Ngoài các khu vực đã được điều tra, đánh giá, thăm dò, Bộ TN-MT phát hiện trong nhiều khu vực ở Việt Nam có tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến trữ lượng khoáng sản chiến lược.
Sáng 5-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược của Việt Nam và thăm dò một số diện tích có triển vọng (Đề án).
Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết các khoáng sản chiến lược, trong đó có đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong nhiều ngành công nghiệp mới nổi như làm vật liệu nam châm vĩnh cửu, vật liệu quang học, vật liệu siêu dẫn dùng để sản xuất các pin, linh kiện điện tử quan trọng, như điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, ôtô điện, thiết bị hàng không vũ trụ và đặc biệt nhất là công nghiệp quốc phòng.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về tài nguyên và trữ lượng khoáng sản chiến lược lớn trên thế giới.
Ngoài các khu vực đã được điều tra, đánh giá, thăm dò và kết quả một số đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã phát hiện trong nhiều khu vực có tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến trữ lượng khoáng sản chiến lược.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, nhất là đất hiếm, của thế giới, cần có đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược, xác lập cơ sở dữ liệu đầy đủ, làm căn cứ để xây dựng chiến lược, khung chính sách quản lý và sử dụng khoáng sản chiến lược phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược của Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ mang tính tổng thể và chiến lược đối với ngành công nghiệp khai khoáng của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai một số dự án thí điểm trong thăm dò, điều tra, khai thác, chế biến, sử dụng, với trọng tâm là lựa chọn công nghệ, đối tác chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp đối với các tài nguyên khoáng sản chiến lược.
Đặc biệt, khoáng sản chiến lược là tài nguyên đặc biệt quý hiếm nên cần cơ chế, chính sách quản lý đặc biệt.
Theo Thùy Linh–Người lao động