Sau 15 năm thành lập, ANJLE đã trở thành “lão đại” trong ngành kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng, điều đáng nói, ông chủ của công ty lại là những người vốn không hề có khái niệm về “hàng xa xỉ”.
01-Tuổi thơ không sung túc: “Khoảng thời gian đó quả thực rất khó khăn”
Lôi Vũ Xuân, Lôi Vũ Liên và Lôi Vũ Điền xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm trà lâu năm tại Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, “nếu những người khác tan học về thì đi làm bài tập về nhà, chúng tôi tan học về phải giúp đỡ cha mẹ làm trà, đỡ cha mẹ việc nhà rồi sau đó mới có thể ngồi xuống làm bài tập. Nhà tôi cũng nuôi lợn, đàn lợn phần lớn do tôi và em trai nuôi lớn“, Lôi Vũ Liên chia sẻ.
Dù gia cảnh nghèo khó nhưng cha của họ luôn tâm niệm cho con cái học hành tới nơi tới chốn để thoát nghèo, “Cha mẹ tôi luôn quan niệm chỉ có học hành mới có thể thay đổi được cuộc sống hiện tại, vì chúng tôi, vừa không có điều kiện kinh tế, vừa không có địa vị xã hội. Mặc dù điều kiện kinh tế không tốt, nhưng cha mẹ nhất quyết muốn đầu tư vào việc học cho chúng tôi“, anh cả Lôi Vũ Xuân chia sẻ.
Vì điều kiện gia đình khó khăn, sau khi học hết cấp 2, Lôi Vũ Liên chủ động xin cha mẹ cho mình nghỉ học. Anh cả Lôi Vũ Xuân và em út Lôi Vũ Điền tiếp tục theo học hết đại học.
“Sau khi học hết cấp 3, tôi thi vào trường đại học khoa học công nghệ Chiết Giang. Sau khi vào đại học, tôi không muốn phụ thuộc vào gia đình vì điều kiện gia đình cũng rất có hạn. Năm nhất đại học tôi mở một lớp dạy mỹ thuật. Khi đó tôi nghĩ muốn thông qua nỗ lực của bản thân, đầu tiên là giải quyết vấn đề của mình trước, sau đó giải quyết vấn đề của người khác“, Lôi Vũ Xuân nói.
Về phần em trai Lôi Vũ Điền, sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm giáo viên được khoảng 1 năm, anh cũng nảy ra suy nghĩ muốn theo anh trai kinh doanh, “Sau khi học xong, tôi đi làm thầy giáo được khoảng 1 năm, còn anh cả khi đó tự mình khởi nghiệp, trong khoảng thời gian đó, tôi phát hiện ra, cuộc sống mà anh ấy đang sống mới là cuộc sống mà tôi muốn“, Lôi Vũ Điền chia sẻ.
02-Con đường thoát nghèo: “Chúng tôi cứ từng bước từng bước đi lên”
Xuất phát điểm là sinh viên khoa học công nghệ, tuy nhiên sau khi ra trường, Lôi Vũ Xuân dấn thân vào một ngành nghề không liên quan tới chuyên môn của bản thân, “khi đó tôi cảm thấy ngành này (ngành hàng xa xỉ) nhất định kiếm ra tiền. Rất nhiều người hỏi tôi vì sao lại chọn ngành này, khi đó, ấn tượng của tôi là, đôi giày mà tôi đi có khi còn chưa tới 100 tệ, nhưng giá cho việc giặt một chiếc túi xách thôi cũng kiếm được 500 tệ, chiếc nào đắt hơn thậm chí còn có giá 1000 tệ, khi đó tới tên thương hiệu tôi còn chưa từng nghe qua. Tại sao giặt một chiếc túi xách thôi mà đắt như vậy? Họ giặt nó như thế nào? Khi đó tôi nghĩ nếu một ngày giặt được 2 chiếc túi, vậy chẳng phải sẽ kiếm được 1000 tệ ư. Việc cần tới nỗ lực, cần tôi chịu được vất vả, lao động chân tay, tôi làm được.”
Họ bắt đầu với 3 người, Lôi Vũ Xuân và ba mẹ, sau đó, em gái Lôi Vũ Liên khi đó đang làm công việc bán trang sức cũng đã quyết định theo anh trai khởi nghiệp, cuối cùng là em trai, sau khi làm giáo viên một năm cũng đã theo anh trai kinh doanh, tạo thành một công ty gia đình.
