Thái độ đối với công việc thường là thứ quyết định chất lượng cuộc sống và tốc độ phát triển của một người.
Một nhà hiền triết đã từng nói: “Công việc không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là một cách mài giũa tâm hồn”.
Tại sao lại nói như vậy?
Ngoài việc nghỉ ngơi và ăn uống, công việc chiếm một phần lớn cuộc sống của người trưởng thành. Có thể nói chúng ta dành khoảng thời gian vàng nhất trong ngày để làm việc. Công việc không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là một kiểu phong cách sống của con người hiện đại.
Thái độ đối với công việc thường là thứ quyết định chất lượng cuộc sống và tốc độ phát triển của một người.
Những người loay hoay với nhiệm vụ của mình, hoặc làm việc hời hợt tại nơi làm việc thường có sự phát triển hạn chế và tăng trưởng trì trệ.
Những người tận tâm trong công việc và luôn trong trạng thái học hỏi có xu hướng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có những người đã làm việc chăm chỉ gần hết cuộc đời nhưng thực tế lại không biết cách làm việc. Hy vọng những thói quen sau đây có thể giúp bạn đạt được tiến bộ vững chắc trong sự nghiệp.
01–Lên kế hoạch
Trí tuệ của người xưa cho chúng ta biết rằng chỉ khi chuẩn bị trước, chúng ta mới có thể đạt được kết quả gấp đôi chỉ với một nửa công sức.
Lập kế hoạch làm việc cũng giống như vẽ một bản kế hoạch chi tiết cho tương lai của bạn, việc này cho phép chúng ta tiến về phía trước với định hướng và mục đích giữa một loạt những nhiệm vụ lớn bé.
Hãy tưởng tượng rằng khi bạn mở nhật ký công việc vào mỗi buổi sáng, bạn biết rõ nhiệm vụ nào cần phải hoàn thành hôm nay, nhiệm vụ nào quan trọng và nhiệm vụ nào có thể giải quyết sau này. Trạng thái này chẳng phải sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn nhiều so với việc bối rối và vội vàng hay sao?
Tất nhiên, lập kế hoạch cũng có những mẹo riêng. Việc lập một kế hoạch quá lớn hoặc quá ngắn một cách mù quáng chắc chắn sẽ dẫn đến việc không hoàn thành được và kéo theo đó là việc chúng ta đánh mất đi sự nhiệt tình trong công việc. Đối với những người khá tùy tiện và tự do, việc lập một số kế hoạch nhỏ và thiết thực sẽ cho ra khả năng thành hiện thực cao hơn.
Trong một cuốn sách có tên “Thói quen linh hoạt”, tác giả đưa ra khái niệm “thói quen linh hoạt”, bản chất của nó là khuyến khích mọi người cứ bắt đầu trước, giảm bớt thời gian do dự vì muốn hoàn thiện kế hoạch một cách mỹ mãn.
Suy cho cùng, việc hình thành thói quen thường đòi hỏi sự tự chủ mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu của việc nuôi dưỡng thói quen, việc lập một kế hoạch nhỏ sẽ giúp chúng ta kiên trì về lâu về dài.
02-Biết nắm bắt trọng điểm
Trong công việc, không tránh khỏi việc phải đối mặt với những tình huống phức tạp với hàng “đống” những nhiệm vụ nhỏ nhặt.
Lúc này, việc nắm bắt những điểm chính là đặc biệt quan trọng. Chỉ bằng cách nắm bắt được cốt lõi và chìa khóa của sự việc, chúng ta mới có thể đạt được kết quả tối đa với nỗ lực tối thiểu.
Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” khi đối đầu với đội quân áp đảo của Tư Mã Ý, ông đã không đối đầu trực diện mà khéo léo dùng chiến thuật như bò gỗ, ngựa gỗ tấn công trực tiếp vào những điểm trọng yếu là lương thảo của địch.
Đây là sự khôn ngoan của việc biết tập trung vào những điểm chính. Trong thời đại phát triển nhanh chóng này, “thời gian là tiền bạc và hiệu suất là cuộc sống”. Chúng ta theo đuổi tính hiệu quả không chỉ để tiết kiệm thời gian và tăng sản lượng mà còn để trở nên nổi bật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Nếu quan sát kỹ những người đạt được thành công trong công việc, chúng ta sẽ thấy rằng họ có thể không phải là những người làm việc chăm chỉ nhất hoặc về muộn nhất nhưng là những người giỏi tập trung vào những điểm chính nhất. Họ biết lấy hiệu suất làm tiêu chí, kết hợp chính xác mọi kế hoạch, sản phẩm với nhu cầu của công ty, từ đó đạt được “đầu ra hiệu quả”. Việc tối đa hóa việc sử dụng thời gian của chính họ thường cho phép họ cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống và trở thành những người chiến thắng thực sự trong cuộc sống.
