Tiết kiệm là hành trình dài hơi, đòi hòi sự nỗ lực và bắt đầu từ sớm.
Tôi đã là phóng viên trong lĩnh vực Tài chính hơn một thập kỷ. Tôi đã từng nghe rất nhiều lời khuyên về tiền nong. Nhưng tôi phát hiện, những lời khuyên tốt nhất, đem lại cái nhìn sâu sắc và ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng đều liên quan đến việc quản lý tiền bạc hàng ngày.
Qua nhiều năm kiếm tiền và làm việc trong lĩnh vực tài chính, đây là 3 lời khuyên hay nhất mà tôi từng nhận được, tổng hợp từ cuộc trò chuyện với hàng chục chuyên gia tài chính
1/ Tư duy về tiền quyết định đến tương lai tài chính của bạn
Khi tôi phỏng vấn một chuyên gia tài chính cá nhân, cô đã thảo luận với tôi về khái niệm mới – kịch bản tiền bạc. Đây là từ mà cô dùng để chỉ niềm tin và tư duy mà chúng ta có về tiền bạc, đồng thời chúng ảnh hưởng đến cách mọi người hành xử với tiền ra sao.
Vị chuyên gia nói với tôi: “Cách chúng ta hành xử với tiền là kết quả trực tiếp từ kịch bản tiền bạc và cách mọi người nhìn nhận về tiền”. Tôi đã suy nghĩ về điều này, và thấy rằng nhiều người gặp khó khăn với tiền bạc đều sợ tiền hoặc họ cho rằng việc quản lý tài chính quá khó. Chẳng hạn, họ không muốn giải quyết khoản nợ mà tìm cách trì hoãn chúng, bằng cách đem tiền vào các thú vui xa xỉ. Tuy nhiên, sâu bên trong, họ vẫn coi tiền là nguồn gốc của sự căng thẳng và cảm giác thiếu thốn.
Tuy nhiên, những người hành xử với tiền tốt lại xem tiền như một công cụ. Họ coi, các vấn đề tài chính chỉ là sự bất tiện tạm thời chứ không phải là tình trạng thường xuyên. Tôi thậm chí còn gặp một người cách đây nhiều năm đang bị phá sản – điều mà người xung quanh đều cho rằng đây sẽ là cú sốc lớn và trở thành cái hố đẩy anh ta vào bi kịch. Tuy nhiên, chàng trai này lại coi khoản nợ là bước đầu để ổn định cuộc sống của mình.
Tựu chung, cách chúng ta hành xử với tiền bạc có thể dẫn đến những tương lai khác nhau, bạn giàu hay thiếu thốn vật chất đều từ đây.
- Tự động hoá tài khoản tiết kiệm
Một chuyên gia tài chính khác mà tôi quen đã dành nhiều năm để giúp đỡ các chị em phụ nữ về cách gia tăng quỹ tiết kiệm và chuẩn bị cho nghỉ hưu. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt tiền tiết kiệm vào chế độ tự động hàng tháng.
Cô chia sẻ : “Điều này xây dựng sự ‘nhất quán’ của thói quen tiết kiệm tiền. Cách duy nhất để bạn tiết kiệm thành công là biến nó thành thói quen”. Vị chuyên gia này nói thêm, khi bạn tạo chế độ tự động trích một phần thu nhập vào tài khoản tiết kiệm, bạn có thể đặt chúng sang 1 bên và quên nó đi.
“Sẽ tốt hơn nếu bạn cài chế độ tự động khấu trừ quỹ tiết kiệm từ một phần tiền lương của mình để bạn không bao giờ bị lỡ”, cô nói.
Bằng cách xây dựng quỹ tiết kiệm tăng dần theo thời gian, bạn đang tạo cho mình một mạng lưới an toàn tài chính. Thông thường, chúng ta có những khoản nợ lãi suất cao vì đã không có sẵn tiền tiết kiệm để dự phòng cho những tình huống bất trắc.
3/ Hãy trả tiền cho mình trước
Với tôi, đây là lời khuyên tốt nhất vì nó đến từ bố tôi. Sau khi tốt nghiệp và đi thực tập, tôi bắt đầu có công việc toàn thời gian đầu tiên của mình. Bấy giờ, bố đã nói chuyện điện thoại với tôi ít nhất một giờ và chia sẽ, “Con cần phải trả tiền cho mình trước”.
Điều này nghĩa là gì? Tất nhiên, việc đầu tiên tôi cần làm là phải tiết kiệm. Nhưng ngoài ra, bố còn khuyên tôi nên thanh toán mọi chi phí sinh hoạt trước. Bố nói với tôi: “Không đời nào khi mà con có công việc toàn thời gian nhưng các hoá đơn trong gia đình không được thanh toán, tủ lạnh của con không có đồ ăn. Bởi vì con phải lo những thứ đó trước tiên”.
Cho đến nay, quỹ tiết kiệm của tôi vẫn ở chế độ tự động trừ tiền từ tài khoản nhận lương hàng tháng. Đồng thời, điều đầu tiên tôi làm là trả tiền thanh toán các hoá đơn cố định (tiền nhà, điện nước, internet, điện thoại di động) và đi đến cửa hàng tạp hoá. Khi đã xây dựng được quy trình cho riêng mình, hành trình quản lý tài chính của bạn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn,
Nguồn: Business Insider-Theo Nguyệt-Nhịp sống thị trường