Cậu bé 11 tuổi đã tự học viết code, vật lý và hoá học để chế tạo tên lửa. Trước đó, cậu bé được mời giảng bài về khoa học vũ trụ cho các bạn cùng trường tại lễ khai giảng khi mới 9 tuổi
Yan Hongsen (11 tuổi), là một học sinh lớp 5 đến từ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc đã tự học lập trình, vật lý và hóa học, sau đó viết 600 dòng code để vận hành cho tên lửa mini tự chế
Yan Hongsen đã ghi lại hành trình phát triển tên lửa của mình trên Douyin (mạng xã hội Trung Quốc) và đã thu hút tới 440.000 người theo dõi. Cậu bé cũng được dân mạng ưu ái gọi là “cậu bé tên lửa”.
Chia sẻ với tờ SCMP, cha của cậu bé cho biết, niềm đam mê với tên lửa và thiên văn học của con mình bắt đầu khi cậu bé mới 4 tuổi, sau một chuyến thăm đến trung tâm phóng tên lửa và chứng kiến tận mắt tên lửa Long March – 2 cất cánh.
Bắt đầu từ khi học mẫu giáo, anh đã tham gia các khóa học lập trình trực tuyến và tự học vật lý, hóa học qua sách, video và diễn đàn với những anh chị cùng đam mê về thiên văn học trên các diễn đàn trực tuyến.
“Nhiều người cho rằng tôi đã giúp cháu thiết kế, nhưng tôi không biết gì cả. Cháu tự học về lập trình máy tính, vật lý, hóa học, lý thuyết hàng không vũ trụ và mạch điện tử thông qua các khóa trực tuyến”, cha của Hongseng với People.cn
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho sở thích của con trai trong ngành hàng không vũ trụ, cha mẹ của Yan đã biến phòng khách thành “xưởng” nghiên cứu tên lửa cho con trai của họ.
Tháng 8/2022, khi 9 tuổi, cậu bé bắt tay chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn đầu tiên của mình. Sau 10 tháng, sản phẩm đầu tiên ra đời và được đặt tên Sen Xing, nghĩa là “Tiến lên phía trước” – tượng trưng cho mong muốn vươn xa hơn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Tháng 6/2023, Sen Xing được phóng lên. Dù ban đầu bay thành công, tên lửa sau đó gặp vấn đề và rơi ngược trở lại Trái Đất. Ngay sau khi tên lửa bay lên, bộ phận đẩy của nó đã không bung dù sau khi tách ra. Các thành phần còn lại cũng bị hư hỏng, dẫn đến vụ rơi.
Không hề nản lòng, Yan thu thập những mảnh vỡ rải rác mà không hề tỏ ra buồn bã, và bắt đầu phân tích nguyên nhân gây ra sự thất bại.
“Nitrôcellulose không phát nổ như mong đợi, lò xo và pin lithium cũng bị hỏng. Có lẽ vẫn còn vấn đề ở phần kết nối thân tên lửa”, Yan nói.
Kể lại về lần phóng tên lửa đầu tiên của con trai, cha của Yan nói rằng, dù tên lửa bị rơi, đó vẫn là lần thực hiện thành công đầu tiên của con trai ông. “Khi đó, tôi rất hồi hộp, nhưng con trai vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh”, ông chia sẻ.
Hiện, Yan đang sửa lại tác phẩm của mình và dự định phóng trong thời gian tới. Trong video mới nhất, cậu bé giới thiệu 600 dòng mã đã viết cho hệ thống điều khiển bay của tên lửa phiên bản mới.
Cha của Hongseng – một người làm trong ngành du lịch cho biết mình ủng hộ con vô điều kiện. Xuất hiện cùng con trên Douyin ở nhiều video, ông cho biết bản luôn sát cánh với con, đồng thời hỗ trợ kiến thức và tìm chuyên gia để giúp con vượt rào cản kỹ thuật.
“Trong khi những học sinh khác đang tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ thi, cậu bé lại bị ám ảnh bởi việc chế tạo tên lửa”, cha cậu nói với People.cn hồi tháng 2.
Tuy nhiên, thành tích học tập của Yan Hongsen cũng luôn có thành tích học tập tốt. Điểm số trong các môn học của em luôn đứng tốp của cả lớp.
Nói thêm về con trai, cha của Yan Hongsen cho biết cậu bé có kế hoạch rất rõ ràng cho tương lai. Cụ thể, em hy vọng trúng tuyển một trong 7 trường đại học quốc phòng hàng đầu tại Trung Quốc.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Yan được biết đến tại xứ tỷ dân. Trước đó, vào tháng 7/2022, cha của Yan Hongsen đăng lên mạng xã hội một đoạn video quay cảnh cậu bé chỉ ra rằng tên lửa Long March 3 đã bị gọi sai thành tên lửa Long March 5 trong phim tài liệu chiếu cho du khách tại một cung thiên văn ở Lhasa, Tây Tạng.
Sau khi được biết đến vì chỉ ra lỗi sai đó, Yan được trường tiểu học nơi em theo học mời giảng dạy về khoa học vũ trụ cho học sinh toàn trường nhân dịp năm học mới. Nhờ đó, các học sinh ở trường trở nên quan tâm và yêu thích khoa học vũ trụ nhiều hơn.
Khánh Linh–Nhịp Sống Thị Trường