Chúng tôi trở lại khu vực cồn cát ven biển thuộc xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) với ý định tìm hiểu nghề săn bắt con dông cát. Từng là loài bị săn bắt, ngày nay dông cát trở thành vật nuôi tiền triệu.
Ký ức kinh hoàng
Anh Phùng Minh Tuyền, người chính gốc Thiện Nghiệp, kể lại những ký ức kinh hoàng về công việc săn loài dông cát hay còn gọi là con kỳ nhông, loài bò sát được mệnh danh là “vua của đồi cát” sinh sống nhan nhản trên những cồn cát ven biển, người dân trong làng thường đi bắt về chế biến thành các món ăn thường ngày.
Cách đây chừng hơn 10 năm, khi có thông tin lan truyền rằng thịt con dông có tác dụng “cường dương, bổ thận” thì cũng là lúc loài bò sát này được ráo riết săn lùng.
“Những năm đó, bất kể ngày hay đêm, người dân trong xã đều đổ xô ra những đồi cát để săn bắt dông bán cho thương lái. Giá một ký dông có lúc gần 300.000 đồng, bằng cả tuần đi làm mướn nên ai cũng ham. Nhưng cái giá phải trả cho nghề này quá đắt, nhiều người đi săn dông đã mãi mãi không trở về vì bị sụp hầm cát”, anh Tuyền hồi tưởng.
Theo những người từng hành nghề săn dông, loài này thường đào hang dưới cát sâu gần mét, nên việc bắt chúng không dễ dàng. Để bắt được nhiều dông, người dân sẽ dùng các dụng cụ đào từ miệng hang sâu xuống lòng đất.
Nhiều thợ săn vì mải mê theo dấu dông, khoét quá sâu vào lòng động cát nên dẫn đến bị sập hầm, cả thân người bị cát chôn vùi mất mạng. “Ngày đó, cuộc sống của người dân trong xã còn nghèo nên dù biết nghề này nguy hiểm nhưng cũng phải đánh liều”, ông Năm, người dân từng đi săn dông, kể.
Cái gì nhiều mà bị khai thác nhiều rồi cũng kiệt quệ. Con dông tự nhiên ở Thiện Nghiệp cũng vậy. Nhiều thợ săn một thời nhìn những chú dông cát ít ỏi còn sót lại đã nảy lên ý tưởng đưa “vua của đồi cát” về vườn nhà để nuôi. Và rồi, với bản tính cần cù, chịu khó của người dân miền biển, họ đã tìm cách chinh phục thiên nhiên, biến những khó khăn trở thành tiềm năng để phát triển. Con dông bắt đầu sinh sôi trên chính nơi họ đã từng tìm cách tận diệt.
“Vị vua” dễ tính
Qua lời kể của một số người tiên phong nuôi dông thương phẩm ở vùng đất Thiện Nghiệp mới thấy được hết những khó khăn mà họ đã phải trải qua. Ban đầu người dân trong xã đưa dông tự nhiên về nuôi nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên phần thì thoát ra ngoài, phần bị chim bói cá, mèo hoang bắt hết nên nhiều người nản. Thế rồi người này chỉ người kia, chính quyền địa phương cũng nỗ lực hỗ trợ nên dần dần người dân nhận ra rằng “vị vua của đồi cát” cũng rất dễ tính.
Có nhiều năm theo đuổi nghề nuôi dông ở xã Thiện Nghiệp, ông Hà Quang Lưu chia sẻ, công đoạn làm chuồng là quan trọng nhất vì loài này đào bới rất giỏi, nếu chuồng không kín là chúng thoát ra ngoài hết. Chỉ vào cái chuồng nuôi dông rộng gần 4 sào của mình, ông Lưu cho biết, loài này chỉ thích nghi trên đất cát thoát nước nhanh, còn trên đất thịt nước đọng là chúng không ưa.
Trên một sào đất, người nuôi sẽ dùng khoảng 150 tấm tôn xi măng chôn sâu một đầu xuống đất khoảng 50-60cm, bao quanh toàn bộ khu nuôi để dông không đào lỗ thoát ra được. Còn để dông không nhảy ra ngoài, người dân dùng tôn láng, gạch trơn ốp quanh hàng rào tôn xi măng. Sau công đoạn này, mỗi một sào đất người ta sẽ thả khoảng 1.000 con dông giống vào để nuôi.
