Đó là bán dẫn. Theo dự báo của Gartner , năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD trên toàn cầu và sẽ tăng mạnh tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây được đánh giá là ngành công nghiệp có vai trò chủ chốt, quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Mới đây, tại SEMIExpo Viet Nam 2024 , triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam (ngày 7 – 8/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bán dẫn là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với các quốc gia hiện nay. Đây là ngành công nghiệp lõi, mang lại giá trị cao. Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đang cải cách, cạnh tranh nhau rất quyết liệt để mau chóng trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp này.
Sớm nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nguồn nhân lực được xác định là vấn đề hết sức then chốt, hết sức đột phá, có thể gọi là “đột phá của đột phá” trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam đang nắm lợi thế. Chính phủ cũng ban hành chiến lược, đề án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
“Trước mắt, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phải tham gia trung tâm của công nghiệp bán dẫn, chúng ta phải có 50.000 kỹ sư cấp đại học trở lên và 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trước mắt, Việt Nam sẽ tham gia ngay vào công đoạn thiết kế và đóng gói, kiểm thử và sau cùng sẽ tham gia sâu hơn vào sản xuất. Trong lộ trình này, cần có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Đâu là lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn?
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ” Việt Nam có lợi thế lớn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực. Nước ta có khoảng trên 50% dân số dưới 30 tuổi, rất thông minh, giỏi toán, thích học STEM. Hơn nữa, mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 1,8 triệu người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trong đó, có nhiều người học trong ngành bán dẫn hoặc những ngành gần với ngành này. Những ngành gần này có thể chuyển đổi sang rất nhanh “.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện với tất cả các nước và vùng lãnh thổ hàng đầu về ngành bán dẫn trên thế giới, như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việt Nam cũng đã thu hút đầu tư từ các công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất chip như Intel, Samsung, Amkor, Foxconn.
Trong năm qua, Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Tập đoàn Nvidia đã tới Việt Nam, đồng thời đánh giá cao tiềm năng và cơ hội phát triển ngành bán dẫn của nước ta. Đây là điều rất thuận lợi cho Việt Nam khi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
” Chúng tôi tin tưởng rằng, với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên và mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc “, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngoài nguồn nhân lực, hiện nay, các nhà đầu tư khi đến Việt Nam hay các nước khác còn quan tâm 2 vấn đề, đó là chính sách về hạ tầng và môi trường đầu tư.
Các quốc gia trên thế giới đang “chạy đua”, nỗ lực hết mình để trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo Bộ trưởng: ” Đây có lẽ là cơ hội ngàn năm có một đối với Việt Nam để chúng ta phát triển nhanh và bền vững, dựa trên những lợi thế mà ngành bán dẫn mang lại cho nền kinh tế, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước “.
Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo SEMI dự báo, t hị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 , với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan, đồng hành cùng các doanh nghiệp, các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa các chương trình đào tạo và phần mềm hiện đại nhất vào giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung…
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025.
SEMIExpo Viet Nam 2024 (diễn ra ngày 7 – 8/11) là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam.
Triển lãm này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức. SEMIExpo Viet Nam 2024 đã thu hút sự tham gia của của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel… cùng với sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn, bao gồm như các viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo Minh Hằng-Theo Nhịp sống thị trường