Đẩy vua khỏi giường, Võ Tắc Thiên đã cứu Lý Thế Dân một mạng nhưng từ đó đã bị thất sủng.
Võ Tắc Thiên (624 – 705) là một người phụ nữ đặc biệt và tài năng trong lịch sử Trung Quốc. Xuất phát điểm là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau đó bà trở thành hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng trở thành hoàng đế của Võ Chu (690 – 705), triều đại làm gián đoạn nhà Đường. Võ Tắc Thiên cũng trở thành nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc.
Hơn 10 năm mờ nhạt trong hậu cung
Vào năm Trinh Quán thứ 11 (tức năm 637), sau khi nghe nói Võ Thị có tiếng xinh đẹp nên Lý Thế Dân triệu vào cung và phong làm Tài nhân. Khi vào cung, Võ thị đã được Đường Thái Tông ban cho chữ Mị làm tên, nên bà được gọi là Võ Mị Nương, sau trở thành Võ Tắc Thiên.
Song, hơn 10 năm ở trong hậu cung của hoàng đế Lý Thế Dân, dù Võ Tắc Thiên nổi tiếng xinh đẹp và thông minh nhưng bà lại là mỹ nhân “mờ nhạt”, không được vua triệu hạnh.
Nguyên nhân liên quan đến một giai thoại về đêm “động phòng” đầu tiên của Võ Tắc Thiên và thiên tử.
Cụ thể, trong lúc Võ Tắc Thiên chuẩn bị trao “lần đầu” cho Lý Thế Dân thì trời đột nhiên nổi sấm sét dữ dội. Sét đánh trúng vào cung điện mà hoàng đế và nàng ta đang ở khiến cho một thanh gỗ lớn trên sàn nhà rơi xuống vị trí của nhà vua. Võ thị nhận thấy nguy hiểm liền nhanh chóng đẩy hoàng đế ra khỏi giường, cứu ngài một mạng. Thế nhưng thay vì sủng hạnh mỹ nhân hơn thì Lý Thế Dân lại càng xa lánh Võ thị. Nguyên nhân là vì ngài cho rằng nàng không phải người phụ nữ đem lại may mắn.
Sau đêm động phòng “hụt”, Lý Thế Dân không còn muốn gần gũi với Võ Mị Nương. Đây cũng chính là lý do hơn 10 năm làm phi tần của Đường Thái Tông nhưng Võ thị lại chưa từng mang thai. Phải đến khi trở thành phi tần của Lý Trị, nàng mới cảm nhận được thế nào là được yêu.
Lời tiên đoán Võ thị lên ngôi
Một lý do khác khiến Lý Thế Dân luôn đề phòng Võ Mị Nương là do liên quan đến lời tiên đoán về vận mệnh nhà Đường.
Ngay từ khi còn thơ bé, có người đã sớm nhìn ra Võ Tắc Thiên sẽ sớm làm chủ thiên hạ trong tương lai. Tương truyền người này chính là bậc thầy tướng số Viên Thiên Cang. Khi Viên Thiên Cang tình cờ đi ngang qua nhà họ Võ, ông đã gặp được Dương Thị, vị phu nhân của Võ gia, đồng thời chính là mẹ đẻ của Võ Tắc Thiên. Ngay khi vừa mới gặp, Viên Thiên Cang đã nói rằng Dương phu nhân có cốt cách phi thường, trong nhà nhất định sẽ có quý tử.
Sau khi trông thấy hai người anh cùng cha khác mẹ với Võ Tắc Thiên là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng, Viên Thiên Cang nói rằng hai người này có thể sẽ là quan tam phẩm trong tương lai, nhưng họ không phải là quý tử.
Sau đó, nhũ mẫu dẫn Võ Tắc Thiên ra, Viên Thiên Cang lập tức thay đổi sắc mặt sau khi trông thấy đứa bé mặc quần áo như con trai còn đang tập đi này.
Viên Thiên Cang đã rất kinh ngạc và lên tiếng khen ngợi: “Đức bé này trời sinh mắt rồng, cổ phượng, đại phú, đại quý”. Sau khi quan sát lần nữa, bậc thầy tướng số vừa xúc động vừa lắc đầu nói: “Thật đáng tiếc sinh ra là con trai. Nếu là con gái, nhất định tương lai sẽ làm chủ thiên hạ này”.
