Chuyện gì đang diễn ra với huyền thoại làng startup Nhật Bản?
Tiền rẻ, đòn bẩy và công nghệ
“Nhật Bản đang trải qua cuộc biến động xã hội lớn nhất. Chúng ta hãy hành động để 100 năm sau, mọi người sẽ nhìn lại và nhớ rằng xã hội mà họ đang sống là do chúng ta tạo ra hôm nay”, Masayoshi Son tự hào tuyên bố trong một sự kiện khởi nghiệp năm 2000.
Những lời nói của Masayoshi Son là dễ hiểu khi SoftBank, tập đoàn do ông thành lập trước đó 20 năm đang tận hưởng thời kỳ thịnh vượng nhờ bong bóng dot-com. Bản thân Masayoshi Son cũng từng vượt qua Bill Gates trong giai đoạn này để trở thành người giàu nhất thế giới trong 3 ngày.
Cho đến hiện tại khi đã 67 tuổi, Masayoshi Son được coi như là một huyền thoại trong làng khởi nghiệp khi vươn lên từ cuộc sống nghèo khó và làm giàu nhờ đặt cược vào các startup.
Cựu biên tập viên Lionel Barber của tờ The Financial Times đã kể về cuộc đời của Masayoshi Son trong 335 trang sách “Gambling Man: The Wild Ride of Japan’s Masayoshi Son”, từ cậu bé nghèo khu ổ chuột Nhật Bản đến một đế chế 100 tỷ USD đầu tư mọi thứ.
“Đây là câu chuyện về thời đại của tiền rẻ, đòn bẩy (vay nợ) và công nghệ. Masayoshi Son đã cưỡi trên con sóng xu thế này và xâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội”, tác giả Barber nhận định.
Cuộc đời của Masayoshi Son được ví như huyền thoại tại Nhật Bản không chỉ vì ông kiếm hàng tỷ USD từ 2 bàn tay trắng, từng vượt mặt Bill Gates hay dẫn đầu xu thế startup mà là chuyện đời lên voi xuống hố của vị tỷ phú này.
Từng chứng kiến sự nghiệp đổ vỡ khi bong bóng dot-com sụp đổ vào năm 2000 để rồi gây dựng lại nhờ kiếm được hàng tỷ USD từ khoản đặt cược 20 triệu USD vào Alibaba của Jack Ma, cuộc đời của Masayoshi Son lại chứng kiến sự lao dốc lần nữa vì đại dịch Covid-19, sự suy tàn của startup cũng như việc Trung Quốc siết chặt ngành công nghệ.
Tệ hơn, canh bạc vào WeWork tốn kém hàng tỷ USD của Masayoshi Son càng khiến ông mất danh tiếng.
May mắn thay, sự hồi sinh của ngành công nghệ nhờ xu thế trí thông minh nhân tạo (AI) đã giúp huyền thoại Nhật Bản này sống sót một lần nữa.
Mùi phân lợn và than khói
Dù ước tính có khối tài sản trị giá gần 17 tỷ USD, sở hữu biệt thự sang trọng nhưng Masayoshi Son ban đầu sinh ra trong một gia đình cực kỳ nghèo khó ở Nhật Bản.
Nói chính xác hơn, vị tỷ phú này ra đời trong một khu ổ chuột với “mùi phân lợn, tiếng tàu hơi nước thải ra muội than và khói tràn ngập ngôi nhà tạm bợ là những ký ức thuở bé”. Ông nội của Masayoshi Son là người Triều Tiên bị bắt đến Nhật Bản trong thời Thế chiến II để làm thợ mỏ.
Bởi vậy tác giả Barber cho hay khi còn bé, Masayoshi Son phải trải qua giai đoạn nghèo đói, sống như một kẻ bị ruồng bỏ vì bị đối xử như công dân hạng 2 hậu Thế chiến II.
Cha của Masayoshi là Mitsunori Son đã xây một căn nhà tạm bợ trái phép trên đất của Tập đoàn đường sắt quốc gia Nhật Bản (JNR) khiến cả gia đình gặp rắc rối một thời gian.
Ông Mitsunori đã cố gắng nuôi thêm heo và gà vịt, đồng thời bán lậu rượu sake để kiếm tiền nuôi gia đình. Đây là giai đoạn mà Masayoshi Son phải đi xin thức ăn thừa của làng xóm về để nuôi gà lợn.
Nhờ tài kinh doanh nên ông Mitsunori có chút vốn, qua đó mở một doanh nghiệp cờ bạc dựa trên các máy chơi game pachinko, qua đó khiến gia đình trở nên khá giá, trở thành hộ đầu tiên mua được xe hơi trong vùng.
Sau này Mitsunori đã chuyển cả nhà sang nơi ở mới để người con Masayoshi có điều kiện giáo dục tốt hơn.
