Người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và khát khao học tập đã khiến ngay cả những lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu cũng phải thán phục.
Cường quốc AI
“Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản hóa rồng. Vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hóa rồng?”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ.
Rõ ràng công nghệ AI hiện không chỉ là xu hướng mà còn đang trở thành cuộc chạy đua khốc liệt, khi mọi quốc gia đều đặt mục tiêu trở thành “AI Nation” – siêu cường về AI.
Trên thực tế, Việt Nam đã sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước dẫn đầu về AI trong khu vực ASEAN vào năm 2025, xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực.
Báo cáo “Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ 2023” của Oxford Insights cho thấy chỉ sau hơn 2 năm, vị trí của Việt Nam đã tăng từ 62/181 lên 59/193 quốc gia và vượt qua Philippines để đứng thứ 5/10 tại khu vực ASEAN.
Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 54,48, đánh dấu 3 năm liên tiếp vượt ngưỡng trung bình của thế giới.
Đồng quan điểm, “Tôi tin tưởng rằng VN sẽ trở thành cường quốc về AI tạo sinh” là những gì mà Tổng giám đốc Eric Yeo của Amazon Web Services Việt Nam cũng đã phải thừa nhận trong sự kiện “AWS Cloud Day Vietnam” mới được tổ chức gần đây.
“Ở VN, tinh thần khởi nghiệp rất là mạnh mẽ, thêm vào đó rất nhiều người khao khát học tập về AI tạo sinh cũng như là công nghệ mới. Họ muốn đảm bảo có thể gây dựng được một mô hình kinh doanh mới có tận dụng AI tạo sinh, cộng đồng khởi nghiệp tại VN cũng rất là mạnh”, Tổng giám đốc Yeo nói thêm.
Thật vậy, Báo cáo của Oxford Insights cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế có vị trí thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ với lợi thế dân số trẻ khi 67,5% người dân trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.
Do đó, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn đi đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “hóa rồng, hóa hổ”.
“Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo ra cơ hội cho một số quốc gia bứt phá vươn lên, hóa rồng, hóa hổ nhưng chỉ là số ít, đó là số ít, đó là những nước dũng cảm tiên phong đi đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng phân tích chuyển đổi số là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn giúp nền kinh tế Việt Nam “hóa rồng”, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thậm chí theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một doanh nghiệp vĩ đại là một doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận để thực hiện sứ mệnh, “để cho đất nước này hóa rồng, hóa hổ, để Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, để Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.
Báo cáo của e-Conomy SEA tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024 cho thấy Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%).
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 cho thấy kinh tế số đóng góp 16,5% vào GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Tương tự, Tổng giám đốc Yeo cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam thực sự đang phát triển nhanh chóng và được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi số, vốn đang mang lại lợi ích cho tất cả các ngành. Ví dụ, phía IDC ước tính rằng vào năm 2024, các công ty tại Việt Nam sẽ chi 803 triệu USD cho các dịch vụ đám mây công cộng.
Đặc biệt, mảng dịch vụ tài chính đang đi đầu trong quá trình đổi mới này và Việt Nam nổi lên như một điểm sáng tại Đông Nam Á trên con đường ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI).
Việt Nam- Địa điểm lý tưởng
Ngành dịch vụ tài chính là một trong những ngành tiên phong và tích cực ứng dụng AI tạo sinh trong hoạt động kinh doanh. Theo McKinsey, ngành ngân hàng trên toàn cầu được dự báo sẽ tạo thêm từ 200 đến 340 tỷ USD giá trị hàng năm.
“Nhìn về Việt Nam, chúng tôi cũng quan sát thấy ngành dịch vụ tài chính là một trong những ngành chi tiêu mạnh nhất cho AI tạo sinh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Việt Nam”, Tổng giám đốc Yeo của AWS nói.
Báo cáo thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 của Visa cho thấy 89% số người được hỏi đang sử dụng thanh toán bằng ví điện tử.
Ngoài ra, 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) tại Việt Nam hiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và 80% trong số các doanh nghiệp này đã báo cáo rằng điều này đã dẫn đến tăng doanh thu. Dữ liệu này làm nổi bật một xu hướng đáng kể, đặc biệt là khi xét đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động của mình”, Giám đốc sản phẩm Daniel Stacey của TymeX phát biểu trong hội thảo.
Theo ông Stacey, TymeX đã có các nhóm phát triển trên khắp thế giới nhưng hiện họ tin rằng Việt Nam mới là điểm đến lý tưởng nhờ tài năng và trình độ nhân lực ở đây.
Cụ thể, chất lượng sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp tại các trường đại học khá tốt với chi phí hợp lý, thêm vào đó là tinh thần ứng dụng kỹ thuật công nghệ ở mức độ “chưa từng được trải nghiệm” mà TymeX từng chứng kiến ở những nước họ từng phát triển sản phẩm.
“Sự nhiệt tình và sẵn sàng thử nghiệm tại Việt Nam quả là phi thường và tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục, qua đó tạo được thành công trong bất kì lĩnh vực công nghệ mới nào”, giám đốc Stacey cho hay.
Tổng giám đốc Eric Yeo của AWS, CIO Augustine Wong của VPBank và Giám đốc sản phẩm Daniel Stacey của TymeX
Đồng quan điểm, CIO Augustine Wong của VPBank cũng phải thừa nhận nhân viên của mình luôn háo hức thử những điều mới với sự khát khao khám phá, tìm tòi gần như không thể thỏa mãn.
“Ví dụ, chúng tôi đã tạo ra khoảng 800 ý tưởng đổi mới khác nhau, một số trong đó liên quan đến công nghệ AI”, ông Wong cho hay.
Trong khi đó, giám đốc Yeo của AWS dựa trên quá trình làm việc với khách hàng đã nhận định rằng việc ứng dụng AI tại Việt Nam đang diễn ra cực kỳ nhanh chóng.
“Xin lỗi, tôi không có nhiều hiểu biết sâu sắc về các quốc gia khác nhưng tôi biết rằng việc ứng dụng AI tại Việt Nam đang rất nhanh chóng”, Tổng giám đốc Yeo cho biết.
Rõ ràng, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn công nghệ khi có nguồn nhân lực chất lượng, tốc độ ứng dụng công nghệ nhanh chóng và đặc biệt là một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
“Đây là thời điểm thích hợp cho Việt Nam”, Tổng giám đốc Yeo của AWS kết luận.
Băng Băng-Theo Nhịp sống thị trường