Không ngờ người con nuôi lại khiến mẹ tôi được “nở mày nở mặt”.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, sống ở nông thôn. Bố mẹ tôi vì không có con trai nên thường bị người thân, hàng xóm dè bỉu. Ông bà nội không ưa chúng tôi nên 2 chị em tôi đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn.
Đến khi tôi 12 tuổi, bố tôi qua đời vì gặp tai nạn. Khi đang leo núi để hái lá thuốc, bố bị ngã và không may lăn xuống sườn núi, va đầu vào đá. Sau khi bố qua đời, gia đình tôi càng trở nên kiệt quệ. Mẹ tôi vất vả nuôi 2 con bằng đủ thứ việc chân tay. Tôi nhớ như in có những hôm, mẹ vừa địu em gái trên vai, vừa đi nhặt củi trong cánh rừng. Còn tôi ở nhà phụ mẹ các công việc như cắt cỏ, nấu ăn, giặt quần áo.
Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó. Thế nhưng ông bà nội vẫn không ưa mẹ, thường gây khó dễ cho mẹ. Dù sống trong một gia đình bí bách nhưng mẹ chưa bao giờ phàn nàn. Mẹ thường tâm sự: “Bố các con đã mất, mẹ cần gì phải quan tâm đến mọi người xung quanh. Mẹ chỉ mong sao 2 con học hành thành tài”.
Đứa trẻ trong nhà kho
Vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, 3 mẹ con chúng tôi nghe thấy những tiếng động lạ trong kho chứa củi sau nhà. Lúc đó là hơn 8 giờ tối, chúng tôi nghĩ là có mèo hoang hoặc có chuột. Nhưng mẹ lo lắng có trộm vào nhà, nghi có điều không lành nên đã mang đèn pin ra sau nhà kiểm tra.
Ba mẹ con tôi cùng nhau xuống nhà kho, càng gần đến nơi càng nghe rõ tiếng rên khóc. Khi đến gần hơn, âm thanh đột nhiên biến mất. Chúng tôi nhanh chóng bới đống cỏ khô, phát hiện bên trong có một đứa trẻ khoảng 8 – 10 tuổi. Thấy chúng tôi, đứa trẻ bật khóc: “Con không phải kẻ xấu, chỉ là con đang đói khát nên đi tìm đồ ăn. Xin đừng đánh con” . Nước mắt cậu bé lăn dài trên khuôn mặt.
Mẹ tôi tiến lại gần cậu bé, cứ ngỡ mẹ sẽ đuổi cậu bé đi nhưng bà đã nhẹ nhàng chạm vào trán cậu bé, nhẹ nhàng nói: “Con ngoan, đừng sợ, có chuyện gì hãy kể với cô” . Lúc đó tôi mới để ý cậu bé mặc chiếc áo trần bông cũ kỹ, người rất gầy có lẽ do thiếu ăn, trên tay nhiều vết bầm tím.
Hoá ra cậu bé là người làng bên. Cha mẹ cậu đã mất khi cậu mới lên 3 tuổi, cậu bé sống với bà ngoại kể từ đó. Đến khi lên 8 tuổi, bà cậu cũng qua đời, cậu bé về sống cùng với chú thím nhưng bị bạo hành, bị bỏ đói. Vì đói quá nên cậu đã phải đi ăn trộm đồ ăn,
Mẹ tôi nhìn cậu, nói với vẻ đầy thương hại: “Không trách con lại gầy như vậy, hoá ra con thường xuyên đói bụng”. Cậu bé với đôi mắt đỏ hoe, tay run run, nhỏ giọng: “Con đã trộm đồ ăn nhà cô, con xin lỗi. Xin cô tha thứ cho con”. Nói xong, cậu định rời đi nhưng mẹ tôi liền giữ lại. Mẹ muốn nhận cậu bé làm con nuôi, sống cùng gia đình tôi, không phải chịu cảnh bị bạo hành bởi chú thím và sẽ không còn phải đi trộm đồ ăn.
Đôi mắt cậu bé sáng rực, cậu nhìn mẹ tôi và cương quyết nói: “Cảm ơn cô đã cho con mái ấm. Con hứa sẽ không bao giờ ăn cắp bất cứ thứ gì nữa. Khi lớn lên, con sẽ báo đáp thật tốt cho cô”.
Rời bỏ quê hương
Tôi nghĩ việc nhận nuôi một đứa trẻ là chuyện đơn giản nhưng ông bà tôi kịch liệt phản đối. Đặc biệt là bà nội, bà chỉ vào mũi mẹ tôi mắng: “Con không nuôi được 2 đứa con, giờ lại còn nhận nuôi thêm đứa trẻ không rõ nguồn gốc. Mang ra ngay khỏi đây, nhà này không dung dưỡng người ngoài”.
