Những sự cố xảy ra ngày càng thường xuyên cho thấy chúng ta xây dựng thế giới của mình cho một điều kiện tự nhiên không còn tồn tại.
Đầu tuần này, cây cầu trên Đại lộ số 3 ở Manhattan đã phải đóng cửa vì hoạt động không đúng cách. Được thiết kế với cơ chế xoay giúp tàu bè có thể đi qua nhưng thời tiết quá nóng ở New York làm kim loại giãn nở, khiến cầu không thể vận hành bình thường. Lính cứu hoả buộc phải phun nước lên công trình suốt nhiều giờ để làm nguội, cho phép nó hoạt động trở lại.
Rõ ràng, đó không phải là một thảm kịch. Tuy nhiên, đó là bằng chứng cho thấy những gì đang tồn tại trong thời đại của chúng ta không còn phù hợp với điều kiện khí hậu hiện tại trên trái đất. Có thể nói, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như đã lỗi thời.
Và đó không phải ví dụ duy nhất. Ở Houston, đại bản doanh của Big Oil – nơi lưới điện được thiết kế theo dạng trục và mạng lưới giống như 100 năm trước, cơn bão Beryl đã làm hơn 2 triệu ngôi nhà mất điện. Đúng là sự cố do bão gây ra nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng trước đó, một cơn lốc bất ngờ tràn vào thành phố cũng đã làm hơn 1 triệu người sống trong tăm tối.
Và sẽ cần bao nhiêu lần mất điện nữa để nhân loại thừa nhận rằng mạng lưới điện chúng ta đang dựa vào không còn phù hợp với điều kiện khí hậu hiện nay?
Vụ cháy rừng đang hoành hành ở California, Mỹ từ đầu tháng cũng là một minh chứng không thể chối cãi khác. Cháy bùng lên sau một đợt nắng nóng xô đổ mọi kỷ lục về nhiệt độ ở miền Tây nước Mỹ, bao gồm cả mức nhiệt lên tới 50 độ C ở Palm Springs. Nắng nóng nghiêm trọng tới mức mà những nguời lính cứu hoả không thể dập lửa mà không bị say nắng.
Nếu nắng nóng hơn nữa, máy bay và trực thăng cứu hoả sẽ không thể bay. Điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng kiểm soát hoả hoạn của lực lượng chữa cháy.
Nhìn rộng ra, những nguy cơ từ hệ thống cơ sở hạ tầng cũ hiện diện ở khắp mọi nơi. Phần lớn các toà nhà văn phòng và nhà ở tại các thành phố châu Âu như London, Paris và Madrid đều không có máy điều hoà. Khi nắng nóng khắc nghiệt ập tới, những người sống và làm việc trong những công trình này đặc biệt dễ tổn thương. Một nghiên cứu được đăng gần đây trên tạp chí Nature Medicines ước tính có hơn 60.000 ca tử vong liên quan tới nắng nóng ở châu Âu trong mùa hè năm 2022.
Các đập chứa nước trên khắp thế giới cũng đang bị ảnh hưởng bởi những trận mưa cực lớn. Đường băng sân bay thì mềm đi vì nắng nóng, khiến các chuyến bay bị huỷ bỏ. Những bức tường bao biển bảo vệ các thành phố khỏi lũ lụt đang ngày càng kém hiệu quả khi mực nước biển dâng cao và bão ngày càng mạnh hơn. Các đô thị với rừng bê tông thì trở thành chảo rán loài người.
Và không chỉ có cơ sở hạ tầng không thích ứng được với thế giới đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Hệ thống kinh tế và đời sống văn hoá của chúng ta cũng không tương thích. Thế vận hội mùa hè và các môn thể thao khác trở nên nguy hiểm trong cái nóng gần 40 độ C.
Ngành công nghiệp bảo hiểm không được thiết kế để đối phó với lũ lụt thường xuyên do mực nước biển dâng. Tôn giáo cũng bị tác động. Chẳng hạn như lễ hành hương Haj ở Ả rập Xê út. Tháng trước, có hơn 1.300 người đã chết trong quá trình hành hương vì trời quá nóng cho dù nhiều biện pháp đã được thực thi để bảo vệ tín đồ.
Các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota và GM đang chậm thích ứng với cuộc cách mạng xe điện và có nguy cơ đi vào lối mòn của nhiều tượng đài sụp đổ. Ngay cả lãnh đạo những gã khổng lồ dầu mỏ dường như cũng biết số phận của mình và đang nỗ lực để vớt vát chút hy vọng trước làn sóng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để nhân loại sửa sai. Cùng với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thêm giải pháp để thích ứng với thiên nhiên. Ví dụ: Trong những năm qua, chi phí để phát triển năng lượng tái tạo đã giảm mạnh nhờ đột phá công nghệ. Khi năng lượng hoá thạch không còn rẻ hơn năng lượng tái tạo, chúng ta chẳng còn lý do gì phải tiếp tục đốt những thứ gây ô nhiễm nữa.
Dẫu vậy, bất chấp những tiến bộ này, cuộc cách mạng năng lượng sạch vẫn diễn qua quá chậm để ngăn chặn khí hậu cực đoan, vốn đang xuất hiện ngày càng thường xuyên.
Theo Nhịp sống thị trường