Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
***
Điều gì cản trở mọi người tiến lên phía trước, phát triển hơn trong sự nghiệp của mình? Tôi đã nhận ra vấn đề này và khắc phục, giúp thu nhập của tôi tăng lên đáng kể. Từ mức lương tháng 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng) đến hơn 30.000 NDT (khoảng 105 triệu đồng), rồi đến 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) trong 3 năm.
Đã có không ít người giải quyết được rào cản quan trọng này, và cuộc sống của họ đã thay đổi đáng kể. Ở một mức độ nào đó, nếu chúng ta có thể vượt qua rào cản này, cuộc sống của chúng ta cũng có thể sẽ thay đổi.
Rào cản khiến một người khó thành công không phức tạp như bạn nghĩ, thực ra chỉ có 3 từ: “Tôi không thể”. 3 từ “Tôi không thể” này cản trở chúng ta như thế nào? Tôi thật sự từng bị “kéo xuống” bởi 3 từ này.
Khi tôi mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tôi rất lo lắng, vì tôi nghĩ mình là người mới, nên lo sợ mình không viết hay, nếu đăng lên mạng chắc chắn sẽ bị nhiều người chỉ trích. Vì vậy, tôi đã trì hoãn bản thân, thậm chí nghĩ rằng khi mình đã trở thành một người có tên tuổi trong lĩnh vực tự truyền thông, rồi mới đăng bài thì sẽ không bị chỉ trích.
Đây chính là tâm lý “tôi không thể”. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng thường hay tự phủ định bản thân, luôn cảm thấy mình chưa sẵn sàng, luôn muốn chuẩn bị thêm một chút trước khi bắt đầu, mong muốn có một khởi đầu hoàn hảo!
Lúc đó, tôi đã trì hoãn rất lâu, trở nên mệt mỏi, mà khả năng viết lách cũng không tiến bộ chút nào. Đến khi nghĩ lại, tôi hiểu ra, ngay cả việc bắt đầu mình cũng không dám làm, thì làm sao có cơ hội trở thành một bậc thầy trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi? Không có điều gì là hoàn hảo ngay từ khi bắt đầu.
Sau này, tôi mới nhận ra, ngay cả khi bản thân ban đầu viết không tốt, dù có tạo ra nhiều thứ không hay ho, tôi vẫn cố gắng tiếp tục học hỏi và thực hành, không ngừng tiếp thu góp ý và sửa sai. Dần dần khả năng viết lách của tôi đã được cải thiện.
Bạn có nhận ra không, nếu một người luôn nghĩ “tôi không thể”, thì bất kể làm gì, trong mắt họ cũng chỉ toàn là vấn đề, tự tạo ra vấn đề rồi để những vấn đề đó kéo mình xuống.
Làm sao để thay đổi thói quen nghĩ “Tôi không thể”?
- Gợi ý tâm lý tích cực
Điều này có nghĩa là khi chúng ta làm việc, mỗi lần đều có thể tự nhủ với mình: “Tôi có thể giải quyết vấn đề này”. Nhiều người có thể nghi hoặc: “Chỉ một câu nói thôi, liệu có tác dụng gì không?”.
“Tôi không thể” thực ra là một loại gợi ý tâm lý tiêu cực. Hành vi của một người là sự phản chiếu suy nghĩ của họ. Nếu chúng ta đưa ra cho mình những gợi ý tâm lý tiêu cực, chúng ta sẽ có suy nghĩ không muốn hành động.
Những gợi ý tâm lý tích cực thực chất là “phòng ngừa” những gợi ý tiêu cực đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu cảm thấy mình có thể làm được, chúng ta sẽ bắt đầu hành động. Suy nghĩ chỉ là vấn đề, hành động mới là câu trả lời, chỉ cần bắt tay vào làm, mọi việc có thể sẽ tiến triển theo hướng tốt đẹp hơn.
Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể làm đượ và hành động, nhưng kết quả lại không đạt được như mong đợi, đó cũng là một sự tiến bộ. Bởi qua quá trình thực hiện, chúng ta sẽ nhận được một số bài học.
Trong quá trình làm truyền thông, tôi vẫn thử, trải nghiệm những điều mới, tôi có thêm kinh nghiệm viết lách, hiểu về marketing, đọc nhiều sách và có một lượng người hâm mộ đáng kể. Tôi đã rất cố gắng và gặt hái được nhiều thành quả trong công việc của mình.
- Phương pháp khởi động tối thiểu
Điểm trên chủ yếu nói về các bước thực hành ở cấp độ tâm lý, khi đã làm chủ được tâm lý và xây dựng được một chút tự tin, chúng ta cần biết cách sử dụng phương pháp khởi động tối thiểu để dễ dàng đạt được kết quả hơn!
Nếu trong một thời gian dài mà bạn không đạt được kết quả nào, dù có tự nhủ “tôi có thể” đến đâu, chúng ta cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ bản thân.
Một người có thể đối mặt với nhiều việc cùng một lúc, và trong số đó, có nhiều việc có thể khiến chúng ta cảm thấy mình không làm được. Lúc này, chúng ta cần chọn một vài việc, bắt đầu từ những việc đó, để giúp bản thân thoát khỏi thói quen “tôi không thể”.
Có một số việc chúng ta nghĩ mình không giỏi không phải vì thiếu năng lực mà đơn giản là vì chúng ta sợ những điều chưa biết. Thực ra chỉ cần vượt qua nỗi sợ, chúng ta có thể làm được. Bạn sử dụng gợi ý tâm lý tích cực, thúc đẩy bản thân làm một hai lần, và bạn sẽ phát hiện ra rằng mình thực sự có thể làm được
Sau một thời gian viết lách, khả năng viết của tôi cũng đã trở nên tốt hơn rất nhiều, tôi đọc nhiều sách hơn. Tôi có thể giới thiệu một số cuốn sách cho người khác và giải thích chúng, nhưng lúc đầu tôi không làm vì sợ bị chỉ trích. Đến khi thực hiện, tôi lại nhận được nhiều lời động viên từ mọi người, điều này khiến tôi trở nên tự tin hơn nhiều.
Nếu trong trường hợp, bạn cảm thấy mình chưa đủ giỏi, thiếu năng lực để làm một số việc, lúc này chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ hơn.
Theo Toutiao-Minh Nguyệt-Theo Thanhnienviet.vn