Không phải nghèo tiền bạc, nghèo tư duy mới là thủ phạm nhấn chìm cuộc đời trong sự khốn khó.
Ở tuổi 35, khi đã gặp gỡ đủ kiểu người trên đời, từ giới siêu giàu tới tầng lớp thượng lưu – trung lưu, và cả những người trạc tuổi mình mà vẫn ăn bám người nhà dù sức dài vai rộng, tôi mới càng thấm thía câu nói: “Chúng ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể quyết định cách mình sẽ sống”.
Có người xuất thân trong gia đình thuần nông, đông anh em, tuổi thơ có bao nhiêu lần được mặc quần áo mới, bao nhiêu bữa được ăn cơm có thịt, họ đều nhớ hết, đơn giản vì đó là chuyện hiếm khi. Sau này, bằng nỗ lực tự thân, họ dần thoát nghèo, bản thân có cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn, không những tự lo được cho mình mà còn lo được cho bố mẹ.
Có những người xuất thân trong gia đình trung lưu khá giả, có của ăn của để, nhưng đến tận năm 35 tuổi vẫn phải ngửa tay xin tiền đấng sinh thành để nuôi con, dù bản thân hoàn toàn dư sức lao động kiếm tiền.
Trước đây, tôi nghĩ điều tạo nên sự khác biệt giữa hai kiểu người này chính là xuất thân của họ. Người lớn lên từ nghèo khó chắc hẳn sẽ có nhiều nghị lực lẫn động lực kiếm tiền hơn những người sinh ra đã ở vạch đích, hoặc gần sát vạch đích. Nhưng sự thật không đơn thuần như vậy.
Vấn đề cốt lõi giúp một người thành công thoát nghèo không chỉ nằm ở nghị lực sống hay động lực kiếm tiền, mà còn nằm ở tư duy. Có tư duy, nghèo tiền bạc chỉ là một giai đoạn trong đời; còn không, chỉ cần bạn còn thở, nó vẫn còn chưa kết thúc.
Từ những chiêm nghiệm cá nhân của mình, tôi nhận ra nghèo tiền bạc không đáng sợ bằng nghèo tư duy. Mối liên hệ giữa 2 cái nghèo này thực ra không hiếm, cũng không hề khó nhận biết.
1 – Tầm nhìn thiển cận, ngắn hạn
Khi phải đưa ra quyết định hoặc lựa chọn cách xử lý một vấn đề, người có tầm nhìn ngắn hạn thường chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt mà bỏ qua những cơ hội, tiềm năng phát triển, làm giàu trong tương lai xa.
Chẳng hạn, khi đi xin việc, họ chỉ dồn sự tập trung vào một vấn đề duy nhất – là mức lương, mà bỏ qua cơ hội thăng tiến của bản thân trong doanh nghiệp, cũng chẳng quan tâm tới tiềm năng phát triển lâu dài của lĩnh vực bản thân đang theo đuổi. Lúc này, sự thiển cận và tầm nhìn ngắn hạn chính là thủ phạm chặn đường cuộc sống thịnh vượng mà lẽ ra họ có thể nắm trong lòng bàn tay.
Một ví dụ khác, những người được thừa kế đất đai do cha mẹ để lại, vì một quãng hơi bí bách mà quyết định bán sạch, bán hết để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đương nhiên, đó là tài sản của họ, giữ lại hay bán đi cũng là quyền của họ. Bán đất để lấy tiền đầu tư, kinh doanh làm giàu rất khác với việc bán đất để lấy tiền ăn uống, vui chơi, hưởng thụ cuộc sống vì xã hội càng phát triển, dân số càng đông thì giá BĐS sẽ càng tăng cao. Điều này không có gì khó hiểu, và cũng đâu phải tự nhiên mà người ta lại bảo “một tấc đất quý tựa một tấc vàng”.
2 – Hay than thở, luôn đổ lỗi “cuộc đời quá bất công với mình”
Tôi cho rằng đây là lối tư duy xiềng xích rất khó rũ bỏ, đơn giản vì đổ lỗi bao giờ cũng dễ dàng và mang lại cảm giác dễ chịu hơn là nhận lỗi, và sau đó sửa sai.