03–Nghỉ ngơi đúng lúc
Lênin từng nói: “Ai không nghỉ ngơi sẽ không thể làm việc”. Mặc dù câu nói nổi tiếng này cũng đã được lưu truyền rộng rãi nhưng nó lại thường bị chúng ta bỏ qua.
Trong công việc, chúng ta thường rơi vào trạng thái bận rộn “liên tục” mà không biết rằng điều này sẽ chỉ khiến chúng ta kiệt sức về thể chất, tinh thần và làm giảm hiệu quả làm việc. Hãy nhấn nút “tạm dừng” cho mình đúng lúc, uống một tách trà, đọc vài trang sách, nghe một bài hát, dù chỉ trong chốc lát nhắm mắt thư giãn, bạn cũng có thể thư giãn cơ thể và tâm trí mệt mỏi của bạn.
Hãy nhớ rằng, nghỉ ngơi là để tiến về phía trước tốt hơn. Và tốt nhất là không nên nghĩ về công việc khi đang nghỉ ngơi. Học cách nghỉ ngơi một cách có ý thức có thể kích thích năng lượng của bạn ở nơi làm việc ở mức độ lớn hơn. Khi rảnh rỗi, bạn có thể ăn đồ ăn ngon, chơi thể thao, dành thời gian cho gia đình. Còn điều gì tuyệt vời hơn như vậy phải không?
Russell từng nói: “Để việc giải trí có hiệu quả, bạn phải tìm được niềm vui và hứng thú với những việc không liên quan đến công việc”. “Nghỉ ngơi không có nghĩa là không làm gì cả. Nằm trên bãi cỏ dưới tán cây giữa mùa hè nóng nực, nghe tiếng nước chảy róc rách và ngắm đám mây trắng bay qua, những điều đó không hề lãng phí thời gian.”
Chỉ khi bạn cho cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ, bạn mới có thể đủ năng lượng để yên tâm làm việc.
04–Tổng kết thường xuyên
“Trải nghiệm trong quá khứ là bài học cho tương lai.” Mỗi thành công và thất bại mà chúng ta trải qua trong công việc đều là tài sản quý giá.
Việc tổng kết thường xuyên sẽ giúp chúng ta chắt lọc và thăng hoa các trải nghiệm để định hướng cho phương pháp làm việc trong tương lai. Bất cứ khi nào một dự án hay một công việc kết thúc, bạn cũng có thể dành thời gian để xem xét những gì được và mất trong giai đoạn này và tổng kết những bài học kinh nghiệm. Bằng cách này, khi gặp lại những vấn đề tương tự, chúng ta sẽ có thể giải quyết chúng một cách bình tĩnh và dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, “tư duy tổng kết” đã trở nên rất phổ biến. Mặc dù thuật ngữ này còn mới nhưng ý tưởng cốt lõi thực ra chính là một bản tổng kết thường xuyên.
Việc tổng kết có thể giúp phát huy tối đa những lợi ích mà thời gian qua đã mang lại cho chúng ta, nó đồng thời cũng có thể cho phép chúng ta đối mặt với những khuyết điểm trong công việc một cách có chủ đích hơn.
Những người kiên trì tổng kết thường có nhiều khả năng thành công hơn. Điều được cải thiện trong quá trình tổng kết lại những điều đã xảy ra không chỉ là khả năng nhận thức mà còn là khả năng diễn giải và diễn đạt.
05
Công việc thực sự không phải đơn thuần là lao động mà là gieo trồng và thu hoạch trí tuệ. Trong thời đại phát triển nhanh chóng này, mong sao tất cả chúng ta đều trở thành người làm chủ công việc thay vì làm nô lệ cho công việc:
Hãy lập kế hoạch để mỗi bước đi của chúng ta đều vững chắc và mạnh mẽ. Tập trung vào những điểm chính và thực hiện từng đòn tấn công của mình một cách chính xác và sâu sắc.
Nghỉ ngơi đúng lúc cho phép cơ thể và tâm trí của chúng ta thở và trẻ hóa sau lịch trình bận rộn.
Việc tổng kết thường xuyên cho phép trải nghiệm của chúng ta được thăng hoa và kế thừa thông qua sự suy ngẫm. Mỗi thói quen nhỏ, với sự bảo hộ của thời gian, sẽ tụ lại thành một sức mạnh to lớn trong sự nghiệp của chúng ta.
Sau cùng, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều có thể viết nên những chương sách cuộc đời tuyệt vời của riêng mình trên chặng đường làm việc!
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật