Ba chiến lược tăng trưởng mới được VNG công bố tại ĐHĐCĐ 2024 mới đây là AI, Go Global và Nền tảng. Doanh nghiệp này không hề che giấu mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong và đứng đầu Việt Nam lẫn khu vực và AI. Trong bối cảnh cả thế giới đều đang “sốt xình xịch” với AI, mục tiêu này liệu có nằm trong tầm với?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần nhìn lại VNG đang có gì trong tay. Xuất phát điểm là một doanh nghiệp kinh doanh game online vào 20 năm trước, VNG đã bật lên một cách thần tốc nhờ những tựa game có thể coi là biểu tượng của ngành game và Internet Việt Nam như Võ lâm Truyền kỳ. Không rõ họ đã làm thế nào, nhưng một công ty non trẻ, mới thành lập và chỉ có vài nhân viên khi ấy đã trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên thương lượng thành công với đại gia game toàn cầu Kingsoft để mang game có bản quyền về phát hành tại Việt Nam. Võ Lâm Truyền kỳ đã đạt 120.000 tài khoản đăng ký tài khoản Close Beta (thử nghiệm) chỉ sau 48 tiếng mở cửa trên website; đạt đỉnh 20.000 người chơi truy cập tại cùng một thời điểm trong vòng 1 tháng.
Khi đang ở đỉnh cao cùng game PC, VNG cũng chính là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi quyết định chuyển hướng hoàn toàn từ PC sang Mobile, lần lượt cho ra đời những ứng dụng và nền tảng quen thuộc như Zing MP3, Báo mới và đặc biệt là Zalo – ứng dụng liên lạc phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, vượt qua cả các ứng dụng toàn cầu như Facebook Messenger, Viber, Instagram…
Đến năm 2018, theo chia sẻ của Nhà sáng lập kiêm CEO Lê Hồng Minh tại ĐHCĐ 2024, VNG tiếp tục nhảy vào một mảng kinh doanh mới là điện toán đám mây, trước khi đặt cược cho thị trường thanh toán điện tử và fintech với Zalopay.
“Không chỉ duy trì các sản phẩm, dịch vụ lõi từ 20 năm qua mà chúng tôi đã không ngừng sáng tạo, thay đổi công nghệ để bắt kịp những làn sóng công nghệ mới nhất trên thế giới”, ông Minh cho biết.
Tuy vậy, có một thực tế là Game – mảng kinh doanh lõi đầu tiên – vẫn là mảng làm ra tiền chủ đạo cho VNG. Zalo vẫn đang tích cực đưa ra các mô hình kinh doanh và xây dựng các tính năng thu phí để tạo ra giá trị cho người dùng doanh nghiệp hoặc có nhu cầu đặc thù, với mong muốn trở thành nền tảng số 1 để người dùng tương tác với doanh nghiệp tại Việt Nam. Zalo hiện có 75,8 triệu người dùng hàng tháng, với doanh thu từ dịch vụ B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng trưởng 150% so với 2022.
“Zalo đã có lợi nhuận và doanh thu của Zalo tăng trưởng tốt từ năm 2019 đến nay. Các đầu tư của VNG vào Zalo là tập trung vào xây dựng các nền tảng doanh thu dài hạn. VNG đánh giá việc thu phí các dịch vụ và các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn thu tốt và ổn định trong tương lai”, ông Minh tiết lộ.
Cuộc chơi với Zalopay, dù vậy, có vẻ khắc nghiệt hơn. Được biết, trong năm 2021, Zalopay ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng; năm 2022 lỗ hơn 1.300 tỷ và năm 2023 lỗ 721 tỷ. Thị trường ví điện tử cũng không hề “dễ nhằn”. Sau sự chia tay của Grab với ví điện tử Moca, thị trường này chỉ còn lại khoảng 5 tên tuổi còn bám trụ được với thị phần đáng kể, như Momo, Zalopay, VNPay… “Chúng tôi xác định chiến lược duy trì tăng trưởng, nhưng giảm mức độ đầu tư để tối ưu hiệu quả. Trọng tâm của Zalopay tới đây là phát triển ứng dụng vượt ra khỏi giới hạn của ví điện tử, chẳng hạn như phát triển mạnh mẻ mã thanh toán đa năng VietQR và đẩy mạnh phạm vi thanh toán”, ông Minh cho biết. Với chiến lược này, VNG kỳ vọng Zalopay sẽ tăng trưởng đúng hướng và sớm đạt điểm hòa vốn.
Theo đuổi cuộc chơi lớn hơn
Với những chỉ số tài chính không thật sự “đẹp”, VNG vẫn quyết tâm nhảy vào cuộc chơi AI và Trung tâm dữ liệu, những cuộc chơi đòi hỏi nguồn lực “khủng”. Nhưng ông Minh khẳng định: đầu tư cho Zalo, thanh toán điện tử, AI và thị trường nước ngoài là “sự đầu tư cần thiết” cho sự tăng trưởng bền vững của VNG.