Mẹ tôi và bà nội đã có trận cãi vã lớn. Mẹ tôi cầu xin bà nội bao dung. Cậu bé thấy vậy nỉ non: “Cô ơi, con sẽ rời đi. Con sẽ không làm phiền cô”. Nhưng không hiểu vì sao mẹ tôi cương quyết nuôi đứa trẻ đến như vậy, mẹ đã đưa ra quyết định táo bạo đó là bỏ nhà đi và dẫn theo 3 đứa con.
“Đứa trẻ này thật đáng thương, mẹ đặt tên mới cho em là Viên Viên. Nếu chúng ta không giúp Viên Viên, mẹ không tưởng tượng được cuộc sống của nó sau này sẽ khó khăn như thế nào. Người ta nói ‘cứu một mạng người còn hơn xây 7 toà tháp’. Vì thế, mẹ con chúng ta cùng nhau cố gắng nhé”, mẹ tôi trải lòng.
Tôi phải khâm phục lòng tốt và sự rộng lượng của mẹ nhưng cũng vì lòng tốt của mẹ mà gia đình chúng tôi có thêm một người đàn ông. Và sau này nhờ cậu bé, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh bần hàn.
Khi chúng tôi rời quê, cuộc sống thực sự khó khăn. May mắn chúng tôi gặp được người chủ nhà tốt bụng, cho thuê căn phòng lấy giá rẻ.
Mẹ tôi là người chăm chỉ, bà nhìn thấy mảnh đất rộng bị bỏ hoang phía sau nhà nên đã dọn dẹp và trồng rau theo mùa ở đó. Thời gian còn lại bà làm việc trong nhà máy. Để kiếm được nhiều tiền hơn, bà còn nhận thêm việc về nhà làm. Sau này thấy mẹ tôi vất vả, chủ nhà thương quá nên dạy mẹ tôi làm đậu phụ bán.
Mẹ tôi rất thông minh, khéo tay và học hỏi nhanh. Chỉ trong vài ngày, bà đã làm được món đậu phụ mềm và mịn. Cửa hàng nhỏ được mẹ tôi mở ra, nhiều khách hàng ủng hộ, việc buôn bán ngày càng phát triển. Sau này, mẹ tôi còn bán cả bánh bao hấp.
Nhờ sự chăm chỉ, tảo tần của mẹ nên gia đình chúng tôi bớt khó khăn. Cả 3 chị em tôi đều được đến trường học tập. Mẹ vẫn thường nói: “Tương lai của các con ở phía trước. Việc học là cơ hội tốt nhất đển con thay đổi vận mệnh nên chúng ta không thể từ bỏ bất kỳ cơ hội nào được đến trường”.
Cái kết viên mãn…
Viên Viên không phụ lòng mong đợi của mẹ. Cậu học hành chăm chỉ, thường đứng đầu lớp. Mẹ tôi chưa từng buồn bã, thất vọng khi nhìn bảng điểm của Viên Viên. Sau nàu, em trai tôi tốt nghiệp đại học top đầu, ra trường có công việc lương cao, phúc lợi tốt. Còn 2 chị em tôi trở thành giáo viên, công tác gần nhà. Đồng lương của chúng tôi không được bao nhiêu, mọi chi phí sinh hoạt đều trông cậy vào em trai.
Nhiều lúc thấy em trai làm việc căng thẳng, tôi hỏi thăm và em thường trả lời: “Vì gia đình, em cố gắng bao nhiêu cũng là chưa đủ. Cảm ơn mẹ và 2 chị đã cho em một mái ấm. Câu nói ‘mọi chuyện sẽ ổn thôi’ của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho em. Nếu không được mẹ cứu vào năm đó, chắc chắn em không có ngày hôm nay”.
Sau này, Viên Viên kết hôn với một cô gái nhân hậu, tốt bụng. Cô gái đó cũng rất thật thà, hiếu thảo với mẹ tôi. Mỗi khi trái gió trở giời, mẹ bị bệnh, em dâu lại sắp xếp công việc để về chăm sóc mẹ phụ 2 chị em tôi.
Một thời gian sau, chị em chúng tôi lần lượt kết hôn, mẹ về sống với vợ chồng Viên Viên. Vào cuối tuần hay những dịp lễ Tết, chúng tôi sẽ về thăm mẹ và các em, cùng quây quần sum vầy bên nhau.
Không ngờ cậu bé năm xưa mẹ cứu sống giờ trở thành trụ cột chính trong gia đình, hiếu thuận với mẹ, thay 2 chị em gái tôi chăm sóc mẹ. Khi chị em tôi gặp khó khăn về tài chính, Viên Viên cũng sẵn sàng hỗ trợ mà không nề hà, tính toán.
Theo Toutiao-Ứng Hà Chi-Theo TNV