Đó là nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, mặc thế giới đang chịu nhiều bất ổn từ thương chiến Mỹ – Trung.
Tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống 6,7% trong năm 2019 so với 7,2% quý IV/2018. Dù vậy, con số này cũng đủ làm cho Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,8% trong năm nay so với mức 5,3% trong năm 2018, do tăng trưởng xuất khẩu đang trong tình trạng ảm đạm, sự gia tăng bảo hộ thương mại và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu. Singapore dự đoán chỉ tăng trưởng khoảng 1,9% trong năm 2019 so với 3,1% năm 2018.
Tăng trưởng GDP chung của khu vực Đông Nam Á chậm lại ở mức 4,6% trong quý I/2019, giảm so với mức tăng trưởng 5,3% được ghi nhận trong nửa đầu năm 2018. Đây là kết quả của sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, sự chậm lại trong chu kỳ Công nghệ thông tin toàn cầu và sự gia tăng bảo hộ thương mại trong năm qua.
Tương tự, sự suy giảm trong đà xuất khẩu trên toàn khu vực tiếp tục diễn ra trong quý II/2019. Xuất khẩu tại các nền kinh tế Đông Nam Á đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh, ngoại trừ Việt Nam. Tháng 4-2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tính theo USD cao hơn 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, nếu so với mức tăng trưởng 13,3% trong năm 2018 thì Việt Nam không còn giữ được đà tăng trưởng tốt.
FDI và sản xuất hàng hóa dự kiến sẽ vẫn là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng.Theo Cơ quan Đầu tư nước ngoài, 2 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất 3 năm là 2,6 tỷ USD. Trong tất cả, ngành sản xuất và chế biến thu hút nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài.
“Sở dĩ Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là bởi các tập đoàn đang cấp tập điều chỉnh lại chuỗi cung ứng nhờ ‘lực đẩy’ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra, không ít tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã manh nha ý định chuyển nhà máy hoặc tìm nhà cung cấp ở nước khác vì lao động ở Trung Quốc đã hết rẻ“, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng chuyên gia kinh tế Oxford khu vực Châu Á, cho biết.
Tuy nhiên, việc Việt Nam thu hút rất tốt đầu tư nước ngoài, không chỉ bởi nền kinh tế có lao động giá rẻ – tới năm 2027 vẫn rẻ hơn 1/3 so với Trung Quốc, mà còn vì có môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng ổn và nhiều ưu đãi về thuế. Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã tăng rất nhiều thứ bậc trên thang đo về Môi trường dễ dàng kinh doanh. Theo thống kê năm 2018, chúng ta đang đứng thứ 4 châu Á, chỉ sau Phillippines, Ấn Độ, Indonesia và đứng trước Nhật, Trung Quốc, Thái Lan…
Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng, sau khi bỏ Trung Quốc thì Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất của Mỹ mà còn rất nhiều ứng viên khác trong và ngoài Đông Nam Á. Ví dụ: trong mảng viễn thông, Việt Nam rất mạnh, hơn cả Mexico; nhưng gần đây, mảng cung ứng của viễn thông Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của Lào hay Bangladesh.
Theo bà Sian Fenner dự đoán: trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chi khoảng 7,3% GDP để tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng Chính phủ sẽ giảm đầu tư trực tiếp vì nợ công ngày càng cao, mà họ sẽ kêu gọi FDI hoặc thành phần tư nhân. Thương mại của Việt Nam cũng sẽ rất phát triển, nhờ sự bùng nổ của thương mại điện từ và ngành du lịch.
“Nếu mọi chuyện thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam có thể trở thành 1 trong 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu“, bà Sian Fenner dự đoán.
Cùng chung quan điểm với bà Sian Fenner, còn có JLL. Theo doanh nghiệp đến từ Mỹ này, thì Việt Nam sẽ có thể là “một con hổ mới của châu Á” và sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong giai đoạn đến những năm 2050, với mức tăng trưởng hơn 5% mỗi năm.
Theo họ, có 3 công trình về hạ tầng lớn sẽ khởi công xây dựng hoặc dự kiến hoàn tất trong năm 2020, cũng là động lực để Việt Nam có thể bật lên: sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ khởi công trong năm 2020 và nếu chính thức đi vào hoạt động có thể phục vụ hơn 100 triệu lượt khách/năm, dự án đường cao tốc Bắc Nam nối liền Hà Nội – TP. HCM, tuyến metro đầu tiên ở TP. HCM đưa vào hoạt động với 5 tuyến khác được đưa vào kế hoạch.
Ngoài ra, JLL còn cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế cực lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nhờ cảng Hải Phòng.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam, nhận định: “Với vị trí cách biên giới Trung Quốc khoảng 200 km, Hải Phòng được xem là trung tâm sản xuất tiềm năng của ASEAN trong chiến lược Trung Quốc+1, có khả năng tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN.
Hải Phòng còn được coi là điểm nóng đầu tư trong thời gian qua khi thu hút lượng lớn vốn FDI đổ về cộng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng tiềm năng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến. Vùng kinh tế Hải Phòng mang đến vô số lợi ích cho những công ty đến đây thiết lập trụ sở, góp phần làm thành phố này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Trên thế giới có rất nhiều thành phố cảng tương tự Hải Phòng như London và Amsterdam. Khi được phát triển thành công, những thành phố này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và đóng vai trò kết nối quan trọng giữa vận tải đường biển và đường bộ“.
Quỳnh Như – Theo Trí Thức Trẻ