Trong đó, AI là chiến lược quan trọng hàng đầu, vì nó sẽ “thay đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo kinh tế thế giới trong 10-20 năm tới”. Ngay từ đầu năm 2023, VNG đã xác định phải đầu tư mạnh cho AI và định hướng này xuyên suốt mọi hoạt động cũng như chiến lược phát triển của họ. VNG hiện là một trong số ít doanh nghiệp đầu tư AI ở cả 3 lớp: Hạ tầng, Nền tảng và Ứng dụng, trong đó, họ đang tăng tốc rất dứt khoát ở lớp hạ tầng, chia sẻ tầm nhìn với nhà sáng lập Jensen Huang của đại gia chip NVIDIA về việc hạ tầng AI và AI Cloud sẽ thay đổi toàn bộ thế giới.
Ngày 24/6 vừa qua, GreenNode, nhánh kinh doanh chuyên về AI Cloud của VNG, đã hợp tác cùng NVIDIA và STT GDC khai trương trung tâm dữ liệu AI quy mô lớn tại Bangkok (Thái Lan), cung cấp trọn gói dịch vụ từ hạ tầng đến ứng dụng AI cho khách hàng toàn cầu. Đây là một trong những hạ tầng AI Cloud quy mô lớn đầu tiên của Đông Nam Á, do đội ngũ GreenNode tự vận hành. Dù chỉ mới thành lập từ tháng 11/2023, GreenNode hiện đã là đối tác ưu tiên về dịch vụ đám mây (NCP) của Nvidia.
“VNG muốn đi đầu cả về đầu tư, triển khai, thương mại hóa và kiếm được tiền từ AI”, ông Minh nhấn mạnh. Điều này thể hiện ở việc GreenNode đã giành được nhiều hợp đồng đầu tiên, trị giá nhiều triệu USD với khách hàng quốc tế, một tốc độ thương mại hóa được đối tác STT GDC đánh giá là “nhanh xuất sắc”.
Tương tự, với trung tâm dữ liệu, VNG cũng đang lựa chọn một chiến lược khá “biết người biết ta”. Chia sẻ về chiến lược này, ông Minh cho biết Trung tâm dữ liệu (DC) là xương sống của mọi doanh nghiệp Internet, nhưng VNG hiểu rõ mình không phải là một nhà kinh doanh DC quy mô lớn. “DC là ngành kinh doanh toàn cầu. Ngay cả những đại gia DC lớn nhất thế giới như Microsoft, Amazon… cũng có chiến lược vừa tự xây, vừa đi thuê để tiết kiệm nguồn lực và thời gian xây dựng”. Bên cạnh đó, DC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ, vì vậy, bài toán đặt ra cho VNG là vừa phải tham gia để có sự hiện diện toàn cầu, nhưng vừa phải giảm thiểu mức độ đầu tư. Chính vì vậy, việc đồng hành cùng những đối tác mạnh như STT GDC, nhà phát triển DC lớn nhất châu Á với 95 DC trên toàn thế giới, là một nước cờ hợp lý. Sự hợp tác này vừa đảm bảo VNG không tốn quá nhiều nguồn lực, lại vừa thông qua STT GDC tiếp cận được với những cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên toàn cầu để phục vụ công việc kinh doanh của mình.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, VNG và STT GDC đã chính thức công bố hợp tác để xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế tại TP.HCM. Hợp tác bao gồm tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center), và thành lập Trung tâm dữ liệu mới STT VNG Ho Chi Minh City 2 (dự kiến hoạt động vào nửa đầu năm 2026).
Đi chắc bước cờ Hạ tầng, bao gồm DC và AI Cloud, VNG cũng đang nhập cuộc khá nhanh với lớp nền tảng và ứng dụng AI. Cuối tháng 12/2023, Zalo đã ra mắt Mô hình ngôn ngữ lớn LLM 7 tỷ tham số và được đánh giá là đạt 150% năng lực GPT 3.5 theo Bộ Tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt VMLU. Ở lớp Ứng dụng, GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đang được tích cực ứng dụng để nâng cấp dịch vụ cho người dùng, điển hình là AI Avatar – ứng dụng đầu tiên của GenAI do Zalo phát triển đã thu hút 6,8 triệu người dùng trong năm 2023. Trợ lý ảo thông minh Kiki hiện đã được cài đặt trên 600.000 xe ô tô và ghi nhận khoảng 230.000 lượt truy cập mỗi ngày.
“Tôi nghĩ khó khăn đối với chúng tôi, cũng như mọi công ty công nghệ hoặc startup khác, là thực sự cân bằng được giữa việc theo trend hot nhất và thực sự tập trung vào vài thứ mà bạn tin rằng mình có thể làm tốt, tạo dựng uy tín và kinh doanh lâu dài”, ông Minh từng chia sẻ như vậy tại Saigon Summit cuối tháng 5. Nhà sáng lập VNG hiểu rõ, rất nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào cuộc chơi hot này, nhưng chiến lược của VNG là rất rõ ràng. Làm chủ hạ tầng, tạo ra doanh thu và lợi nhuận ngay lập tức; xác định mình là doanh nghiệp toàn cầu với tầm nhìn thị trường toàn cầu và khách hàng toàn cầu. Đó là cách mà VNG sẽ “liều lĩnh” để bắt kịp làn sóng AI và thậm chí đi đầu về AI trong khu vực.
Rất nhiều nỗ lực đã được nhìn thấy, nhưng công nghệ là cuộc chơi khốc liệt và biến đổi không ngừng. VNG có thể tiếp tục đi xa đến đâu, liệu họ có thực hiện được mục tiêu tham vọng của mình hay không, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Ánh Dương–Tổ Quốc