Trong khi mọi quốc gia đều đang đặt mục tiêu trở thành siêu cường AI thì Việt Nam đang nổi lên ở Đông Nam Á như một điểm sáng.
Báo cáo của Oxford Insights cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế có vị trí thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ với lợi thế dân số trẻ khi 67,5% người dân trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.
Do đó, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn đi đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “hóa rồng, hóa hổ”.
“Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo ra cơ hội cho một số quốc gia bứt phá vươn lên, hoá rồng, hoá hổ nhưng chỉ là số ít, đó là số ít, đó là những nước dũng cảm tiên phong đi đầu”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2023.
Thật vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng phân tích chuyển đổi số là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn giúp nền kinh tế Việt Nam “hóa rồng”, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thậm chí theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một doanh nghiệp vĩ đại là một doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận để thực hiện sứ mệnh, “để cho đất nước này hoá rồng, hoá hổ, để Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, để Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, hàng loạt doanh nghiệp từ FPT, Viettel, MISA cho đến Lazada đã có những động thái nhằm kết nối người dùng đến doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Nhanh nhất Đông Nam Á
Báo cáo của e-Conomy SEA tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024 cho thấy Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%).
Tương tự, số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 cho thấy kinh tế số đóng góp 16,5% vào GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Trong bối cảnh đó Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cũng khẳng định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Đây vừa là động lực, cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiên phong phát triển các lĩnh vực AI, chip bán dẫn, xe điện thông minh… và tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.
Một ví dụ là Viettel, với vị thế là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, công ty đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh trong chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp và khách hàng.
Tập đoàn này đã đưa ra một số giải pháp về hạ tầng trung tâm dữ liệu, giảm Chỉ số PUE (mức tiêu thụ năng lượng) từ 1,6 về 1,4 với các giải pháp như làm mát hiệu quả, sử dụng thiết bị hiệu năng cao, quản lý năng lượng bằng phần mềm.
Ở mảng thương mại điện tử (TMĐT), cái tên Lazada lại nhắm đến đầu tư nâng cao lực lượng lao động số trong nước thông qua dự án Lazada E-Commerce Education do Học viện Lazada triển khai, qua đó giúp tiếp cận và hỗ trợ hơn 100.000 sinh viên toàn quốc.
Nhờ một phần đóng góp của Lazada mà hệ sinh thái TMĐT trong khu vực Đông Nam Á đã kết nối 160 triệu người dùng và 1 triệu người bán hàng mỗi tháng.
“Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình. Hiện nay trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng mà đều thành công, chính vì vậy Việt Nam phải đi theo con đường riêng của mình, dựa trên trình độ, văn hoá, tố chất con người của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chung ý kiến khi cho rằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới, chứ không riêng của Việt Nam và đây có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng.
Tuy nhiên nhắc đến chuyển đổi số thì không thể không nói đến AI, xu thế mới trên thế giới hiện đang là cuộc đua nóng bỏng giữa nhiều nền kinh tế để nắm bắt cơ hội hóa rồng.
Cường quốc AI
“Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản hóa rồng. Vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hóa rồng?”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ.
Rõ ràng công nghệ AI hiện không chỉ là xu hướng mà còn đang trở thành cuộc chạy đua khốc liệt, khi mọi quốc gia đều đặt mục tiêu trở thành “AI Nation” – siêu cường về AI.
Trong khi Mỹ đang dẫn đầu với Google, Facebook, Microsoft hay Apple thì Liên minh Châu Âu (EU) cũng thông qua việc khởi động sáng kiến “AI cho châu Âu” từ năm 2019.
Tại Trung Đông, cả Saudi Arabia và UAE đang cạnh tranh nhau thu hút xây dựng các trung tâm dữ liệu AI với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.
Về phía Châu Á, hàng loạt những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đầu tư mạnh cho AI.
Không nằm ngoài cuộc đua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo “Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo”.
Trên thực tế, Việt Nam đã sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước dẫn đầu về AI trong khu vực ASEAN vào năm 2025, xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực.
Báo cáo “Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ 2023” của Oxford Insights cho thấy chỉ sau hơn 2 năm, vị trí của Việt Nam đã tăng từ 62/181 lên 59/193 quốc gia và vượt qua Philippines để đứng thứ 5/10 tại khu vực ASEAN.
Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 54,48, đánh dấu 3 năm liên tiếp vượt ngưỡng trung bình của thế giới.
Bên cạnh lợi thế nhân lực cùng sự đầu tư của Chính phủ, sự tham gia của các công ty công nghệ hoặc có thế mạnh về công nghệ cũng tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công AI trong đời sống hàng ngày tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA, ông Lê Hồng Quang cho biết AI có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Đây là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Công ty này cũng tích hợp AI vào nền tảng quản trị doanh nghiệp MISA AMIS để giải quyết bài toán nội tại và đã chứng minh tính hiệu quả vượt trội của AI.
Ngoài ra, MISA AVA cung cấp dữ liệu điều hành tức thì, cho phép lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt thông tin tài chính, kinh doanh và nhân sự một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, trợ lý AI này tự động hóa các quy trình công việc giúp tiết kiệm 70% thời gian và giảm thiểu sai sót.
Một ví dụ điển hình khác là Lazada cũng đã cho ra mắt chatbot TMĐT LazzieChat đầu tiên tại Đông Nam Á được cung cấp bởi công nghệ OpenAI ChatGPT, hỗ trợ bởi dịch vụ Azure OpenAI từ Microsoft.
Ứng dụng này có thể trả lời các truy vấn mua sắm của người dùng trên nền tảng Lazada để cung cấp trải nghiệm mua sắm hấp dẫn, có thể cung cấp đầy đủ thông tin và được cá nhân hóa.
Rõ ràng, giấc mơ “hóa rồng, hóa hổ”, đưa Việt Nam thành nước hùng cường, thịnh vượng là mục tiêu cần sự góp sức của mọi doanh nghiệp.
Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp cùng tận dụng cơ hội phát triển, đồng hành tại thị trường hơn 99 triệu dân này.
*Nguồn: Tổng hợp-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