Khởi nghiệp ngót nghét cũng hơn 1 thập kỷ, sở hữu 12 chi nhánh và hứa hẹn mở rộng kinh doanh lên 30 cửa hàng trong năm 2029, nhưng khi tìm kiếm cái tên “Lê Đăng Thiện” – Founder/ CEO của chuỗi cửa hàng sửa chữa điện thoại FASTCARE, kết quả trả về ít đến bất ngờ.
Không bài phỏng vấn, suốt 11 năm khởi nghiệp anh Thiện gần như không xuất hiện trên tất cả các kênh báo chí, truyền thông bởi lý tưởng sống “Làm tốt hơn nói tốt”. Nhưng thời gian về sau, khi công ty dần đi vào ổn định, giải quyết được những vấn đề khách hàng gặp phải, anh dần cởi mở hơn khi nói về hành trình và lý do lập nghiệp của mình để phần nào truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Thông tin ít ỏi về vị CEO ở ẩn
Xuất thân từ gia đình thuần nông nhưng ba mẹ luôn tạo điều kiện cho 4 anh em trai được học Đại học đến nơi đến chốn. Vào năm cuối khi còn là sinh viên ngành Khoa học Kỹ thuật ở trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, anh đã tranh thủ đi làm bồi bàn, đi giao nước kiếm thêm thu nhập.
Hồi tưởng lại quá khứ, anh tự hào kể: “Ngày xưa, một mình anh bê 2 tay 2 bình nước, mỗi bình 20 lít leo lên tận 5 tầng nhưng không biết mệt là gì. Tiền công 2 ngàn/bình, ngày nào không làm bài thì anh đi bê cứ vậy mỗi tháng cũng lãnh được 4 triệu 600 nghìn đồng”.
Đâu ai ngờ rằng, chàng sinh viên kỹ thuật năm đó, bây giờ đã trở thành ông chủ của 12 cửa hàng và chắc chắn sẽ nhiều hơn thế nữa.
2013 – 2015: Từ tay trắng làm nên món nợ 500 triệu
Sau khi ra trường, anh phối hợp với anh trai ở Hàn Quốc nhập điện thoại về bán cho các cơ sở nhỏ lẻ. Nhận thấy thị trường tiềm năng, năm 2013 anh vay anh trai hơn 200 triệu mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên. Nhưng đời không như là mơ, càng bán càng lỗ, anh phải xả hàng và ôm về món nợ lên tới 500 triệu.
Nghi ngờ bản thân, anh em mâu thuẫn, anh Thiện tâm sự: “Lúc đó mình chỉ đứng 1 góc, ứa nước mắt nhưng cái tôi của một thằng đàn ông mình không chấp nhận thua cuộc như vậy”. Và quyết tâm tìm ra đường hướng kinh doanh mới cũng mở ra từ đó.
Trong thời gian buôn bán, anh nhận ra sự phát triển của thị trường smartphone cũng đi kèm với dịch vụ sửa điện thoại tăng cao. Ngoài tự học, tự mày mò để sửa những lỗi đơn giản như thay pin, thay loa,…anh đi học thêm và nhập máy móc về để sửa những lỗi khó hơn như ép kính. Và từ đó cửa hàng sửa điện thoại FASTCARE đầu tiên cũng ra đời.
Nghe mở cửa hàng là vậy, nhưng cái gì anh cũng không biết, tư duy kinh doanh thì mơ hồ, nhân sự cũng không biết quản lý.
2015 – 2017: Giai đoạn bén rễ của FASTCARE
Anh nâng tổng số cửa hàng lên là 3 vì nhận thấy thị trường này rất tiềm năng, nhu cầu của khách sửa chữa vô cùng cao. Tuy nhiên những thứ liên quan đến chiến lược kinh doanh anh Thiện vẫn hoàn toàn mù tịt.
Sợ “mình không biết những thứ mình không biết”, hay còn gọi là điểm mù trong kinh doanh, nên anh quyết định đi học để mở mang đầu óc. Anh học Quản trị kinh doanh, học Marketing, cứ đụng vấn đề là anh học và thử nghiệm ngay vào cửa hàng.
Làm dịch vụ thì chỉ mong khách hàng có trải nghiệm tốt nhất, thời gian đầu vận hành để có thể cải tiến hơn về dịch vụ, anh làm tất cả vị trí từ ngồi trực điện thoại của CSKH, hoặc liên hệ từng khách sau 1 tuần sửa chữa để hỏi về trải nghiệm của họ xem họ có hài lòng không.
“Mình phải tự nghe thì mới hiểu được”, anh Thiện bộc bạch. Từ đó đúc rút ra mong mỏi của khách, anh lại lục tìm những nhà cung cấp chất lượng, để nâng cao dịch vụ.
