Tại khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện mô hình nuôi cà cuống sinh sản và cà cuống thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền mang lại hiệu quả kinh tế cao
Câu thành ngữ “Cà cuống chết đến đít còn cay” nhiều người đã được nghe và cái tên Cà cuống có vẻ quen tai nhưng không phải ai cũng từng nhìn thấy hay được thưởng thức chúng. Thực tế hiện nay, trong tự nhiên, cà cuống còn rất ít, gần như “tuyệt chủng”.
Tuy nhiên, tại khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện mô hình nuôi cà cuống sinh sản và thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi, làm theo, nhân rộng mô hình thành công.
Chị Hiền chia sẻ: “Chồng tôi trước là lái xe, trong thời gian nghỉ ở nhà chữa bệnh đã tìm hiểu một số thông tin và nhận thấy có nhiều thuận lợi trong việc nuôi con cà cuống.
Từ đó, vợ chồng tôi tích cực tìm hiểu, học hỏi và thiết kế hệ thống bể nuôi, xử lý và thay nước tuần hoàn để nuôi thành công mô hình cà cuống sinh sản và thương phẩm”.
Được biết, ban đầu vợ chồng chị Hiền – anh Hải mua 50 đôi cà cuống giống ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh về nuôi thử.
Một con cà cuống thương phẩm tại mô hình của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Đến tháng 11/2022, gia đình chị được Chi cục Thuỷ sản tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ về quy trình kỹ thuật và 50 đôi cà cuống bố mẹ.
Từ đó, với sự cần cù, chăm chỉ và cẩn thận, anh chị đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi cà cuống sinh sản và thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi trồng giống vật nuôi khác trên cùng đơn vị diện tích.
Cà cuống (tên khoa học là belortone indica, hay còn gọi là sâu quế, đà cuống) là một giống côn trùng thuộc bọ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ao hồ, đầm lầy hay ruộng lúa, kênh rạch…
Ban ngày, chúng ẩn nấp dưới nước săn bắt mồi, chỉ đến đêm mới vỗ cánh bay lên. Trước đây, ở nông thôn, không khó để bắt được cà cuống, nhất là đến mùa thu hoạch lúa nước. Trong cơ thể cà cuống đực, có chứa đôi tuyến tinh dầu nằm ở khoang bụng phía dưới đuôi.
Chất tinh dầu trong bụng con cà cuống đực, tên hoá học là veleriant amil, không độc, có vị cay, mùi thơm ngát, được coi là một gia vị quý trong bữa ăn của người Việt Nam, nhất là ở nông thôn.
Con cà cuống cái không có túi tinh dầu trong khoang bụng, vì thế khi ăn sẽ có con không có vị cay đặc trưng của cà cuống.
Cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình và không độc đem đến công dụng bổ thận, tráng dương, lợi cho đường tiêu hóa.
Chính vì ngon và “hiếm có khó tìm”, cà cuống không chỉ là một loại côn trùng thông thường, mà từ lâu đã được nhiều nhà hàng tìm mua để chế biến thành các món ăn đặc sản.
Đồng chí Lưu Văn Biên – Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Bọng tinh dầu trong bụng con cà cuống đực là gia vị quý thường được pha chế vào nước mắm và các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn… Mô hình nuôi cà cuống sinh sản, thương phẩm của gia đình chị Hiền, khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cà cuống, kỹ thuật nuôi cà cuống.
Ngoài để chế biến thức ăn, cà cuống còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Cùng với quá trình đô thị hoá, số lượng cà cuống ngoài tự nhiên ngày càng hiếm, xuất phát từ thực tế đó, Chi cục Thuỷ sản đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nuôi, nhân giống, bước đầu đã thử nghiệm chuyển giao, hướng dẫn hộ dân nuôi thành công cà cuống sinh sản và thương phẩm, dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.
Hiện nay, trên diện tích khoảng 70 m2, gia đình chị Hiền xây dựng được một bể ấp trứng và 10 bể nuôi cà cuống thương phẩm theo quy trình tuần hoàn từ nuôi, chăm sóc cà cuống bố mẹ đẻ trứng, đưa sang bể ấp trứng, ương nuôi cà cuống con đến trưởng thành và xuất bán.
Mỗi bể có diện tích 1,5m x 1,5m, có nắp lưới đậy, hệ thống nước được xử lý sạch, khép kín. Trong bể có các giá thể để cà cuống bám là những sợi dây dứa được bó thành từng túm nhỏ chiếm khoảng 1/3 diện tích bể ương, nuôi.
Cà cuống đẻ trứng giống như ốc bươu vàng, trứng nở sau 3 – 5 ngày ấp, sau đó lột xác 5 lần trong khoảng từ 30 – 40 ngày. Sau khi lột xác, cà cuống được nuôi tiếp 30 ngày, khi bụng có màu cam, đạt kích thước 7 – 8cm/con là tiến hành thu thương phẩm…
Cũng theo chị Hiền, cà cuống là loài côn trùng sống được cả trên cạn lẫn dưới nước, bắt mồi hung dữ, thức ăn không quá phức tạp, chỉ cần thả cá, tép, dế hay ếch nhái nhỏ vào bể là tự săn được mồi.
Quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc cà cuống không khó, tuy nhiên phải đảm bảo nguồn nước, nguồn thức ăn sạch, môi trường thoáng mát để cà cuống sinh sản, phát triển tốt. Hàng ngày, lượng thức ăn trong bể được duy trì ổn định tương đương với số lượng, kích thước và ngày tuổi cà cuống.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình chị Hiền xuất bán khoảng 1.000 con cà cuống thương phẩm với giá bán 50.000 đồng/con; 150.000 đồng/đôi giống, ổ trứng; trừ chi phí cho thu lãi 25.000 đồng/con.
Mô hình của gia đình chị thường xuyên có nhiều người đến học tập và làm theo, sau khi được anh chị tận tình hướng dẫn đã thực hiện thành công tại địa phương.
Ngọc Lam (Báo Phú Thọ)