“Ban đầu cửa hàng rất nhỏ, số lượng khách hàng cũng không nhiều, để duy trì, chúng tôi đã làm rất nhiều việc mà vốn không có trong kế hoạch, chẳng hạn, những chiếc chăn trong các khách sạn chúng tôi cũng nhận giặt. 2h, 3h sáng vẫn ngồi giặt giày, giặt quần áo, ban ngày vẫn đi làm, vẫn nhận đơn, khi đó điều kiện làm việc không tốt, không thể bật điều hòa, vào mùa đông, có những ngày giặt đồ tới mức da tay nứt nẻ. Khi đó phòng nhỏ, không đủ chỗ cho cả nhà, anh tôi phải trải chăn ngủ lại cửa hàng“, Lôi Vũ Điền bày tỏ.
Theo đó, tuy có những ngày phải làm việc tới 1,2h sáng, nhưng giai đoạn đó cũng chính là giai đoạn giúp họ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, nhiều kỹ thuật, cứ như vậy, họ duy trì cửa hàng trong suốt 4,5 năm. Khi kiếm được lợi nhuận, họ sẽ không chia ra mà lấy tiền đó tiếp tục, không ngừng đầu tư vào cửa hàng.
Kiên trì tới năm 2012, công việc kinh doanh bắt đầu tiến triển theo chiều hướng đi lên. Họ bắt đầu kinh doanh trên Taobao, dần dần sau đó mở rộng sang Weibo, Douyin, từng bước từng bước có được công ty như hiện tại.
Từ năm 2008-2014, trọng tâm kinh doanh của ANJLE là “bảo dưỡng” những món đồ xa xỉ đã qua sử dụng, khi đó, họ vẫn chưa chính thức bắt đầu buôn bán sản phẩm mà đang trong quá trình tích lũy một lượng lớn khách hàng, đồng thời tập trung vào khâu chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng.
Cuối năm 2013, họ bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực “giám định” sản phẩm, “khi đó tôi nghĩ nếu muốn kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng, vậy thì bản thân phải có một nền kiến thức cơ bản giúp phân định hàng thật hàng giả“, Lôi Vũ Xuân chia sẻ.
Giai đoạn năm 2014- 2018, công ty bắt đầu buôn bán nhưng vẫn theo hình thức cửa hàng truyền thống.
Từ năm 2019, họ bắt đầu sáng tạo các video ngắn trên nền tảng Douyin (phiên bản Trung Quốc của ứng dụng Tiktok), theo anh cả Lôi Vũ Xuân thì đây là lúc họ muốn cho khách hàng cũng như người xem thấy được những kinh nghiệm tích lũy cũng như kiến thức chuyên môn của bản thân. Sau đó, họ bắt đầu bán hàng thông qua hình thức livestream, một cú hích đem lại hiệu quả vô cùng lớn cho công việc kinh doanh.
Giai đoạn từ năm 2019 cho tới nay được ba anh em gọi là giai đoạn phát triển nhanh chóng. Họ chia sẻ rằng trong tương lai muốn phát triển công ty theo hướng phục vụ, hướng nền tảng.
Hiện tại, sau 15 năm thành lập, ANJLE đã trở thành “lão đại” trong ngành kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng.
03-Bí kíp duy trì “công ty gia đình” lớn mạnh: Đoàn kết!
Bàn về bí kíp duy trì công ty theo hình thức gia đình, có thể gói gọn trong sáu chữ “đoàn kết” và “tin tưởng lẫn nhau”.
Điền Vũ Liên chia sẻ, “Khởi nghiệp bao nhiêu năm nay, nếu là những cặp anh chị em khác có lẽ sẽ cần tính toán khá rạch ròi trong công việc, nhưng chúng tôi chưa từng tính toán với nhau. Những năm đầu tiên khi đi theo anh trai, tôi nói với anh, anh không cần tính toán rạch ròi như vậy, anh chỉ cần nói với em là sẽ chia cho em bao nhiêu tiền là đủ, lúc nào đó anh cần tiền mà em không cần gấp, vậy thì anh cứ lấy mà dùng. Ba mẹ luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, anh chị em với nhau cần phải đoàn kết. Nếu anh chị em ruột thịt với nhau mà còn không đáng tin cậy, vậy thì ra ngoài kết bạn, bạn cũng chưa chắc đã kết bạn được với những người đáng tin cậy.”