Thế rồi mọi chuyện bắt đầu khi Masayoshi Son sang Mỹ theo học tại Đại học California và chứng kiến bộ vi xử lý Intel 8080 trên tạp chí. Đây là lúc Masayoshi Son hiểu rằng tương lai công nghệ, chip bán dẫn và startup sẽ dẫn dắt xu thế toàn cầu.
Đây là tiền đề để Masayoshi Son thành lập SoftBank vào năm 1981 để rồi gặp gỡ những người nổi tiếng như Rupert Murdoch, Larry Ellison và Jack Welch nhằm thực hiện các vụ mua lại trị giá hàng tỷ USD sau đó.
Sau khi nền kinh tế Nhật Bản khủng hoảng, Masayoshi Son đã nhanh chóng mua lại hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ để bắt kịp xu thế bong bóng dot-com, ví dụ như Comdex, qua đó lướt trên con sóng vay nợ để làm giàu.
Dù kết thúc không suôn sẻ với sự sụp đổ của bong bóng dot-com, Masayoshi Son vẫn nhanh chóng đạt được thỏa thuận nhà mạng độc quyền tại Nhật Bản với Apple cho iPhone từ năm 2008 đến 2011.
Đây là giai đoạn khó khăn của Masayoshi Son khi phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần sau vụ sụp đổ dot-com.
Tay chơi 100 tỷ USD
Bước sang thập niên 2010, sau khi vực dậy từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Masayoshi Son bắt đầu hành trình đầu tư mới của mình.
Nhờ thành công từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2014 của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba mà Masayoshi Son có thêm nhiều mối quan hệ với nhà đầu tư Trung Đông, qua đó gọi vốn thành công 60 tỷ USD cho quỹ Vision Fund của mình.
Cuối cùng quỹ Vision Fund này huy động được gần 100 tỷ USD và Masayoshi Son bắt đầu cuộc náo loạn tại Thung lũng Silicon.
Tại thời điểm đó, các quỹ đầu tư thiên thần ở Thung lũng Silucon không lớn hơn vài tỷ USD nhưng SofBank lại sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều từ các vòng gọi vốn đầu, qua đó đẩy giá hàng loạt startup lên cao.
Mục tiêu của Masayoshi Son là đầu tư mạnh cho các startup để rồi thu lãi sau khi chúng IPO, tương tự như những gì Alibaba đã từng làm.
Tuy nhiên kể từ sau Alibaba, huyền thoại Nhật Bản dường như không còn gặp may nhiều nữa.
Mặc dù thành công mua lại công ty thiết kế chip Arm trị giá 32 tỷ USD vào năm 2016 và cổ phiếu hãng này đã tăng gần 200% kể từ khi được niêm yết lại vào năm ngoái nhưng Masayoshi Son vẫn trở thành nạn nhân của bom xịt WeWork.
Hàng tỷ USD của Masayoshi Son đã bị tiêu tốn vào startup công nghệ trá hình này khi hãng sụp đổ, khiến SoftBank phải tiêu tốn thêm 9,5 tỷ USD cứu trợ vào năm 2019 nhưng vẫn không thành công.
Thế rồi Wirecard do SoftBank hậu thuẫn đã sụp đổ sau khi tờ Financial Times tiết lộ vụ gian lận quy mô lớn ở đây. Một công ty khác mà Masayoshi Son đầu tư là Greensill Capital cũng đóng cửa khiến Vision Fund mất trắng khoản tiền 1,5 tỷ USD.
Sau hàng loạt những canh bạc thất bại, nhiều nhà phê bình cho rằng thành công của Masayoshi Son chỉ là do ăn may và huyền thoại này đang trở thành “con bạc khát nước” khi tiếp tục nướng tiền vào startup.
Thậm chí chính bản thân huyền thoại này cũng thừa nhận bên trong mình là một người có tầm nhìn xa trông rộng cùng tồn tại với “một kẻ nghiện cờ bạc”.
May mắn thay, sự trỗi dậy của ChatGPT và AI đã khiến dự án Arm của Masayoshi Son thành công, kéo lại những bàn thua của huyền thoại này.
Tuy nhiên bản thân Masayoshi Son bị coi là quá chậm chạp khi chẳng hề đầu tư vào các startup tiềm năng như OpenAI (cha đẻ ChatGPT) hay Anthropic khi Arm IPO thành công vào tháng 9/2023, qua đó khiến SoftBank có đầy đủ tài chính hơn.
Tệ hơn vào năm 2019, SoftBank còn bán gần 5% cổ phần tại Nvidia, gã khổng lồ về chip hiện có giá trị hơn 3 nghìn tỷ USD.
Rõ ràng, nhà đầu tư đang nghi ngờ về tầm nhìn của Masayoshi Son cũng như khả năng tiên tri của huyền thoại Nhật Bản này.
*Nguồn: BI-Băng Băng-Theo Nhịp sống thị trường