Giai đoạn đại dịch Covid 2019-2020: Trong cái rủi có cái may
Giai đoạn này, FASTCARE mở rộng lên 6 cửa hàng. Đầu tư vào nhân sự, Marketing và tạo ra quy trình làm việc chuẩn chỉnh hơn. Tuy nhiên, bất ngờ đại dịch ập tới, khiến cửa hàng phải đóng trong mấy tháng. “Cũng may, đợt đó chủ nhà giảm tiền, anh cố gồng gánh vài tháng đảm bảo đủ lương cho nhân viên. Qua dịch thị trường mở cửa lại, nhu cầu sửa chữa tăng cao, công ty được đà phát triển mạnh”, anh Thiện giãi bày.
“Câu chuyện mà anh nhớ nhất, ấn tượng nhất đến tận bây giờ là tìm được đường đi đúng nhất cho công ty.”
Khi được hỏi, trong suốt những năm xây dựng công ty điều gì làm anh ấn tượng mà nhớ đến tận bây giờ.
Anh Thiện trả lời: “Câu chuyện mà anh nhớ nhất, ấn tượng nhất đến tận bây giờ là tìm được đường đi đúng cho công ty. Ngày xưa anh chỉ có ném đá dò đường, đi đến đâu làm đến đó, không kế hoạch, không lộ trình. Suốt 6 năm liền, anh nhìn những ông lớn như TGDĐ mà thèm, xong đâm ra buồn. Anh không biết làm sao để từ khách hàng, đến nhân viên, đến cả chú bảo vệ cũng vui vẻ, niềm nở khi đón khách. Bản thân mỗi nhân viên đều hài lòng với mức thu nhập của mình. Thời gian sau, nhờ một clip trong khóa học online tình cờ xem được, anh nhận ra tập trung vào trải nghiệm, cảm nhận của khách hàng mới là giá trị cốt lõi”.
Từ đó FASTCARE bắt đầu xây dựng lại quy trình thật chuẩn, nhập linh kiện tốt nhất để mang lại cho khách sự hài lòng tuyệt đối.
Để công ty tồn tại bền vững điều đầu tiên phải làm cho khách hàng an tâm
Không nói đâu xa, bản thân anh khi mang máy đi sửa cũng sợ vì không biết linh kiện bên trong có còn nguyên không, dữ liệu cá nhân, dữ liệu về công việc có bị ai xem không. Anh cho rằng: “Cho dù một nơi sửa có liêm đến đâu, mà chỉ nói miệng thì ai mà biết được sự thật như thế nào”.
Từ đó, anh và những cộng sự quyết định làm mới lại văn hóa doanh nghiệp với sứ mệnh mang lại sự an tâm cho khách hàng.
Thay vì theo đuổi vị trí đầu ngành, FASTCARE chọn theo đuổi chất lượng. Dù ít cửa hàng nhưng chất lượng dịch vụ ở bất kỳ nơi nào cũng phải đạt chuẩn.
Khác với những địa chỉ sửa chữa truyền thống, FASTCARE công khai quy trình sửa chữa từ A-Z. Nhận thấy nhiều khách hàng dần mất niềm tin khi phải gửi điện thoại, thiết bị có chứa quá nhiều dữ liệu mật, đời tư cá nhân của mình cho kỹ thuật viên. FASTCARE chuyển đổi quy trình thành sửa chữa trước mặt khách, để ai ai cũng có thể xem trực tiếp toàn bộ quá trình sửa chữa.
Tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp cho anh em
Không chỉ là nơi sửa điện thoại FASTCARE còn đào tạo học nghề cho người mới và tổ chức những khóa nâng cao liên tục cho người cũ.
Anh Cường (35 tuổi, Kỹ thuật viên) cho hay: “Gắn bó với FASTCARE 8 năm liền, nghề sửa điện thoại đã giúp anh nuôi sống cả gia đình ở thành phố HCM đắt đỏ này”.
Công việc không quá áp lực, tuy nhiên nghề nào cũng có cái khó riêng. Đối với nghề sửa máy, cái khó ở đây bắt buộc mỗi KTV phải học tập không ngừng, vì mỗi năm đều ra điện thoại mới. Ngoài sửa điện thoại ra, còn phải rành sửa cả máy tính, Airpods, Apple Watch,… Đối với những bạn trẻ chăm chỉ, muốn hiểu hơn về đồ điện tử thì không thể bỏ qua ngành “hot” này.
Đến thời điểm hiện tại FASTCARE đã sở hữu 12 cửa hàng, dù còn nhiều cột mốc chưa đạt được nhưng sứ mệnh mang đến dịch vụ sửa chữa chất lượng cho khách và công việc thu nhập tốt cho nhân viên cũng khiến anh Thiện phần nào mãn nguyện.
Qua những lời bộc bạch của anh Lê Đăng Thiện có thể thấy dù tình huống có tệ đến đâu anh cũng nhìn ra được mặt tích cực trong đó và chưa bao giờ ngừng học tập để phát triển công ty.
Khi nhìn vào con đường mà anh Thiện đi qua nghe không rực rỡ hay bấp bênh như những ông chủ tập đoàn nghìn tỷ nhưng ít ra ai trong chúng ta cũng nhìn thấy được sự lạc quan và nỗ lực không ngừng học tập, phát triển của người lãnh đạo này.
Ánh Dương-Theo Phụ nữ số