Sự lãnh đạo, quyết đoán của anh cả Lôi Vũ Xuân cũng là một trong những yếu tố giúp duy trì công ty cũng như tình cảm anh chị em, “trong cuộc sống hay công việc, mỗi khi khó khăn xuất hiện, tôi sẽ luôn là người xông ra đầu tiên, đứng lên phía trước. Sẽ có những lúc khó khăn, sợ hãi nhưng tôi không quá để ý, cứ tiến lên phía trước thôi. Những đứa trẻ xuất thân nông thôn thường sớm chín chắn hơn, cần kiên cường hơn“, Lôi Vũ Xuân nói.
04–Kinh doanh cần “tầm nhìn”, nhưng để duy trì, cũng cần cái “tâm”
Sự đoàn kết, tình yêu thương từ cấp lãnh đạo có lẽ là điều nổi bật bên trong văn hóa của công ty ANJLE.
Một người cha luôn tâm niệm cho các con những điều tốt đẹp nhất, “ba tôi bị đau dạ dày, có những lúc đau tới nỗi rên rỉ lên vào buổi đêm, nhưng nhất quyết không chịu đi bệnh viện, ông muốn để dành tiền nuôi ba chúng tôi ăn học“.
Những bậc phụ huynh luôn ủng hộ con cái trong chính lựa chọn của chúng, ngay cả khi người ngoài hoài nghi con cái của mình, “từng có đài tới phỏng vấn tôi, khi đó, họ nói rằng”tốt nghiệp đại học đi giặt giày cho người ta”, khi đó tôi có cảm giác gì đó rất xấu hổ “, họ vẫn ủng hộ con trai mình, là những “cộng sự” đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp của con, “mỗi ngày, ban ngày vận hàng, buổi tối làm việc, bố mẹ tôi ngày nào cũng làm việc, có những ngày giặt giũ tới 1,2h sáng. Họ chính là tấm gương, để tới bây giờ, chúng tôi vẫn chăm chỉ làm việc, thức khuya nghiên cứu, tìm hiểu, làm việc mà không nề hà”.
Một người anh cả luôn đứng ra phía trước, luôn nghĩ cho các em, “Anh ấy luôn hi sinh bản thân vì chúng tôi, từ những việc nhỏ nhất như mua quà cho bố mẹ, hoặc là anh ấy mua, hoặc là anh ấy bỏ ra nhiều tiền hơn, sau đó sẽ nói với ba mẹ là ba đứa cùng mua tặng ba mẹ“.
Một người chị từ bỏ việc học vì anh cả và em trai, “học hết trung học tôi nghỉ học, 17 tuổi bắt đầu đi làm, vì điều kiện gia đình khó khăn, 3 anh chị em độ tuổi gần nhau, vì học lực cũng bình thường nên quyết định nghỉ học đi làm để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, nhường anh và em đi học, dù sao thì tôi cũng là con gái, nghỉ học cũng không sao, đi làm kiếm vài triệu đồng vẫn có thể sống được“.
Một người em luôn kính nể, biết ơn và trân trọng gia đình và anh chị của mình, “khi đó tôi vừa tốt nghiệp, mọi người nói nên tìm một cô bạn gái, Ở Hàng Châu muốn tìm được bạn gái, điều kiện đầu tiên có lẽ là phải có một cái nhà, khi đó, anh chị đã đem hết tất cả tiền tiết kiệm của mình rồi đi vay đi mượn để mua cho tôi một căn hộ. Có một khoảng thời gian khi đó vẫn đang làm giáo viên, có một hôm tâm trạng của tôi cực kì không tốt, lúc đó thật sự rất muốn đi về nhà nghỉ ngơi một lát, buổi tối hôm đó anh trai lái xe tới đợi tôi ở ngoài, đợi tôi dạy xong rồi lái xe hai anh em cùng về nhà. Sẽ luôn luôn có những việc tuy rất nhỏ nhặt nhưng nó lại khiến bạn nhớ mãi.“
Tất cả tạo nên một đế chế kinh doanh mà người hưởng lợi chính là các thành viên trong gia đình.
“Anh em trên kính dưới nhường
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.”
Ở họ, chúng ta không chỉ học được bài học về sự quyết đoán, dũng cảm, dám bước ra khỏi định kiến để thay đổi số phận, sự kiên trì trên con đường lập thân, trân quý hơn cả, chúng ta học được bài học về giá trị của tình thân, của hai chữ “gia đình”.
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật