Rất nhiều khó khăn và cả những hiểu biết mới xảy đến trong quá trình hơn 10 năm khởi nghiệp của chàng trai này.
Từ một cửa hàng ban đầu cách đây hơn 10 năm, hiện tại sở hữu gần 100 cửa hàng khắp thành phố Thâm Quyến, doanh thu một năm hàng ngàn tỷ đồng, Edison, đồng sáng lập thương hiệu nước ép trái cây HUN nổi tiếng tại Trung Quốc, chia sẻ rằng càng đi sâu vào kinh doanh càng cảm ơn bản thân ban đầu đã không suy nghĩ quá nhiều, bởi lẽ nếu làm vậy, có lẽ sẽ không muốn khởi nghiệp.
- Lý do khởi nghiệp trong lĩnh vực bán nước ép hoa quả?
Chia sẻ về việc vì sao muốn mở một thương hiệu bán nước ép hoa quả, Edison chia sẻ, “xã hội hiện đại cũng bắt đầu có những chú trọng hơn tới việc bảo vệ sức khỏe, ăn uống lành mạnh, và nước ép hoa quả là một trong những lựa chọn khá phổ biến.”
Cửa hàng đầu tiên của anh được mở tại một trung tâm sách tại thành phố Thâm Quyến, chỉ khoảng 22.5 mét vuông, “khi đó chúng tôi tìm tới lãnh đạo của trung tâm trình bày cho ông ấy kế hoạch của mình, giờ ngẫm lại, chúng tôi khi đó dùng những hiểu biết đơn thuần nhất của bản thân về thương hiệu, viết ra một bản kế hoạch cũng hết sức đơn thuần, tuy nhiên, lãnh đạo của trung tâm khi đó chịu tin tưởng chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội. Tới tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy rất biết ơn ông ấy.”
- Từ một cửa tiệm ban đầu tới gần 100 cửa tiệm hiện tại, việc mở rộng chi nhánh trải qua những giai đoạn ra sao?
Theo Edison, quá trình kinh doanh của anh thực ra có thể chia ra làm nhiều giai đoạn.
Năm đầu tiên, anh chỉ mở duy nhất một cửa tiệm, sau khoảng 6 tháng, công việc kinh doanh đã rất ổn định, tuy nhiên trong 1 năm đầu, anh không mở thêm bất cứ chi nhánh nào.
Tới tháng thứ 14, anh quyết định mở chi nhánh thứ 2, tới năm thứ 4, anh sở hữu 10 chi nhánh. Năm 2022, Edison và đồng nghiệp tăng tốc độ việc mở chi nhánh, tổng số chi nhánh khi đó rơi vào khoảng 20-30 tiệm, tới năm 2023, số tiệm tăng lên con số 70, “trung bình mỗi năm đều nhân đôi số lượng cửa hàng, mở rộng độ phổ biến của thương hiệu.”
Ở giai đoạn dừng lại ở con số một vài tiệm, Edison vẫn đi theo hướng làm thương hiệu, tập trung vào duy trì chất lượng sản phẩm, tìm kiếm phản hồi và phản hồi lại với khách hàng, cảm giác khi đó là “thì ra mở một cửa hàng cũng không phức tạp tới như vậy.”
Tuy nhiên, sang tới giai đoạn thứ hai, khi số lượng cửa hàng nhiều lên, anh “bắt đầu cảm thấy mơ hồ”, nhiều vấn đề xảy đến, chẳng hạn như nguồn cung nguyên liệu, hay việc cùng một sản phẩm, ở ba cửa hàng này rất đắt khách, nhưng ở 7 cửa hàng khác lại không được khách hàng ủng hộ, doanh thu của cửa hàng này rất tốt, nhưng doanh thu tại cửa hàng kia lại không hề khả quan.
