiếp xảy ra, nhất là khi phát hiện con trai đầu chỉ có 1 quả thận, nguyên nhân do quá trình mang thai ở tháng 3 – 4, chị bị cảm cúm, chẳng may sử dụng thuốc có chứa thành phần không cho phép với bà bầu nên gây hệ lụy. Từ đó trở đi, chị Liên tìm hiểu về cây thuốc Nam, về Đông y, châm cứu, bấm huyệt và đặc biệt hơn, chị đã quán triệt cả nhà sử dụng các loại thuốc từ Nam dược, Đông y để đồng hành cùng con trai, bảo vệ sức khỏe cả nhà an toàn. Xuyên suốt hành trình của mình, chị Liên luôn đặt vấn đề sức khỏe và an toàn lên hàng đầu.
Sau này, trong giai đoạn hậu Covid-19, nhìn những container hoa quả chở từ Nam ra Bắc để qua cửa khẩu sang Trung Quốc, vì nhiều lý do khiến thời gian xuất biên dài, hoa quả không chất bảo quản dễ bị hư hỏng, các thương lái mang về không bán được đổ bỏ lung tung. Nhiều người còn vì lợi nhuận trước mắt mà dùng hóa chất, thuốc trừ sâu để bảo quản hoa quả.
“Khi đó nhìn thấy xót ruột, tôi đã bàn với gia đình tìm cách nào đó để xử lý được đống rác này; đồng thời làm thế nào để có sản phẩm vi sinh thay thế những loại hoá chất độc hại cho cây trái. Nhưng thời điểm ấy, bản thân tôi không biết gì về rác thải, không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề đang đặt ra. Nhưng khát khao làm được gì đó cho quê hương, nhất là vấn đề môi trường, trước tiên là cho bản thân, cho gia đình nhà mình, sau đó là cho xã hội, tôi quyết định tìm tòi và học hỏi”, chị Liên chia sẻ.
Từ ý nghĩ đó, cộng với nguồn rác thải từ hoa quả, với khát khao cống hiến cho xã hội giá trị lâu dài, cơ duyên đã đưa chị Liên gặp thầy Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam. Dưới sự trợ giúp, của thầy Công, hướng dẫn chị cách làm, chỉ dẫn sản phẩm từ rác hoa quả có thể tạo được vòng tuần hoàn…, chị Liên đã thử áp dụng và bước đầu rác thải trong gia đình đã được xử lý thành phẩm trên khu vườn, cây cối trồng quanh nhà, đảm bảo vừa tạo môi trường sạch vừa tận dụng nguồn rác để làm dinh dưỡng cho cây. Đó là tiền đề để chị Liên thành lập và phát triển Hợp tác xã Hoàng Gia (ở thôn 3, Tân Mỹ, Bắc Giang).
Trong suốt quá trình vận hành hợp tác xã và ứng dụng kỹ thuật được các chuyên gia chỉ dạy, để nâng cao năng lực, tháng 8/2024, chị Liên còn đăng ký tham gia khóa đào tạo huấn luyện huấn luyện kinh doanh thực chiến trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), do Công ty CP Truyền Thông Vietnam Startup TV (VSTV) thực hiện. Nhờ vậy, chị đã có cho mình lộ trình, chiến lược phát triển sản phẩm hợp lý; có thêm kiến thức về quản trị tài chính, sale & marketing, các phương pháp định giá cho các dự án để phát triển dự án và chuẩn bị cho các cuộc thương lượng với các nhà/quỹ đầu tư.
Khởi nghiệp là sẵn sàng đương đầu với rủi ro
Với nhiều người khi lựa chọn bước đi trên con đường khởi nghiệp là đã phải chấp nhận, sẵn sàng đương đầu với không ít thách thức, rủi do đi kèm. Khó khăn này được nhân lên gấp bội ở nữ giới. Chị Liên cho rằng: Phụ nữ có đam mê đã là một nửa thành công nhưng nuôi dưỡng đam mê thì thành công đến 90% rồi. Với chị, đây còn là cơ hội để “cảm ơn cuộc đời”, vì đã cho chị khoẻ mạnh trở lại, được sống đúng nghĩa người vợ, người mẹ của gia đình.
Chính vì thế, chị Liên không ngại khó, sẵn sàng mở thêm trang trại chăn nuôi lợn để ứng dụng luôn sản phẩm men vi sinh từ hoa quả bỏ đi. Điều đáng ngạc nhiên là 2 năm sử dụng men vi sinh từ hoa quả bỏ đi, với 3 lần chăn nuôi thì chị Liên nhận thấy đàn lợn nhà mình có khả năng kháng bệnh dịch tả lợn châu Phi, con vật rất khoẻ, chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá tươi, ngon.
Điều này đã được nhiều người trong khu phố và bác sĩ thú y ghi nhận, khiến chị Liên có thêm động lực gây nái lần 2 với 200 con; hiện nay là lần 3 cũng với 200 con lợn. Thực tế chứng minh, những con lợn ăn cám đều bị chết do dịch tả lợn, còn những con lợn ăn thức ăn thừa thông thường, trộn với men vi sinh từ hoa quả hỏng thì lại rất khoẻ.
Từ hiệu quả trong chăn nuôi và xử lý môi trường, bắt đầu từ năm 2023, Hợp tác xã Hoàng Gia của chị Liên bắt đầu làm thêm nhiều sản phẩm men vi sinh từ tận dụng nguồn hoa quả hỏng. Chị Liên cho biết: “Lúc đầu rất gian nan, từ khâu lấy rác, thu gom nguyên liệu, nhân công và kinh phí đều được lấy từ toàn bộ tiền kinh doanh trước đây của mình để đem về làm.
Kế toán nhà mình có 3 bạn, ngồi trong phòng điều hoà cả ngày nhưng mình ra đồng và vào khu chăn nuôi từ sáng đến tối mịt. Ai cũng bảo mình bị dở, sướng quá nên không biết hưởng? Mình làm chân tay đen sì, lấm lem mồ hôi chăn lợn. Thế nhưng, lý do của mình rất đơn giản, đó là muốn trực tiếp làm để kiểm soát được chất lượng sản phẩm, để sản phẩm làm ra đúng như những gì mình quảng bá, mang lại giá trị thực sự cho xã hội, từ đó, mình tự tin đi truyền cảm hứng cho người nông dân”, chị Liên giãi bày.
Được biết, sản phẩm men vi sinh hiện giờ chị Liên thường mang tặng chị em hội viên phụ nữ trong các cuộc tuyên truyền, khi thì miễn phí, khi lại lấy giá rất rẻ để ai cũng được tiếp cận. Hiện giờ, mỗi người chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng/gói có thể xử lý được 1.000 m2 trang trại (hoà ra, phun khu vực chăn nuôi, rải đệm khử mùi hôi, tự phân huỷ không hôi).
Hiện tại, từ sản phẩm men vi sinh, chị Liên làm ra dinh dưỡng cho cây, chiết nước tưới cây và bã làm phân xanh từ hoa quả ngâm ủ, cung cấp cho một đơn vị chuyên trồng lúa ra gạo lứt, gấc. Từ sản phẩm chị Liên cung cấp, đơn vị này trồng các loại cây để làm nguyên liệu sạch tạo ra mì rau củ quả và chè lam – 2 sản phẩm mang thương hiệu xanh, sạch.
Theo PNVN