Musang King không còn như xưa chỉ vì phục vụ khẩu vị người Trung Quốc.
Musang King, giống sầu riêng cao cấp nhất nhì thị trường, đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan mang tên “hương vị”. Một số nông dân đang cho là chủ đích biến đổi hương vị của Musang King nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường, song điều này vô hình chung lại gây khó chịu cho các fan cứng yêu thích vị truyền thống.
Theo The Star, nhiều nông dân trồng sầu riêng đang điều chỉnh hương vị của Musang King để giúp quả thêm ngọt hơn và giảm bớt vị đắng đặc trưng vốn có. Mục đích sau cùng là chiều lòng người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo Trung tâm nghiên cứu Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia, khoa học đằng sau sự biến đổi hương vị như vậy rất phức tạp, song vẫn có thể đạt được. Tiến sĩ Zulhazmi Sayuti giải thích rằng công cuộc biến đổi gen sầu riêng giúp giảm vị đắng rất phức tạp.
“Khả năng thực hiện đã được chứng minh ở các loại cây trồng khác; tuy nhiên, việc xác định chính xác gen và đảm bảo các đặc trưng khác của quả không bị ảnh hưởng là một thách thức”, ông nói với The Star và cho biết glycoside như saponin góp phần tạo nên vị đắng trong sầu riêng. Bất kỳ thay đổi di truyền nào cũng nên xem xét quy định cũng như đạo đức nghề nghiệp.
“Malaysia duy trì chính sách nghiêm ngặt về biến đổi gen, đảm bảo an toàn trong khi thúc đẩy các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học”, ông nói thêm.
Tại Malaysia, sầu riêng Musang King được phân loại thành loại non (cây dưới 20 năm) và loại già (trên 20 năm). Hương vị thay đổi tùy theo độ tuổi của cây, với những cây già hơn sẽ cho ra quả có vị đắng hơn.
Nỗ lực thay đổi hương vị của Musang King đã gây nhiều chú ý. Tổng thư ký Hiệp hội sản xuất sầu riêng Datuk Anna Teo than thở rằng nhiều loại sầu riêng Musang King trên thị trường hiện nay không còn như trước nữa vì màu sắc và hương thơm bị “pha loãng”. Trọng tâm nên là chất lượng của quả, thay vì độ ngọt.
Mặc dù kỹ thuật và phương pháp canh tác đã được cải thiện, song nông dân được khuyến cáo không nên điều chỉnh hương vị của quả quá mức. Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia Datuk Lawrence Ting Siew Haw cho biết nông dân cần cải thiện cây và quả thông qua các phương pháp bón phân hợp lý để đạt được chất lượng vượt trội.
“Vì không thể sản xuất quả tại nhà máy, nên nông dân phải dựa vào phân bón hữu cơ để cải thiện hương vị sầu riêng”, ông nói và cho biết sầu riêng Malaysia, khác với sầu riêng vị ngọt của Thái Lan, có hậu vị hơi đắng. Đặc điểm này bắt nguồn từ điều kiện khí hậu và đất đai.
Tuy nhiên, khẩu vị người tiêu dùng nước ngoài lại khác biệt. Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Pahang Lee Pit Kheong cho biết những người lần đầu nếm thử Musang King từ Trung Quốc đã phàn nàn về vị đắng. Họ thậm chí còn nghĩ có thể chúng đã bị hỏng.
Stephen Chow, một chủ vườn sầu riêng với hơn 30 năm kinh nghiệm, lưu ý rằng nhà xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh sự lựa chọn để đáp ứng sở thích về độ ngọt của người tiêu dùng. Đây là một thông lệ kinh doanh tiêu chuẩn.
“Ví dụ, trong một vườn cây ăn quả, nông dân biết cây nào dưới 10 năm tuổi và cây nào là cây trưởng thành 20 năm. Nếu thị trường ưa chuộng giống sầu riêng ngọt hơn, chúng tôi sẽ xuất khẩu sầu có độ ngọt cao hơn”.
Được biết, Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp Liên bang (Fama), trực thuộc Bộ Nông nghiệp và An ninh Lương thực, đã tạo điều kiện cho Musang King mở rộng thị trường kể từ khi Malaysia bắt đầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào năm 2011. Năm 2018, Malaysia được chấp thuận xuất khẩu sầu riêng đông lạnh nguyên quả và bắt đầu từ tháng trước, sầu riêng tươi nguyên quả đã được bán sang Trung Quốc.
Tổng giám đốc Fama Abdul Rashid Bahri cho biết Musang King luôn là mục tiêu của phân khúc thị trường cao cấp. Nhiều nông dân chịu trồng giống sầu riêng này cũng vì lợi nhuận mà nó mang lại.
Gần đây, Thái Lan cũng đang gia tăng đưa các loại sầu riêng Musang King tươi chinh phục thị trường Trung Quốc bên cạnh những loại sầu riêng truyền thống. Theo Ngân hàng HSBC, Trung Quốc chiếm đến 91% nhu cầu sầu riêng toàn cầu. Sầu riêng được người dân tiêu thụ ngày càng mạnh, từ sầu riêng tươi, đông lạnh và được ngành công nghiệp chế biến thành nhiều sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm, đồ uống…
Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu đến 6,7 tỷ USD sầu riêng. Bản thân nước này cũng đang tham vọng trồng sầu riêng thành công trong nước để giúp hạ nhiệt về giá, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là liệu người tiêu dùng có thấy ngon miệng hay không khi so sánh chúng với sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á.
Theo SCMP, người tiêu dùng có thể phải trả khoảng 349 nhân dân tệ (50 USD) cho 7kg (15lbs) sầu riêng từ Việt Nam trên trang thương mại điện tử JD.com, tuy nhiên, phải đặt hàng trước. Sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia có thời điểm còn cháy hàng trên siêu thị Tmall, nền tảng mua sắm trực tuyến do Taobao điều hành.
Theo: The Star, SCMP-Vũ Anh- Nhịp sống thị trường