“Giai đoạn này khiến tôi nhận ra, ngoài thương hiệu, thực ra có rất nhiều việc cần phải xử lý, chẳng hạn như quản lý vận hành, tốc độ kĩ thuật, chất lượng nguyên liệu… giai đoạn này không ngừng nói với tôi một điều rằng, thì ra thứ mà tôi không biết nhiều tới như vậy, và rồi bắt đầu tự nghi ngờ bản thân, ban đầu làm sao có thể vượt qua tất cả để có thể đi được tới giai đoạn này”, Edison chia sẻ.
Sang tới giai đoạn thứ 3 là giai đoạn đẩy nhanh tốc độ mở chi nhánh, “nếu trước đó một năm chỉ mở khoảng 3 chi nhánh, thì sau đó, 1 tháng mở thêm 13 chi nhánh. Lúc đó, bạn sẽ phát hiện ra một điều thách thức không chỉ là những hiểu biết của bạn về cách vận hành một cửa hàng mà còn rất nhiều khâu tổ chức ở phía sau, lúc này tôi mới dần dần hiểu ra, vì sao khi làm thương hiệu cần tới nhiều bộ phận chuyên môn đứng phía sau hỗ trợ chiến lược kinh doanh của các cửa hàng như vậy. Nếu ngay khi mới bắt đầu mà bạn đã nghĩ tới những khó khăn này thì có lẽ bạn sẽ không dám khởi nghiệp nữa.”
- Bài học rút ra sau nhiều năm kinh doanh
Có rất nhiều câu chuyện xảy ra trên quá trình khởi nghiệp, tuy nhiên, có một bài học để lại ấn tượng sâu sắc tới Edison, “lúc đó nhân viên trong công ty đề xuất đồ uống từ dưa hấu, nhưng tôi lại là người cật lực phản đối, khi đó tôi nghĩ tại sao lại đưa một món đồ uống hết sức bình thường như vậy vào menu. Sau đó tôi nghĩ, vì sao bộ phận sản phẩm lại đề xuất nước ép dưa hấu, nhất định là vì có nhiều khách hàng muốn uống loại nước này. Tuy nhiên, tôi cũng lại nghĩ, thay vì làm một ly nước ép dưa hấu bình thường, liệu chúng tôi có thể sử dụng cách hiểu của bản thân về định vị thương hiệu của mình để tạo ra một ly nước ép dưa hấu đặc sắc hơn, mới mẻ hơn, tạo được ấn tượng hơn hay không. Khi đó, chúng tôi phát hiện ra quả đào trắng là loại quả rất được người châu Á ưa chuộng, vì vậy đã sáng tạo ra trà dưa hấu đào trắng, sản phẩm này sau khi ra mắt đã nhanh chóng trở thành một trong những loại đồ uống đắt khách và nhận được nhiều lượt mua hàng nhất của chúng tôi.”
Bài học ở đây chính là những người làm thương hiệu đôi khi tự giới hạn khả năng tưởng tượng của mình lại vì tư duy và giá trị quan trước đó của bản thân, tuy nhiên, rất nhiều khi, chúng ta không nên để cái khung nhận thức mà mình đặt ra cho bản thân ngăn cách chúng ta với nhu cầu thực sự của người tiêu dùng cũng như thị trường.
Ngoài ra, hiện tại nhiều tiểu thương sử dụng hình thức giảm giá rất thấp để thu hút khách hàng hay giảm sự cạnh tranh, “nhưng ở thời điểm hiện tại, đây không phải là phương hướng mà chúng tôi muốn đi. Chúng tôi hiện tại muốn khởi xướng một phong cách sống, khích lệ mọi người uống nước ép trái cây tốt cho sức khỏe. Điều mà chúng tôi muốn làm ở hiện tại là để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nước trái cây, vì vậy năm nay, chúng tôi định vị thương hiệu của mình với 6 chữ vô cùng đơn giản – ‘tự nhiên, tốt hơn cho bạn'”, Edison bộc bạch.
Diệu Đan-Theo thanhnienviet.vn