Ở môi trường công sở, hãy thử hình dung một hoàn cảnh thế này: Hai nhân viên có cấp bậc như nhau, được tuyển dụng vào công ty cùng một thời điểm.
Một người luôn từ ngày đầu tiên vào làm đã nỗ lực hoàn thành mọi công việc được giao, không ngại tăng ca ngoài giờ để chứng minh năng lực và từ đó, hy vọng được thăng chức, tăng lương.
Một người tuy năng lực và thái độ làm việc chỉ ở mức bình thường, không quá xuất sắc nhưng nhưng lại giỏi giao tiếp, “mồm miệng đỡ tay chân”. Họ biết cách giao tiếp để tìm đúng người phối hợp, từ đó rút ngắn thời gian hoàn thành công việc. Nhiều lần như vậy, họ không chỉ tạo được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, mà còn gây ấn tượng với cả các cấp lãnh đạo.
Cứ như vậy, tới đợt đánh giá định kỳ của công ty, bạn nghĩ xem người nhân viên được thăng chức sẽ là ai? Câu trả lời cũng chẳng có gì khó đoán: Chắc chắn là người nhân viên giỏi giao tiếp kia rồi.
Trong hoàn cảnh này, người nhân viên cần mẫn có thể cảm thấy ấm ức, bực bội vì rõ ràng họ đã chăm chỉ, cố gắng, không ngại cống hiến hết sức lực lẫn khả năng của mình, nhưng kết quả vẫn chẳng đâu vào đâu. Họ có thể than thân trách phận, đổ lỗi cho cuộc đời quá bất công. Nhưng từ góc nhìn của một người ngoài cuộc, rõ ràng, việc người nhân viên giỏi giao tiếp chiến thắng trong “cuộc đua thăng chức, tăng lương” chẳng có gì khó hiểu. Đó chính là kiểu nhân sự mà doanh nghiệp nào cũng cần.
Nếu bản thân bạn cũng rơi vào hoàn cảnh như người nhân viên cần mẫn nhưng không được thăng chức, liệu bạn sẽ than thân trách phận, hay sẽ chấp nhận mình chưa đủ giỏi và từ đó tìm cách cải thiện? Thành thật tự hỏi bản thân điều đó, và tìm câu trả lời, bạn sẽ hiểu việc đổ lỗi cho ngoại cảnh hủy hoại tương lai giàu có đến mức nào.
3 – Tin rằng “một lần thất bại là cuộc đời chấm hết”
Xuất thân nghèo khó, kinh doanh thua lỗ, nợ nần,… tất cả những yếu tố này đều có thể là nguyên nhân khiến một người có cảm giác tự ti. Tuy nhiên, có người chọn cách vươn lên, có người lại để bản thân rơi vào tuyệt vọng và rồi buông xuôi. Thật đáng tiếc, người anh trai ruột của tôi lại lựa chọn cách thứ hai.
Lớn lên trong điều kiện khó khăn, eo hẹp về mặt kinh tế nên ngay từ nhỏ, anh em tôi đã xác định phải học hành chăm chỉ vì đó là con đường ngắn nhất để thoát nghèo. Sau này khi đã đi làm, tích lũy được chút kinh nghiệm và một số vốn, anh tôi tôi quyết định chấm dứt đời sống công sở để kinh doanh, buôn bán mặt hàng đồ gia dụng.
Tuy nhiên, lần rẽ hướng này của anh không mấy thành công, không những không hòa được vốn mà còn phải gánh thêm khoản nợ không nhỏ. Chuyện đã xảy ra cách đây hơn 5 năm, nhưng đến giờ này, anh tôi vẫn chưa vượt qua được cú shock tâm lý của lần thất bại đầu tiên trong đời.
Anh không đủ tự tin để kinh doanh một lần nữa, cũng không đủ giỏi và đủ trẻ để cạnh tranh với thế hệ nhân sự mới khi đi xin việc văn phòng. Kết cục, tôi trở thành người phải nuôi anh trai thay bố mẹ, dù anh tôi đã 38 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh và lành lặn để có thể lao động kiếm tiền. Nhưng tất cả những gì anh làm chỉ là uống rượu và quên đi sự đời, khiến cha mẹ già phải lo lắng.
Ngọc Linh–Theo Nhịp sống thị trường