Loại hình này phát triển giúp tăng kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Đó là kinh doanh hội thoại (trên ứng dụng Messenger của Facebook) để trao đổi giữa người bán và người mua. Trong khuôn khổ lễ khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta, nhận định rằng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về việc sử dụng phương thức kinh doanh hội thoại nhằm giao tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi The Boston Consulting Group (BCG) & Meta , tại Việt Nam, kinh doanh hội thoại đóng một vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng, với tỷ lệ tiếp nhận trung bình lên tới 70%.
Trên thực tế, có hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng các sản phẩm của Meta, từ Messenger, Instagram, Facebook mỗi ngày, thậm chí có thể là mỗi giờ trong ngày. Ngoài ra, có hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng nền tảng của Meta để kết nối với khách hàng mới, tương tác với bạn bè và gia đình cũng như đóng góp cho cộng đồng địa phương.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Forrester Consulting and Meta vào tháng 12/2022, các sản phẩm kinh doanh hội thoại có tác động tốt hơn 61% so với các kênh truyền thông đã được sử dụng trước đây.
Chẳng hạn, về doanh số bán hàng, giá trị đơn đặt hàng từ khách hàng cao hơn 22.1%. Nguyên nhân nhờ có sự giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua kinh doanh hội thoại. Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng chiến lược kinh doanh thông qua nhắn tin. Bởi vì việc này không chỉ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng mà còn tăng số lượng khách hàng trung thành, cũng như thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Kinh doanh hội thoại đang ngày càng trở nên phổ biến và giúp các doanh nghiệp kết nối nhiều hơn với người tiêu dùng.Ảnh minh họa
Hay mới đây nhất, theo một nghiên cứu của YouGov thực hiện dưới sự ủy nghiệm của Meta được công bố vào tháng 8/2024, Việt Nam là thị trường dẫn đầu về kinh doanh hội thoại trong các dịp “siêu sales”. Cụ thể, có tới 72% người mua sắm tại Việt Nam cho biết, họ đã nhắn tin cho một doanh nghiệp trong thời gian này.
Theo nghiên cứu này, kinh doanh hội thoại đang ngày càng được coi là một công cụ tăng cường kết nối cá nhân với các thương hiệu, nhất là đối với thế hệ Gen Z và Millennials. Theo đó, 56% cảm thấy có kết nối cá nhân với các thương hiệu mà họ có thể nhắn tin.
Việt Nam là đối tác quan trọng của Meta
Trong ngày 1/10, trao đổi với báo chí, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta, khẳng định Việt Nam tiếp tục là một quốc gia quan trọng đối với Meta. Đồng thời, ông chia sẻ các kế hoạch của Meta để mở rộng các mục tiêu hỗ trợ dành cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Theo Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta, kể từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị Thực tế Ảo Hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Việc này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất của Meta. Kế hoạch mở rộng trên dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm, cũng như đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Kế hoạch đầu tư của Meta ở Việt Nam còn mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI. Đặc biệt, Meta sẽ sớm tiến hành triển khai thử nghiệm Meta Al bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ Al của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương.
Theo tiết lộ của lãnh đạo Meta, ứng dụng Al dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm ở thị trường Việt Nam kể từ tháng 6/2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.
Đại diện lãnh đạo Meta cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng rằng, với đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam, nơi có 40% dân số dưới 45 tuổi và đang tạo ra hàng nghìn kỹ sư có trình độ cao, cùng với một nền văn hóa sáng tạo và khéo léo, trong những năm tới, những mô hình AI mã nguồn mở của Meta sẽ được ứng dụng một cách sáng tạo và hiệu quả.
Đặc biệt, ông Nick Clegg nhấn mạnh rằng, thông qua sự hợp tác với các tổ chức và nhân tài trong nước, Meta mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về phát triển Al ở trong khu vực và trên toàn thế giới.
Trong chuyến thăm này đến Việt Nam, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta cũng đã gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 30/9. Cuộc gặp này tập trung vào các lĩnh vực then chốt, bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, thúc đẩy phát triển AI và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo của Meta đã gặp gỡ lãnh đạo các Bộ, ngành, và tham gia các cuộc đối thoại với cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Meta trong tiến trình hỗ trợ Việt Nam phát triển để trở thành nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á.
Meta hiện là tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn trên thế giới. Tập đoàn phát triển và kinh doanh trên các nền tảng và ứng dụng trực tuyến như Facebook, Instagram, Whatsapp… Meta hiện có gần 71.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu đạt 134 tỷ USD vào năm 2023.
Theo Minh Hằng-Theo Nhịp sống thị trường