Lời tiên đoán thứ hai xuất hiện vào những năm cuối đời của hoàng đế Lý Thế Dân. Bên ngoài cung khi đó lưu truyền lời tiên đoán rằng sắp có “Nữ chủ Võ vương” và “Sau ba đời của nhà Đường, nữ chủ Võ Vương sẽ đoạt lấy thiên hạ”.
Chẳng mấy chốc tin đồn này truyền đến tai Lý Thế Dân. Vị hoàng đế này lo ngại về giang sơn của nhà Đường, nên ông bí mật cho gọi Lý Thuần Phong, một vị quan chuyên đảm nhận về thiên văn và là bậc thầy phong thủy nổi tiếng.
Hoàng đế hỏi Lý Thuần Phong rằng, tin đồn trên liệu có thành sự thật hay không. Bậc thầy phong thủy này trả lời rằng, sau khi ông quan sát thiên tượng, phát hiện có “thái bạch kim tinh”. Đây là điềm báo sẽ có nữ chủ nổi dậy. Lý Thuần Phong tính toán một hồi và phát hiện ra “nữ chủ” này đã xuất hiện ở trong cung và là gia quyến của hoàng đế Lý Thế Dân. Chưa tới 30 năm sau, người này sẽ thống lĩnh giang sơn của nhà Đường, thậm chí còn tán sát con cháu của nhà Lý Đường.
Nghe xong, hoàng đế muốn xử lý toàn bộ hậu cung, bất cứ người nào mang họ Võ hoặc có liên quan đến họ này đều sẽ bị diệt trừ. Tuy nhiên, Lý Thuần Phong đã nhanh chóng ngăn cản và nói rằng cho dù hoàng đế có giết được người này thì ý trời cũng sẽ không đổi. Nếu người này chết đi thì cũng sẽ có một người như vậy xuất hiện. Hơn nữa, 30 năm sau, nữ chủ này sẽ già đi, khi đó có thể nương tay với con cháu của họ Lý.
Sau khi nghe Lý Thuần Phong phân tích có lý, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đành thuận theo ý trời và không tận diệt nữ nhân mang họ Võ nữa.
Đến năm Trinh Quán thứ 23 (năm 649), Lý Thế Dân bị bệnh nặng. Khi biết mình sắp không qua khỏi, đồng thời để giải quyết nỗi canh cánh bấy lâu nay, vị hoàng đế này đã cho gọi Võ Tắc Thiên, lúc bấy giờ vẫn chỉ là một vị Tài nhân nhỏ bé tới.
Lý thế Dân hỏi rằng: “Sau khi ta chết, nàng sẽ làm thế nào?”. Võ Tắc Thiên thông minh nên lập tức nhìn ra ý tứ chưa hoàn chỉnh trong lời nói của hoàng đế. Bà chỉ nói 8 chữ rằng: “Thanh đăng cổ Phật, liễu thử dư sinh”. Câu nói này có nghĩa là sau khi hoàng đế Lý Thế Dân qua đời, Võ Tắc Thiên sẽ xuất gia, nương nhờ cửa Phật tới hết đời.
Chính nhờ 8 chữ được trả lời một cách dứt khoát của Võ Tắc Thiên đã giúp bà qua mặt vị hoàng đế nổi tiếng và tự cứu lấy chính mình. Câu trả lời này khiến Lý Thế Dân rất hài lòng vì thấy nàng Tài nhân nhỏ bé của ông vốn dĩ không có tham vọng gì, do đó sẽ không có nguy cơ gây hại đến giang sơn của nhà Đường sau này.
Đến năm 650, nhân dịp 1 năm ngày giỗ của Đường Thái Tông, Lý Trị đã đến Cảm Nghiệp Tự để dâng hương và tình cờ gặp lại Võ Tắc Thiên. Mỹ nhân đã tận dụng cơ hội này và không ngờ sau đó Cao Tông lại rước bà về cung. Quay trở lại hậu cung, Võ Tắc Thiên có được sự sủng ái của Cao Tông, từng bước tiến tới vị trí hoàng hậu và cuối cùng trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều đại Võ Chu, đạt tới đỉnh cao của quyền lực.
Nhìn chung, không rõ thực hư những lời tiên đoán năm xưa ra sao, nhưng dường như chúng đều ứng nghiệm và thực sự Võ Tắc Thiên đã trở thành “nữ chủ” thay thế gia tộc họ Lý lên làm hoàng đế. Đây cũng là việc hiếm có xảy ra trong lịch sử phong kiến.
Theo Sohu, Sogou, Baidu-Nguyễn Phượng-Theo Đời sống Pháp luật