Đây là ngành học mang khá nhiều định kiến của các bậc phụ huynh, nhưng khi tìm hiểu kĩ sẽ thấy nó có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
“Về nhà không lo học bài, suốt ngày chỉ biết chơi game” – đây có lẽ là câu cửa miệng của các bậc phụ huynh, bất kể ở quốc gia nào. Trước đây, việc chơi game trong mắt mọi người chỉ là một thú tiêu khiển vô bổ, dễ gây nghiện và có hại nhiều hơn lợi. Nhưng hiện nay, khi nó đã được xem là một môn thể thao với các giải đấu chính quy mang tầm quốc tế, một nghề hái ra bộn tiền được đào tạo bài bản, thì có lẽ nhiều người sẽ phải nghĩ lại.
Thu nhập cao ngất ngưởng nhưng thiếu nhân lực trầm trọng
Những năm gần đây, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam đều đẩy mạnh phát triển ngành Thể thao điện tử (Esport). Các tuyển thủ được săn đón, có lượng người hâm mộ đông đảo không kém nghệ sĩ và có mức thu nhập cao ngất ngưởng.
Mức lương của những tuyển thủ chuyên nghiệp hàng đầu có thể lên tới hàng triệu NDT, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thành tích. Các tuyển thủ nổi tiếng còn có thể kiếm được rất nhiều tiền thông qua việc nhận quảng cáo và ký hợp đồng phát sóng trực tiếp. Truyền thông Hàn Quốc từng tiết lộ, mức lương của tuyển thủ Esport nổi tiếng Faker (Lee Sang-hyeok) là 7 tỷ won/năm (tương đương khoảng hơn 130 tỷ VND), chưa tính các hợp đồng quảng cáo và các hoạt động khác.
Faker (Lee Sang-hyeok), tuyển thủ Esport hàng đầu thế giới, có danh tiếng và mức thu nhập đáng mơ ước
Theo tờ Nhật báo Quang Minh của Trung Quốc, chính quyền các địa phương ở nước này liên tục đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ cho ngành Thể thao điện tử. Tại Thâm Quyến, các sự kiện hay giải đấu cấp quốc gia và quốc tế sẽ nhận được 5 triệu NDT ( hơn 17 tỷ đồng) tiền hỗ trợ.
Theo dữ liệu công bố năm 2022, doanh thu của ngành thể thao điện tử Trung Quốc là 144,5 tỷ NDT (hơn 500 nghìn tỷ đồng) và có khoảng 488 triệu người dùng thể thao điện tử. Từ đó có thể thấy ngành này đang phát triển đến mức chóng mặt thế nào tại đất nước tỷ dân.
Tuy là ngành cực hot nhưng Viện Khoa học Nhân sự Trung Quốc cho biết, nước này vẫn đang thiếu hơn 1 triệu tài năng cho lĩnh vực Esport. Việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng khiến các bậc phụ huynh phải nhìn nhận lại về công việc này, khi chơi game đúng cách giờ đây còn có thể mang lại thu nhập cao và sự nổi tiếng cho người theo đuổi nó.
Vào đại học top đầu để… chơi game
Khi Trung Quốc tập trung phát triển bộ môn Thể thao điện tử và đưa ngành này vào đào tạo bài bản ở các trường đại học, các học sinh nước này bắt đầu có thêm nhiều lựa chọn hơn cho tương lai của mình. Không phải trường nghề hay cao đẳng, bạn sẽ có cơ hội bước chân vào các trường đại học hàng đầu để thỏa mãn đam mê chơi game của mình.
Hiện nay, nhiều ngôi trường danh tiếng như: Đại học Truyền thông Trung Quốc, Đại học Truyền thông Nam Kinh, Học viện Hý kịch Thượng Hải…đều đã mở các chuyên ngành liên quan để bồi dưỡng các tài năng Thể thao điện tử.
Không chỉ ngồi một chỗ và dán mắt vào màn hình máy tính, bạn còn có thể lựa chọn những lĩnh vực chuyên môn khác cũng đang “khát” nhân lực như: Phân tích Thể thao điện tử, bình luận viên Esport, thiết kế sân khấu Esport, quản lý Thể thao điện tử…
Những người có đam mê theo đuổi Thể thao điện tử chuyên nghiệp, hầu hết đều sẽ hướng đến những cuộc thi lớn ở trong phạm vi quốc gia của họ và vươn ra quốc tế. Để làm được điều này, họ cũng cần được định hướng từ sớm, trải qua các quá trình đào tạo chính quy để có thể phát triển các kỹ năng của mình.
Tại Việt Nam, ngành Thể thao điện tử cũng gặp phải tình trạng thiếu đến 30.000 nhân lực. Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) có chuyên ngành Thiết kế và Phát triển Game, Trường Đại học Công nghệ và quản lý Hữu nghị (UTM) mới đây cũng đã trở thành ngôi trường đầu tiên ở nước ta đào tạo chuyên ngành Esport, kỳ vọng sẽ giải được bài toán “khát” nhân lực cho ngành.
Các chuyên ngành liên quan đến Thể thao điện tử (Esport) đang được giảng dạy tại các trường đại học Trung Quốc:
- Quản lý đội tuyển Esport: Bao gồm lựa chọn tuyển thủ, xây dựng kế hoạch tập luyện, tư vấn tâm lý, phân tích chiến thuật…
- Tổ chức và vận hành thi đấu Thể thao điện tử: Lập kế hoạch sự kiện, sắp xếp lịch trình, bố trí địa điểm, triển khai nhân sự, kiểm tra lỗi thiết bị…
- Phát sóng và bình luận trực tiếp: Thực hiện các bài tập bình luận và phát sóng trực tiếp các trận đấu Thể thao điện tử thực tế để trau dồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ, khả năng hiểu trò chơi và khả năng thích ứng tại chỗ học viên.
- Phân tích dữ liệu trò chơi: Bằng cách thu thập, tổ chức và phân tích dữ liệu trong các game Esport, để hỗ trợ việc xây dựng chiến lược đội, đánh giá hiệu suất của người chơi…
- Ngoài ra, còn có các môn học như sản xuất chương trình thể thao điện tử, vận hành địa điểm thể thao điện tử, tiếp thị thể thao điện tử, trọng tài trong thể thao điện tử, đào tạo dự án thể thao điện tử và thực hành kinh doanh thể thao điện tử.
(Theo GMW.cn, the paper)-Nguyên An–Đời sống pháp luật