Đây là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận do Đại học Sydney sở hữu.
Ngày 20/6 vừa qua, Viện Đại Học Sydney Việt Nam (University of Sydney Viet Nam Institute), doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận do Đại học Sydney sở hữu, chính thức ra mắt tại Việt Nam.
Theo đó, tập hợp gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, Viện Đại học Sydney Việt Nam được thành lập thể hiện cam kết của Đại học Sydney trong việc thúc đẩy phát triển khoa học và xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ và phồn vinh chung của cả hai quốc gia; đồng thời Viện Đại học Sydney Việt Nam được kỳ vọng là cầu nối quan trọng trong hợp tác nghiên cứu giữa Úc và Việt Nam.
Tầm nhìn của Viện Sydney Việt Nam là hình thành một mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực hàng đầu, làm việc cùng nhau để phát triển các giải pháp sáng tạo và hiệu quả, từ đó cải thiện cuộc sống của người dân, xã hội và môi trường.
Nhiệm vụ chính của Viện Sydney Việt Nam là tiến hành thực hiện nghiên cứu đa ngành về y tế, nông nghiệp, nghệ thuật, khoa học xã hội, kinh doanh… đồng thời đưa ra các sáng kiến Net Zero, nhằm tạo ra tác động sâu rộng, hướng tới sự thịnh vượng cho 2 quốc gia. Trên thực tế, Chính phủ Úc và các nhà tài trợ quốc tế cam kết khoản tài trợ phi lợi nhuận 40 – 45 triệu đôla Úc cho Viện.
Do là doanh nghiệp phi lợi nhuận nên toàn bộ doanh thu của Viện Sydney Việt Nam sẽ được đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam.
Việc thành lập Viện Sydney Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình thúc đầy năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bởi viện nghiên cứu này là một trong những doanh nghiệp xã hội có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có trụ sở chính đặt tại TP Hồ Chí Minh và 2 văn phòng ở Hà Nội, Cần Thơ.
Tại sự kiện ra mắt Viện Đại học Sydney Việt Nam, Giáo sư Mark Scott, Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sydney phát biểu: “Tôi rất tự hào khánh thành Viện Đại học Sydney Việt Nam, thể hiện sự cam kết của chúng tôi trong lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác tại Việt Nam. Viện được xây dựng dựa trên lịch sử hợp tác lâu dài với các nhà nghiên cứu, sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ của Việt Nam.
Là sáng kiến nghiên cứu hàng đầu của chúng tôi tại Việt Nam, Viện sẽ hỗ trợ các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai, đồng thời là trung tâm cho các nghiên cứu tiên tiến và các ý tưởng sáng tạo, tiếp tục làm sâu sắc thêm sự gắn kết giữa Đại học Sydney và Việt Nam“.
Giáo sư Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Điều hành Viện Đại học Sydney Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.
Nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Thu Anh, Giám Đốc Điều Hành Viện Đại học Sydney Việt Nam chia sẻ: “Viện Đại học Sydney Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác, đổi mới và sáng tạo, nhằm tạo ra tác động tích cực không chỉ tại Việt Nam mà còn xa hơn nữa. Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác toàn cầu, triển khai các công trình nghiên cứu xuất sắc và có tác động sâu rộng trong xã hội. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế để xây dựng một nền tảng vững chắc giúp nâng cao năng lực nghiên cứu đa ngành và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương và toàn cầu“.
Đại học Sydney (thành lập năm 1850) là viện đại học đầu tiên của Úc và được coi là một trong tám viện đại học ưu tú của quốc gia này. Theo nhiều bảng xếp hạng, Đại học Sydney thuộc 40 trường và viện đại học đứng đầu trên thế giới về nghiên cứu và giảng dạy.
Sự kiện ra mắt của Viện tại TP.HCM có sự tham gia của Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM góp mặt.
Song song đó, sự kiện tại Hà Nội vinh dự tiếp đón lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y Tế, Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, Phó Tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Trợ lý đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc quốc gia Trung tâm Việt – Úc tham gia. Về phía Úc có Ngài Đại sứ Úc tại Việt Nam và Đồng Bộ trưởng phụ trách về Y tế và Chăm sóc người cao tuổi cùng tham dự. Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt của Viện còn diễn ra Hội nghị khoa học Đổi mới sáng tạo Sydney Việt Nam.
Minh Hằng–Đời sống pháp luật