Nhiều người trẻ thường ỷ lại mình còn trẻ, sức khỏe tốt mà sống buông thả, sinh hoạt theo ý thích. Ở tuổi 25, anh Trần cũng là một trong số đó.
Anh Trần sinh ra tại Sơn Đông (Trung Quốc), hiện tại đang sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Bởi vì xa nhà lại ở một mình, công việc đặc thù nên anh thường xuyên ăn uống và ngủ nghỉ thất thường. Tuy nhiên, anh Trần luôn cho rằng mình còn trẻ, khỏe nên chủ quan. Khi thấy cơ thể khó chịu dai dẳng cũng không đi thăm khám ngay.
Cho đến tuần trước, anh Trần đang ngồi chơi game cùng bạn bè thì lên cơn đau tức ngực dữ dội, da tím tái sau đó ngất xỉu tại chỗ. Một người bạn nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa anh tới bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh Trần bị suy tim đã lâu nhưng không phát hiện. Ở thời điểm nhập viện, anh bị rối loạn nhịp tim cấp tính dẫn tới ngừng tim tạm thời, có dấu hiệu phù phổi.
May mắn là sau rất nhiều nỗ lực, đội ngũ bác sĩ đã thành công cứu anh khỏi “cửa tử”. Hiện tại anh vẫn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện nhưng tin buồn là ngay cả sau khi xuất viện, anh sẽ không thể khôi phục sức khỏe như trước. Cả đời anh Trần sẽ phải dùng thuốc và sống với những biến chứng như suy giảm chức năng tim mạn tính, rối loạn nhịp tim, sức khỏe tổng thể suy giảm, phù nề mạn tính…
Thủ phạm gây suy tim là thói quen về đêm phổ biến ở người trẻ
Nói về nguyên nhân gây suy tim ở anh Trần, bác sĩ điều trị cho biết đến từ thói quen sinh hoạt xấu. Cụ thể là thường xuyên thức khuya, thức xuyên đêm và ngủ bù vào ban ngày trong thời gian dài.
Bác sĩ Guo Zhidong Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Cathay (Đài Loan, Trung Quốc) giải thích: “Thức khuya lâu ngày hoặc đảo lộn nhịp sinh học tự nhiên bằng cách ngủ ngày thức đêm khiến cơ thể mất cân bằng hormone như cortisol và adrenaline. Tình trạng này làm hệ thần kinh giao cảm hoạt động liên tục, khiến nhịp tim và huyết áp tăng cao kéo dài. Áp lực này khiến tim phải làm việc quá sức, lâu dần suy yếu và dẫn đến nguy cơ suy tim.
Hơn nữa, thiếu ngủ kéo dài làm gián đoạn giai đoạn ngủ sâu – thời điểm cơ thể phục hồi và tái tạo tế bào. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái tạo của cơ tim, làm tim mất dần khả năng bơm máu hiệu quả. Khi tim hoạt động kém trong thời gian dài, không chỉ nguy cơ suy tim tăng cao mà các bệnh tim mạch khác cũng dễ dàng xảy ra”.
Bên cạnh đó, ngoài thức khuya thì anh Trần còn thường xuyên ăn uống thất thường. Cảm xúc của anh cũng lên xuống thất thường khi thường thức đêm để chơi game online, xem phim truyền hình hoặc chương trình thể thao. Tất cả những thói xấu này hiệp đồng lại, cùng lúc làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Khi biết được nguyên nhân “thập tử nhất sinh” của mình, anh Trần vô cùng hối hận. Anh hứa sẽ cố gắng thay đổi lối sống và bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình như 1 lời cảnh tỉnh những người khác, nhất là người trẻ tuổi. Hãy bỏ thói quen thức khuya, thức đêm ngủ ngày và quan tâm hơn tới sức khỏe, đừng chủ quan.
Bác sĩ cảnh báo 6 dấu hiệu sớm của bệnh suy tim
Thông qua trường hợp của anh Trần, bác sĩ Guo Zhidong cũng đưa ra cảnh báo 6 dấu hiệu sớm của bệnh suy tin. Bao gồm:
– Khó thở khi ngủ: Cảm giác như có vật nặng đè lên ngực, phải ngồi dậy để thở.
– Hụt hơi, thở gấp: Ngay cả khi không vận động mạnh, bạn vẫn cảm thấy hụt hơi.
– Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác kiệt sức ngay cả khi làm những việc nhẹ nhàng.
– Phù chi dưới: Chân bị sưng, vết lõm rõ khi ấn vào da.
– Thay đổi nước tiểu: Lượng nước tiểu giảm, màu đậm hơn.
– Tăng cân không kiểm soát: Do tích tụ nước trong cơ thể.
Khi có những dấu hiệu bất thường này, cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt!
Nguồn và ảnh: Topick, Daily Mail- Ngọc Ái–Đời sống & pháp luật