Các quan chức Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ khi vừa phải nghĩ cách làm vừa lòng công chúng, vừa khiến lãnh đạo hài lòng.
Tại sao Trung Quốc không thể kết thêm bạn?
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), tuần trước, một quan chức Trung Quốc đã nêu ra một câu hỏi đáng suy ngẫm đối với các đồng nghiệp của mình và cả chính phủ nước này: Tại sao [Trung Quốc] không thể kết thêm bạn, và tại sao tiếng nói của chúng ta không được [người khác] lắng nghe?
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt, câu hỏi trên lại càng có sức nặng hơn nữa, khi các quan chức Trung Quốc nỗ lực giành được sự ủng hộ của dư luận trong nước và nước ngoài.
Và tất nhiên, trong sự kiện Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore cuối tuần trước, thì câu hỏi này càng được chú ý và bàn luận nhiều hơn nữa, khi các quan chức Trung Quốc phải cân bằng giữa việc tỏ ra cứng rắn để làm vui lòng một bộ phận công chúng trong nước ngày càng gia tăng tinh thần dân tộc, đồng thời cũng phải duy trì hình ảnh hòa hữu trước một bộ phận công chúng quốc tế cảnh giác trước những chính sách đối ngoại và quốc phòng quyết đoán của Trung Quốc.
Đại tá Triệu Hiểu Trác, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Quân đội thuộc lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) và từng là nhà ngoại giao của quân đội, cho biết những kỳ vọng trong và ngoài nước về biểu hiện của các quan chức tại Singapore có nhiều điểm mâu thuẫn.
“Hiện nay đang tồn tại hai luồng dư luận, một trong nước và một ngoài nước, và về cơ bản thì hai luồng ý kiến này đang phân về hai thái cực đối lập hoàn toàn”, ông Triệu nói.
“Nếu chúng tôi tỏ ra cứng rắn, thì dư luận trong nước sẽ hài lòng, nhưng điều đó lại làm mếch lòng công chúng quốc tế. Nhưng nếu chúng tôi tỏ vẻ mềm mỏng, thì chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu của làn sóng chỉ trích ở quê nhà“, vị đại tá này giải thích về tình thế giữa đôi dòng nước mà các quan chức Trung Quốc đang phải đối mặt.
Theo lời ông Triệu, thì đây là thách thức chưa từng có tiền lệ đối với những quan chức Trung Quốc, bởi họ không chỉ phải nghĩ cách làm vừa lòng công chúng, mà còn phải khiến lãnh đạo hài lòng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là làm ngoại giao và kết bạn”; tuy nhiên nếu giữ lập trường cứng rắn, thì “rất có thể anh không chỉ mất khả năng kết thêm bạn, mà còn khiến căng thẳng thêm trầm trọng”, ông Triệu nói.
Lần tái xuất hiếm hoi và bài phát biểu đặc biệt
Áp lực này đặc biệt lớn khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu trong lần tái xuất hiếm hoi tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.
Theo một nguồn tin thân cận với truyền thông Trung Quốc, Chính phủ Bắc Kinh đã lo ngại về phản ứng của dư luận nội bộ trước bài phát biểu của ông Ngụy. Họ đã lệnh cho các cơ quan truyền thông trong nước hạn chế đăng tin về bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, trong trường hợp phát ngôn của ông này khiến Trung Quốc có vẻ yếu thế hơn tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.
Trong phần phát biểu của mình, ông Ngụy đã đưa ra các lập luận với giọng điệu thách thức, khẳng định rằng lực lượng PLA sẽ “chiến đấu bằng mọi giá” để “thống nhất” đảo Đài Loan. Bên cạnh đó, ông này cũng tuyên bố đanh thép rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đấu với Mỹ tới tận cùng của cuộc chiến thương mại.
Thiếu tướng Kim Nhất Nam đến từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc là một trong những thành viên thuộc phái đoàn đại diện của nước này tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Ông Kim cho biết bài phát biểu của bộ trưởng Ngụy đã chứng minh sự tự tin của Trung Quốc trên trường quốc tế và vượt qua những kì vọng rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế trước Mỹ.
Những phản ứng từ dư luận trong nước đã tới rất nhanh chóng và đầy tích cực. HànG vạn người dùng internet của Trung Quốc đã sử dụng các kênh mạng xã hội như Weibo để thể hiện sự đồng tình trước bài phát biểu cứng rắn của ông Ngụy.
“Đây chính là kiểu thái độ mà quân đội Trung Quốc cần cho cả thế giới thấy”, một người bình luận.
“Tôi rất tự hào khi đất nước mình mạnh mẽ đến vậy“, một người khác nói.
Năm ngoái, cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ truyền thông nước này về những vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cấm báo đài đưa tin độc lập về các xung đột giữa hai nước.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng 5 vừa qua, quan chức nước này đã cho phép và tăng cường đăng tải các bài viết, tin tức khơi gợi tinh thần dân tộc trên báo đài.
Không chỉ có vậy, mà Trung Quốc còn nỗ lực gây chú ý với thế giới bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức. Vào cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng nước này có bài phát biểu tại Singapore, thì trong nước, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố văn bản “sách trắng”, nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc đàm phán thương mại đổ vỡ.
Một đại biểu Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La cho biết, Bắc Kinh đã hiểu rằng Washington đã có được lợi thế trong việc định hình dư luận toàn cầu từ rất lâu, do đó Trung Quốc có nhiệm vụ cấp bách là phải tìm cách khiến người khác nghe thấy tiếng nói của mình.
“Phía Mỹ đã chỉ trích chúng ta rất nhiều. Nhưng tại sao chúng ta lại để họ thống lĩnh tất cả các diễn đàn và nói câu chốt trong mọi vấn đề như vậy?”, vị đại biểu trên nói.
Trong 8 năm qua, Trung Quốc không cử quan chức cấp cao tới dự Đối thoại Shangri-La, và sự xuất hiện của ông Ngụy tại sự kiện năm nay được cho là có ý nghĩa đặc biệt. Có thể nói rằng trước đó Bắc Kinh đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của diễn đàn này khi cho rằng đây là một nền tảng để Mỹ và các đồng minh phương Tây tấn công Trung Quốc.
Năm 2002, Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh – một nền tảng cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La nhằm khuếch đại tiếng nói của nước này về những vấn đề an ninh.
Diễn đàn Hương Sơn tuy không có quy mô và uy tín như diễn đàn Đối thoại Shangri-La, tuy nhiên điều này cũng cho thấy Trung Quốc có nỗ lực “khiến người khác lắng nghe”.
Theo Trí Thức Trẻ