Người dùng khi đi mua hàng điện tử thường dễ bị rơi vào những cái bẫy “tư vấn tại chỗ bởi chuyên viên” của một số cửa hàng. Các “tư vấn viên” này tìm cách lái khách hàng sang những thương hiệu có chiết khấu cao hơn.
Khách hàng cũng thường bị nhân viên bán hàng “kê khống” hay “thổi phồng” các tính năng của thiết bị mà che đi những nhược điểm.
Dễ bị dính “bẫy mua hàng” nhất là trong chuyện khuyến mại, ưu đãi. Khách hàng hoang mang trong thiên la địa võng khuyến mại. Có không ít cửa hàng đưa ra mức giá rất rẻ nhưng thực tế đó là giá tổng cộng của tất cả các loại khuyến mại, ưu đãi mà hiếm có khách hàng nào có thể đạt được. Chẳng hạn, ngoài mức giảm giá chung, cửa hàng công bố mức khuyến mại “khủng” khi cộng luôn ưu đãi do thu cũ đổi mới, trả tiền qua ứng dụng tài chính, trả tiền qua thẻ ngân hàng, trả dứt tiền không trả chậm 0% lãi suất… Chiêu trò này không chỉ khiến khách hàng bị hoa mắt mà còn ảnh hưởng tới các cửa hàng khác khi “giá niêm yết sau khuyến mại” tưởng không thấp mà thấp không tưởng.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng dùng chiêu cho khách hàng đặt cọc mượn máy để dùng thử một thời gian. Sau thời gian dùng thử, khi trả lại máy, có cửa hàng lại tìm mọi lý do để… trừ tiền của khách hàng do lỗi sử dụng.
Khách hàng cần được cửa hàng đối xử một cách văn minh, sòng phẳng, công bằng. Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng cần có cách để giám sát chặt chẽ các cửa hàng, có kênh cho khách hàng phản hồi để bảo vệ hình ảnh của mình.
Theo Ngô Lê-Báo Người lao động