“Tuy là loài ưa vùng đất cát nắng nóng, nhưng người nuôi cũng phải tạo bóng mát cho chúng có chỗ trú ẩn. Thường tỷ lệ bóng mát chiếm khoảng 30% diện tích chuồng nuôi”, ông Lưu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lưu, loài dông rất dễ tính, ít uống nước, ăn chủ yếu là các loại rau, củ, trái cây, phế phẩm nông nghiệp… nên chi phí để nuôi rất ít. Sau khoảng hơn một năm, dông trưởng thành đạt từ 300-500gram là bắt đầu thu hoạch. Cùng thời điểm này, dông mái trưởng thành cũng sẽ bắt đầu sinh sản nên người nuôi sẽ vừa bán thịt và bán con giống.
Việc thu hoạch loài bò sát này cũng rất đơn giản, người nuôi chỉ cần đặt chiếc lồng bẫy có thức ăn bên trong là chúng chui vào. Thời điểm thu hoạch chính trong năm là từ tháng 3 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa sinh sản của chúng.
Trung bình, trên một sào đất, sau khoảng 1 năm, người nuôi sẽ thu được 100kg dông thịt và khoảng 5.000 con dông giống. Với giá bán 600.000 đồng/kg dông thịt, 8.000 đồng/con dông giống hiện nay thì mỗi sào đất người nuôi thu lời khoảng 100 triệu đồng.
Mở hướng du lịch
Du khách đến Bình Thuận tìm mua và thưởng thức bằng được các món chế biến từ thịt dông nên có lúc người nuôi không kịp để bán, giá dông tăng lên 500.000 – 600.000 đồng/kg. Nắm bắt nhu cầu đó, người dân trong xã ồ ạt nuôi dông, có thời điểm diện tích nuôi dông trong xã đạt gần 70ha với hơn 100 hộ nuôi.
Nhưng rồi chính sự phát triển ồ ạt, thiếu định hướng nên cung vượt cầu; bên cạnh đó, do đầu ra không ổn định, công tác quảng bá còn bỏ ngỏ khiến ít người biết đến thương hiệu dông Thiện Nghiệp, nên sau nhiều năm hiện toàn xã chỉ còn khoảng 70 hộ nuôi với diện tích 15ha.
Câu chuyện về nuôi dông đang dang dở, ông Hà Quang Lưu nhận được cuộc điện thoại của một hướng dẫn viên du lịch thông báo sẽ có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm một số món ăn chế biến từ loài bò sát này. Thấy lạ, chúng tôi hỏi: “Tây cũng ăn con dông à anh?”. “Ăn chứ! Ban đầu thì họ sợ vậy thôi chứ sau khi ăn thử thì ai cũng khen ngon”, ông Lưu trả lời.
Nói rồi, ông Lưu dẫn chúng tôi đến chỗ nhóm khách nước ngoài đang chuẩn bị thưởng thức các món ăn thơm phức chế biến từ con dông như: dông nướng, gỏi dông, dông bằm… 6 vị khách nước ngoài lúc đầu còn e dè vì chỉ nhìn thân hình nó thôi là đã thấy sợ chứ nói gì đến ăn.
Nhưng sau khi được ông Lưu giải thích, dông là một loài động vật bò sát sống trong hang, sáng tinh mơ ra đồi cát tìm ăn rau củ và uống nước sương đêm, vì thế mà thịt thơm, săn và ngọt, được xem là một vị thuốc bổ thì các vị khách bắt đầu tò mò nếm thử. 15 phút sau, 7 món chế biến từ thịt dông đã sạch loáng cả dĩa kèm theo những lời khen từ các vị khách phương xa.
Lúc này chúng tôi chợt hiểu ra, Thiện Nghiệp nằm trong khu du lịch sầm uất nổi tiếng Hàm Tiến – Mũi Né của tỉnh Bình Thuận, mỗi năm đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Nếu người dân địa phương biết cách vận dụng lợi thế này, biến những trang trại dông thành những điểm tham quan, trải nghiệm mới lạ thì chắc chắn thương hiệu dông Thiện Nghiệp sẽ phát triển ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo Nguyễn Tiến (SGGP)