Nhẫn nại là cây cỏ, dãi gió dầm sương nhưng tươi tốt ngọt ngào. Khiêm nhường là tia nắng, nép mình sau mây nhưng chiếu sáng muôn nơi.
Nhẫn nại không phải là sợ sệt chịu thua, mà là yên tĩnh như côn trùng ngủ đông. Khiêm nhường không phải là co ro lùi bước, mà là thể hiện của bản lĩnh kiên cường.
Nhẫn nại là đại trí tuệ
Shakespeare từng nói: “Nhẫn nại bao dung là trí tuệ lớn nhất”.
Con người khi đối mặt với nghịch cảnh cần học cách nhẫn nại. Nhẫn được những điều mà người khác không thể nhẫn mới có thể đạt được những điều mà người khác không thể đạt. Nếu cứ một mực tiến bước, đương nhiên sẽ gặp phải bóng tối, nhưng khi bạn kiên trì vượt qua đoạn đường đó thì sẽ đón nhận ánh bình minh.
Từ xưa đến nay, người làm nên đại sự đa phần là nhờ đức Nhẫn. Câu Tiễn nếm mật nằm gai, cam chịu 10 năm nô lệ; Hàn Tín chịu nhục chui háng, tôi rèn nên bản lĩnh của một bậc tướng quân; Khang Hy vì để trừ Ngao Bái, đã phải nhẫn chịu chuẩn bị nhiều năm ròng.
Người xưa có câu: “Nhẫn được nghìn việc phiền nhiễu thì thu được một cái tâm thanh tĩnh”. Phiền nhiễu đến thì phải học cách nhẫn nại, cần phải làm được ‘việc nhỏ mà không từ bỏ, việc lớn vẫn không vội vàng, việc gấp càng không rối loạn’.
Nếu bạn đang trải qua giai đoạn bi đát của cuộc đời, không tìm ra phương hướng, từng nhiều lần nghĩ đến chuyện buông xuôi phó mặc, thì xin bạn hãy cứ kiên trì tiếp tục, nhẫn nại đợi chờ. Con nhộng phá tổ kén phải chịu nhiều thống khổ, nhưng một khi đã thành bướm thì sẽ thấy thế giới rực rỡ muôn màu.
Đương nhiên nhẫn nại không phải là đầu hàng hay sợ sệt nhận thua vô điều kiện, mà là khí phách, là bản lĩnh của một bậc chính nhân. Nếu có thể khoan dung cho người thì hãy khoan dung tha thứ, nếu có thể lui bước nhường đường thì hãy cứ bình thản mà bước lui.
Trong giao tiếp giữa người với người, chớ nên tính toán so đo cửa miệng, cũng chớ tranh cãi được thua với những kẻ không đáng tranh luận. Về những vấn đề không ảnh hưởng đến việc lớn, không mấy quan trọng thì hãy nhượng bộ, nhường một bước, nhẫn một chút, chớ để tình cảm xúi giục, hãy làm một người khí phách phong độ.
Khi đối diện với những hành vi chiếm lợi, những câu cười đùa châm chọc, đâu cần phải để nó trong tâm, đâu cần phải so đo tính toán với những người như thế? Nếu cũng so đo tính toán với họ thì bạn đã biến thành giống như họ rồi.
Nhẫn có thể giúp nội tâm thanh tĩnh, từ đó mà sinh ra trí huệ, cũng là bảo bối để đối nhân xử thế. (Ảnh minh họa Hàn Tín – một tấm gương về sự nhẫn nhịn trong lịch sử. Nguồn: Epoch Times)
Khiêm nhường hiển lộ nhân cách lớn
Trong Tăng Quảng Hiền Văn có viết: “Nhẫn một lúc trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao” (nguyên văn: “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh, thoái nhất bộ hải khoát thiên không”).
Khiêm nhường không phải là tôi sợ bạn, mà là ‘tôi tôn trọng bạn’. Không phải tôi không bằng bạn, mà là ‘tôi lượng thứ cho bạn’.
Khiêm nhường phản ánh tấm lòng của mỗi cá nhân, thể hiện ra nhân cách của cá nhân. Người lòng dạ nhỏ bé hẹp hòi, nhân cách nhỏ mọn thì việc gì cũng so đo tính toán, việc gì cũng muốn tranh phần chiếm phần.
Khổng Dung 4 tuổi biết nhường lê cho anh, đó là một loại khiêm nhường. Tình bạn giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha được thế nhân ngợi ca là do Bào Thúc Nha khiêm nhường. Khiêm nhường chính là có thể khách quan đánh giá bản thân, đứng tại góc độ của người khác để suy xét vấn đề.
Khiêm tốn cẩn thận mà tự khoe trí tuệ bản thân thì không phải là trí tuệ, trí tuệ khiêm nhường mới là đại trí tuệ. Tự khoe cái dũng của mình không phải là dũng, cái dũng khiêm nhường mới là đại dũng.
Khiêm nhường không phải là không để bạn xuất đầu lộ diện, việc gì cũng co đầu lùi lại phía sau, mà là muốn bạn đừng quá chấp trước, đừng cố đi vào ngõ cụt. Mỗi việc mà nhường nhịn một chút thì không cần thiết việc gì cũng phải tranh với người ta. Khiêm nhường là một loại tu dưỡng, hơn nữa còn là một loại nhân cách.
Nhẫn nại là một loại trí tuệ, khiêm nhường là một loại nhân cách. Học được nhẫn nại mới có thể trưởng thành, học được khiêm nhường mới có thể chín chắn.
Nam Phương-Theo Secret China