CEO Jim Farley của hãng ô tô Ford cho hay kinh doanh xe điện cuối cùng cũng sẽ có lãi nhưng điều này còn lâu mới xảy ra.
Trong một buổi phỏng vấn, CEO Jim Farley của hãng ô tô Ford cho hay kinh doanh xe điện cuối cùng cũng sẽ có lãi nhưng điều này còn lâu mới xảy ra. Từ nay đến lúc đó, các hãng xe điện sẽ liên tục phải đốt tiền để giành thị phần.
Thêm vào đó, chuỗi cung ứng hiệu quả để xây dựng ô tô động cơ đốt trong mà các hãng Phương Tây từng phát triển đang khiến họ phân vân trong tiến trình dịch chuyển sang xe điện.
Đầu tiên với kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng mới trong ngành xe hơi truyền thống, hàng loạt mẫu ô tô điện đã ra đời để chạy đua theo xu thế khiến nhiều sản phẩm, startup hay những doanh nghiệp mới phải vật lộn để giành thị phần.
Thế nhưng doanh số suy giảm, cuộc chiến dìm giá cùng vô số những khó khăn khác đang khiến nhiều công ty nản lòng. Việc người tiêu dùng không tin tưởng vào xe điện mà chuyển qua dòng Hybrid đang khiến những dự đoán tích cực cho cuộc cách mạng ô tô dần xói mòn.
Trong bối cảnh đó, Ford và nhiều hãng ô tô khác buộc phải tìm cách để sống sót với chiến lược dịch chuyển sang xe điện của mình.
“Chúng tôi sẽ không đặt cược tương lai của mình vào xe điện nếu không chắc chắn rằng mảng này sẽ có lợi nhuận”, CEO Farley khẳng định khi cho biết cuối cùng xe điện sẽ đem về lợi nhuận.
Lỗ 1,3 tỷ USD
Trong quý I/2024, mảng xe điện của Ford đã lỗ ròng 1,3 tỷ USD nhưng CEO Farley đã trấn an nhà đầu tư rằng khoản lỗ này cuối cùng rồi cũng sẽ biến thành lợi nhuận trong vài năm tới khi Ford bắt đầu tung ra thế hệ xe điện thứ 2.
Theo Farley, sản phẩm xe điện của Ford sẽ thu hẹp dần các khoản lỗ cho đến khi tung ra thế hệ thứ 2 trong vài năm tới và đó là lúc mọi thứ sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, vị giám đốc này không công bố chính xác thời điểm dự kiến mảng kinh doanh xe điện sẽ có lãi.
Những phát ngôn của CEO Farley diễn ra trong bối cảnh Ford cùng nhiều hãng ô tô khác đang gặp khó khi dịch chuyển sang xe điện do nhu cầu của thị trường với sản phẩm này không còn cao như trước.
Thậm chí Ford đã chọn tăng cường sản xuất xe Hybrid thay thế và tạm hoãn các dự án phát triển xe điện của mình trong bối cảnh thị trường chưa rõ ràng.
Hiện người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy khó chịu vì mức giá vẫn còn cao của xe điện, chưa kể những lo ngại đến hệ thống trạm sạc, mức độ tin cậy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như tương lai bất ổn của sản phẩm này.
Những tuyên bố của CEO Farley đang thu hút sự chú ý của toàn ngành bởi Ford hiện đang là nhà sản xuất xe điện có doanh số thứ 2 tại Mỹ, với 20.000 chiếc được tiêu thụ trong quý I/2024.
Ngành ô tô đang phân vân về lợi nhuận “tương lai” của xe điện có xứng đáng để đầu tư
Rào cản lớn với Ford hiện nay là giảm giá sản phẩm khi các mẫu xe điện của họ vẫn còn cao hơn so với các dòng ô tô động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, chính Ford cũng phải thừa nhận rằng có thể mất nhiều năm để xe điện đạt được mức chi phí tương đương với những ô tô chạy xăng giá rẻ.
Tháng 5/2024, CEO Farley đã thừa nhận rằng rất khó để sản xuất xe điện giá rẻ tương đương dòng ô tô chạy xăng trước năm 2030.
Phần lớn xe điện giá rẻ hiện nay trên thị trường quốc tế đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD. Với lợi thế sản xuất ắc quy điện giá rẻ, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới ở mảng xe điện trong khi các doanh nghiệp quốc tế lại không có được lợi thế này.
Theo Farley, các doanh nghiệp nước ngoài hiện có chi phí sản xuất xe điện vẫn đắt hơn đáng kể so với ô tô động cơ đốt trong. Ví dụ chi phí sản xuất hệ thống truyền động của động cơ đốt trong hiện nay rẻ chỉ bằng 10% so với ô tô điện.
Bởi vậy cho đến khi các hãng nước ngoài có thể sản xuất ắc quy xe điện và nhiều bộ phận khác với giá rẻ hơn thì họ khó có thể cạnh tranh được với đối thủ Trung Quốc.
Tự đứng trên đôi chân của mình
CEO Farley cho hay ắc quy điện và những khoản đầu tư xây dựng nhà máy mới, dây chuyền mới cùng chuỗi cung ứng cho xe điện là rất tốn kém.
“Kỹ thuật sản xuất xe điện và những bộ phận cần thiết để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh khác hoàn toàn so với việc sản xuất một chiếc ô tô động cơ đốt trong”, CEO Farley cho hay.
Chính vì điều này mà Ford đã xây dựng một nhà máy xe điện mới ở Michigan nhưng phải tạm hoãn do vấp phải cuộc đình công do lao động lo sợ mất việc làm khi phát triển xe điện.
Dù dự án đã được tiến hành xây dựng tiếp vào tháng 11/2024 nhưng Ford đã giảm quy mô trước bối cảnh nhu cầu xe điện trên thị trường không cao như kỳ vọng.
Việc cắt giảm quy mô này cũng khiến giảm số lượng việc làm cần thiết cho nhà máy xe điện từ 2.500 xuống chỉ còn 1.700 người. Sản lượng ắc quy điện của nhà máy cũng giảm từ mức 400.000 chiếc/năm xuống còn 230.000 chiếc/năm.
Thậm chí đầu năm 2024, Ford cũng cắt giảm sản lượng xe điện tại các nhà máy hiện có của mình khi doanh số bán hàng của dòng ô tô điện bán tải F150 Lighting của hãng sụt giảm.
Trước đó vào tháng 12/2023, Ford đã tuyên bố cắt giảm một nửa sản lượng F150 Lighting do nhu cầu thấp. Đến tháng 3/2024, hãng đã sa thải 2/3 số nhân viên tại cơ sở lắp ráp F150 Lighting ở Dearborn-Michigan.
Động thái sa thải lao động này diễn ra trong bối cảnh Mỹ áp đặt mức thuế 100% với xe điện nhập khẩu Trung Quốc.
CEO Farley hoan nghênh biện pháp này nhưng cho rằng các hãng ô tô không nên dựa dẫm quá nhiều vào các hàng rào thuế quan trong tương lai dài hạn.
“Thuế quan là một phần quan trọng để tạo nên sự công bằng trong sân chơi này trong một thời gian ngắn. Thế nhưng cuối cùng Ford cũng sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng về chi phí, chất lượng với bất kỳ đối thủ nào trên thị trường”, CEO Farley nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm với CEO Farley khi cho rằng hàng rào thuế quan chỉ là giải pháp tạm thời chứ không bền vững. Ngành xe hơi Mỹ cần phải học được cách tự đứng trên đôi chân của mình để không chỉ có lãi mà còn giúp đỡ cho nền kinh tế toàn quốc.
*Nguồn: Fortune-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