Bi kịch của cậu bé ”thần đồng” người Mỹ khiến bất kỳ ai cũng phải luyến tiếc, xót xa.
”Thần đồng” nói được 8 thứ tiếng
William James Sides sinh ngày 1 tháng 4 năm 1898 tại Hoa Kỳ. Cha mẹ ông đều là những người có học vấn cao trong xã hội thời buổi đó. Cha của William là Boris Sides, một người nhập cư Do Thái gốc Ukraina, có bằng Tiến sĩ Y khoa, Triết học và là Giáo sư tâm lý học nổi tiếng. Mẹ của William là bà Sarah Mandelbaum Sidis, từng tốt nghiệp trường Y khoa thuộc Đại học Boston năm 1897.
Giáo sư Boris Sides và bác sĩ Sarah kết hôn vào năm 1898 và sinh ra William James Sides. Có cha mẹ là những người xuất chúng nên cậu bé này cũng được thừa hưởng gen di truyền. Ngay từ khi còn nhỏ, William đã bộc lộ trí thông minh và khả năng ngôn ngữ nhanh nhạy hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Theo chia sẻ của ông Boris Sides, mới 6 tháng tuổi, William đã có thể nói được từ ”nhôm” trong tiếng anh (aluminium), 2 tháng sau đã chỉ ra mặt trăng là vệ tinh của trái đất, 18 tháng tuổi đã đọc tạp chí The New York Times một cách trôi chảy.
Nhận thấy sự đặc biệt ở con trai, ông Boris Sides quyết định không cho William đi học mà được cha mẹ giáo dục tại nhà. Ông cũng tiến hành nghiên cứu những lý thuyết giáo dục mầm non mới rồi áp dụng vào quá trình nuôi dạy con trai.
Càng lớn, trí thông minh và khả năng ngôn ngữ của William càng vượt trội. Năm 2 tuổi, cậu bé này tự học tiếng Latinh và Hy Lạp, đến năm 4 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo 2 loại ngôn ngữ này để đọc sách và tra cứu thông tin. Khi mới 6 tuổi, William đã học các kiến thức về ngôn ngữ học, giải phẫu học và cả logic. Đến năm 7 tuổi, cậu bé thi đỗ trường Y thuộc Đại học Harvard. Tuy nhiên, vì tuổi quá nhỏ nên William không thể nhập học theo quy định của trường.
Thành tích đáng nể của cậu bé thiên tài này không chỉ dừng lại ở đó, Đến năm 8 tuổi, William đã có thể nói được 8 loại ngôn ngữ khác nhau, đó là Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và một ngôn ngữ mới do chính cậu tạo ra ra. Cậu cũng xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh của trường MIT.
Năm William lên 9 tuổi, cậu tiếp tục chinh phục thành công bài thi đầu vào của Đại học Harvard, nhưng 2 năm sau mới có thể nhập học. Tại đây, William được đánh giá là một trong những học viên xuất sắc nhất của ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới. Năm 11 tuổi, William đã thành thạo toán cao cấp và chuyển động thiên thể.
Một giáo sư tại MIT từng dự đoán William sẽ trở thành nhà toán học vĩ đại trong tương lai và là người đi đầu trong lĩnh vực này. Năm 17 tuổi, William tốt nghiệp bằng xuất sắc của Đại học Harvard, sau đó được giữ lại trường giảng dạy bộ môn hình học Euclide, hình học phi Euclide và lượng giác đến năm 21 tuổi. Thế nhưng, những ngày tháng sau là vô vàn biến cố đã xảy đến với cuộc đời của cậu bé thông minh, tài năng này.
Biến cố cuộc đời
Sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên, cuộc sống của William vẫn nằm trong sự kiểm soát và kìm kẹp của người cha. Điều này đã khiến cậu mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như cuộc sống sau này. Năm 18 tuổi, William bắt đầu từ chối học toán để thể hiện sự phản kháng với cha. Ông xin nghỉ công việc giảng dạy ở Đại học Harvard và chuyển sang học trường Luật.
Một năm trước khi tốt nghiệp ngành Luật, William bị bắt giam vì tham gia biểu tình và thể hiện quan điểm chính trị quá đà. Thậm chí, bố mẹ còn gửi cậu vào viện an dưỡng với hy vọng có thể ”cải tạo”, ”chỉnh sửa” lại quan điểm chính trị của con trai.
Đến năm 23 tuổi, William chính thức thoát khỏi sự kìm kẹp và sự can thiệp một cách thái quá của người cha. Cậu cũng không theo đuổi sự nghiệp giảng dạy dù nhận được nhiều lời mời từ các trường đại học. William chọn cuộc sống abình thường, giản dị như bao người và không còn hào quang của một ”thần đồng” học giỏi như xưa. Cậu kiếm sống bằng công việc bốc vác tại các khu nhà máy và xí nghiệp. Đến năm 46 tuổi, William qua đời vì đột quỵ.
Câu chuyện của ”thần đồng” William James Sides làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận gắt gao về cách nuôi dạy và giáo dục con cái. Phần đông cho rằng cha của William đã kìm kẹp, ép buộc con một cách thái quá trong quá trình học tập cũng như cuộc sống cá nhân. Ngoài ra, quan điểm tự dạy con tại nhà của cha William cũng bị chê trách vì đang kìm nén sự phát triển về cả thể chất, tinh thần và các mối quan hệ của con.
Theo Toutiao-Khuê Hiền–Đời sống Pháp luật