Mặc dù được 11 trường đại học Nhật Bản và Mỹ cấp học bổng lên tới hàng tỷ đồng, Ninh Quỳnh Anh (Trường THPT Chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai) vẫn lựa chọn theo học tại một ngôi trường ở Việt Nam.
“Em tin mình đang đi đúng, làm đúng”
Bố mẹ Quỳnh Anh công tác tại Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Ngay từ nhỏ, em đã được tặng cho những món quà mang từ New Zealand về. Từ 7, 8 tuổi, cô bé vẫn luôn ước ao sẽ được khám phá những vùng đất mới như trong những câu chuyện bố kể.
Lên cấp 2, Quỳnh Anh bắt đầu nhen nhóm ước mơ đi du học. Bố mẹ em cũng luôn mong muốn con gái được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nên rất đề cao việc học Tiếng Anh. Thế nhưng phải đến giữa năm lớp 11, Quỳnh Anh mới bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ ấy. Đó cũng là khi em vừa đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh. Điều đó đồng nghĩa với việc Quỳnh Anh đã được tuyển thẳng đại học. Từ lúc đó, em bắt tay vào việc làm hồ sơ, viết luận và thi các bài thi chuẩn hóa.
“Việc làm hồ sơ đi du học rất tốn công sức và thời gian. Em cảm thấy bị ngợp vì quá nhiều thứ phải chuẩn bị trong khi bản thân phải tự “mò” tất cả. Nó giống như thể mình bước ra ngoài chiến trường nhưng trong tay không có khiên giáo vũ khí, chỉ biết cắm đầu xông lên với tất cả ý chí, hy vọng là mình đang làm đúng, đi đúng”. Quỳnh Anh chia sẻ.
Sau tất cả, những nỗ lực của Quỳnh Anh đã được đền đáp. Cuối tháng 5 vừa qua, cô nữ sinh đồng loạt nhận được “tin vui” từ các trường, trong đó, có những trường cấp học bổng lên tới 4 tỷ đồng.
Điều này với Quỳnh Anh là một bất ngờ bởi “hồ sơ em phải tự làm và cũng không biết có thang đo chuẩn nào để xem cơ hội của mình đến đâu. Lúc được đồng loạt các trường nhận, em cảm thấy rất vui vì những nỗ lực của mình đã được nhìn nhận”.
Măc dù vậy, cô nữ sinh tài năng lại khiến nhiều người bất ngờ vì em quyết định từ bỏ 11 ngôi trường ở nước ngoài để theo học tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam – nơi em nhận được học bổng 90% cho tiền học phí và chi phí ăn ở trong 4 năm học.
“Bố mẹ em luôn nói sẽ ủng hộ em. Nếu em có thể tìm được học bổng phù hợp và gia đình có thể chi trả thêm thì sẽ cho em đi du học. Nhưng em không muốn đặt áp lực quá lớn với bố mẹ bằng việc bắt buộc phải đi du học bằng mọi giá. Bởi mặc dù có những trường hỗ trợ 100% học phí nhưng tiền ăn ở, sinh hoạt,… vẫn là quá lớn so với điều kiện tài chính của gia đình em. Nếu cộng cả lương hai bố mẹ cũng không thể chi trả cho khoản phí ấy. Vì vậy, em nghĩ lựa chọn một trường đại học trong nước sẽ khả thi hơn”, Quỳnh Anh nói.
“Em không phải là một hình ảnh hoàn hảo”
Một đặc điểm dễ thấy ở Quỳnh Anh là em đặc biệt thích nghe nhạc và đọc sách. Trong bài luận chính của mình, Quỳnh Anh đã kể câu chuyện về âm nhạc có tác động đến em ra sao và trong khoảng thời gian khó khăn, em được âm nhạc xoa dịu tâm hồn và đem đến cảm giác phấn chấn, năng lượng tích cực như thế nào. Đó cũng chính là con người thật của cô bé từ tiểu học đến giờ.
Ngoài ra, Quỳnh Anh cũng rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ. Tự nhận xét về mình, Quỳnh Anh cảm thấy bản thân “hiếm khi có thời gian rảnh rỗi và luôn luôn có việc để làm”, bởi “nếu không phải làm gì, em sẽ tìm tòi và đọc thêm những gì em chưa biết”.
Từng nằm trong ban Truyền thông của International Vietnam Model United Nations 2019, Quỳnh Anh còn là đại sứ G-College Singapore năm 2018, đồng trưởng ban tổ chức giải thưởng Travel Award 2018, đồng sáng lập dự án CLC Little Free Library… Đây đều là những chương trình giúp học sinh nâng cao kỹ năng mềm, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm hay cùng nhau chia sẻ sở thích cá nhân.
Không chỉ vậy, Quỳnh Anh còn từng là đại diện tham dự hội thảo Y.LEAD tại Singapore năm 2017 bên cạnh rất nhiều học sinh quốc tế tiêu biểu khác.
Mặc dù khiến nhiều người ấn tượng với hàng loạt các hoạt động ngoại khóa từng tham gia và bảng thành tích dày đặc, Quỳnh Anh khiêm tốn chia sẻ:
“Em không phải là một hình ảnh hoàn hảo. Em cũng rất sợ bị gắn mác “con nhà người ta” vì khi gọi như thế, mọi người luôn nghĩ đến những người chỉ biết học, nhàm chán, ngoài điểm số và học hành không có gì ấn tượng cả. Em luôn muốn bản thân mình phải năng động, truyền ra được năng lượng tích cực hơn việc chỉ là một hình ảnh gắn với điểm số và thành tích học tập. Em không muốn mình tới giảng đường chỉ để ngồi nghe những điều em không thực sự cần. Vì vậy, em rất thích học tập trong môi trường giáo dục khai phóng. Ở đó, em được phép thử nghiệm mọi thứ và tự xác định con đường của mình”.
Quỳnh Anh cũng cho biết em mong muốn được thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như truyền thông, kinh doanh, bảo vệ môi trường hay cố vấn tài chính.
“Trong tương lai, khi có điều kiện hơn, em nhất định sẽ hoàn thành ước mơ dang dở này”, Quỳnh Anh khẳng định.
Hiểu Minh (TH)