Từng hứa hẹn sẽ thay đổi cả thế giới, nhưng suốt gần 2 năm qua, ChatGPT vẫn chẳng làm được gì nhiều trong thực tế, thậm chí đang khiến OpenAI lỗ đến 5 tỷ USD.
Khi ChatGPT được ra mắt vào cuối năm 2022, chúng đã được dùng ngay vào việc hỗ trợ làm bài tập về nhà, thậm chí là gian lận thi cử khi viết hộ tiểu luận cho sinh viên.
Tuy nhiên độ nổi tiếng của chatbot này dần lan rộng với những hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới cho ngành công nghệ.
Tổng mức vốn hóa của Microsoft, tập đoàn đã đổ 10 tỷ USD cho OpenAI phát triển ChatGPT đã tăng mạnh vượt 3 nghìn tỷ USD trong khi hàng loạt đối thủ, từ Google, Facebook cho đến cả Apple, Tesla cũng nhảy vào mảng trí thông minh nhân tạo (AI).
Thế nhưng đã gần 2 năm trôi qua, trong khi ChatGPT vẫn chưa đem lại lợi nhuận gì cho Microsoft ngoài việc kích thích giá cổ phiếu tăng phi mã.
Tờ New York Post cho hay OpenAI có thể lỗ đến 5 tỷ USD trong năm nay vì chi phí vận hành ChatGPT quá cao. Hãng dự kiến sẽ phải chi đến 7 tỷ USD cho tiền vận hành chatbot trên, chưa kể khoản tiền lương 1,5 tỷ USD mỗi năm cho 1.500 nhân viên.
Thế nhưng kết quả mà ChatGPT đem về lại không tương xứng.
Thậm chí một cuộc khảo sát của tờ The Washington Post cho thấy 21% số người dùng ChatGPT là để viết kịch bản hay những nội dung cần sự sáng tạo và 18% là để làm bài tập về nhà hay viết hộ tiểu luận.
Một phần còn lại là dịch thuật, tìm kiếm thông tin và gõ code.
Tờ Business Insider (BI) nhận định rõ ràng ChatGPT vẫn chưa đem lại nhiều thay đổi hay cuộc cách mạng thực sự to lớn nào ngoài làm bài tập về nhà hay viết hộ tiểu luận cho sinh viên là chính.
Mặc dù OpenAI đã tuyên bố sẽ phát triển công cụ phát hiện bài viết có dùng ChatGPT nhưng cho đến nay vẫn chưa có một sản phẩm nào ra mắt.
Động thái này càng khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ của OpenAI khi khuyến khích việc học sinh gian lận thi cử bằng công nghệ AI.
Cú lừa
Ngay khi vấn đề người dùng AI gian lận bài thi, phía OpenAI đã tuyên bố phát triển công cụ đánh dấu vào những nội dung do ChatGPT phát triển. Những đánh dấu này sẽ không hiển thị với người dùng mà chỉ được phát hiện bằng một công cụ AI khác do chính OpenAI phát triển với độ chính xác lên đến 99,99%.
Tuy nhiên theo BI, nội bộ OpenAI đang khá xung đột về việc phát triển công cụ này khi phần lớn người dùng ChatGPT lại đến từ những người cần dùng AI cho làm bài tập về nhà và viết các nội dung sáng tạo khác.
Người phát ngôn của OpenAI thì biện minh rằng việc phát triển công cụ phân biệt nội dung của ChatGPT có thể gây “tổn hại” đến những người dùng không có ngôn ngữ tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ.
“Công cụ phân biệt nội dung mà chúng tôi đang phát triển đầy tiềm năng nhưng lại có những rủi ro tiềm ẩn nên chúng tôi đang tìm kiếm một phương án khác”, người phát ngôn của OpenAI nói với tờ Wall Street Journal (WSJ).
Điều trớ trêu là khảo sát của The Washington Post cho thấy gần 30% số người dùng ChatGPT sẽ từ bỏ công cụ này nếu OpenAI phát triển phần mềm đánh dấu như trên, trong khi các đối thủ cùng ngành không làm như vậy.
Theo Washington Post, phần lớn dữ liệu mà OpenAI dùng để đào tạo ChatGPT là những nội dung công khai, bao gồm những bài luận văn, chuyên đề, sách kiến thức…khiến học sinh, sinh viên cực kỳ ưa thích dùng để tổng kết những bài tập về nhà hay viết hộ tiểu luận hoặc thậm chí là trả lời hộ các bài thi.
Tuy nhiên một điểm yếu chết người là ChatGPT không thực sự hiểu nó đang nói gì. Phần lớn những câu trả lời là sao chép lại từ các bài viết hoặc thậm chí là tự sáng tạo ra những thông tin sai lệch.
Năm 2023, một luật sư đã bị sa thải vì dùng ChatGPT phác thảo bài phát biểu trong phiên tòa và chatbot này đã tự ý “sáng tạo” ra một số điều luật không có trong thực tế.
Rõ ràng, cuộc “cách mạng” mà nhiều người vẫn trông chờ từ ChatGPT cho đến hiện tại vẫn chỉ là một chatbot đầy lỗi, chưa đem về lợi nhuận và chủ yếu được dùng để gian lận hay “xào nấu” nội dung.
Tính năng khác
Nghiên cứu của Washington Post cho thấy chỉ khoảng 5% số người dùng ChatGPT cho các tính năng riêng tư như hỏi ý kiến về cách tán tỉnh hay làm thế nào để xác định bạn đời đang lừa dối mình.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo chatbot này dễ đưa ra các thông tin sai lệch hay có tính tiêu cực, chỉ nên dùng như một nguồn tham khảo thay vì tin tưởng hoàn toàn.
Ngoài ra, khoảng 7% người dùng sử dụng ChatGPT để gõ code, tìm lỗi hay hiểu về lập trình. Dẫu vậy phần lớn tính năng này chỉ có ích cho người mới vào nghề hơn là có thể thay thế hoàn toàn được các lập trình viên như nhiều thông tin đã đưa.
Phó giáo sư Hatim Rahman của trường đại học Northwestern University, ChatGPT sẽ chẳng thể thay thế được con người mà chúng chỉ giúp nhân viên tiếp cận được lập trình hay gõ code dễ dàng hơn dù chưa có kiến thức nền tảng.
“Ví dụ như các chương trình TuboTax trong mảng thuế vậy. Mọi người giờ đây có thể làm những hồ sơ hoàn thuế cơ bản nhờ ứng dụng này, nhưng các chuyên gia thuế hay kế toán viên thì vẫn không thể biến mất chỉ vì một ứng dụng ra đời”, ông Rahman nói.
Tiếp đó, chỉ 2% số người dùng ChatGPT là để tìm kiếm công việc hoặc nhờ viết hộ hồ sơ xin việc.
Với kết quả này, ngày càng nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về thành công của AI trong làng công nghệ. Liệu kỹ thuật này có thực sự tạo nên được một làn sóng mới như iPhone đã từng làm trong mảng điện thoại hay không?
*Nguồn: BI, WSJ, Washington Post-Băng Băng–Theo An ninh Tiền tệ