Đó là mẫu tin buồn của hãng tin BBC Anh quốc đăng tải khi Thiếu tướng Yuri Drozdov, một “huyền thoại ảo” đầy bí ẩn của cơ quan tình báo Xô Viết qua đời
Thiếu tướng Yuri Drozdov, người trong quá khứ từng điều hành mạng lưới điệp viên bí mật của KGB được coi là một “huyền thoại ảo” đầy bí ẩn của cơ quan tình báo Xô Viết. Nói như vậy là bởi vì Drozdov trên thực tế là một người thầm lặng, không được mấy ai ở bên ngoài biết đến.
Tuy nhiên, đúng vào ngày ông qua đời, hãng BBC của Anh đã đăng một mẩu tin buồn với nội dung như sau: “Yuri Drozdov đã qua đời. Đây là con người đã biến các điệp viên XôViết trở thành những công dân Mỹ”.
Yuri Drozdov sinh ra tại Belarus, trong gia đình một sĩ quan quân đội từng tham gia Đại chiến thế giới thứ nhất và nội chiến. Khi Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nổ ra, ông chút nữa đã bị khai trừ khỏi đoàn thanh niên vì tìm mọi cách để được ra mặt trận chiến đấu.
Dù sao, ước mơ ra chiến trường của Yuri cuối cùng cũng được toại nguyện: sau khi tốt nghiệp trường trung cấp pháo binh, ông đã tham gia vào trận đánh cuối cùng tới Berlin với vai trò chỉ huy một khẩu đội pháo chống tăng.
Trên đường phố Berlin, ông đã lệnh cho khẩu đội đưa pháo ra vỉa hè bắn thẳng vào một số xe tăng của quân địch đang cản bước bộ binh của Hồng quân. Về sau, khi đang nắm chức vụ tham mưu trưởng một trung đoàn pháo binh, Yuri đã nhận được đề nghị chuyển sang phục vụ trong hàng ngũ các cơ quan an ninh quốc gia.
Đối với ông, đó là một cuộc chiến hoàn toàn mới không có hồi kết, trong đó những thông tin mật là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Vị nam tước bí ẩn
Công việc đáng chú ý đầu tiên của người chỉ huy cơ quan tình báo bí mật trong tương lai chính là phải tổ chức đưa được điệp viên huyền thoại Rudolf Abel (tên thật là Fisher) trở về nước. Do Abel khi bị bắt đã không thừa nhận mình là điệp viên Xô viết nên Moscow về danh nghĩa không thể tham gia trực tiếp vào chuyện này.
Theo vỏ bọc đã xây dựng từ trước, Abel là một người Đức vào thời điểm cuối chiến tranh đã tình cờ tìm được một số tiền đôla Mỹ lớn trong một nhà kho, sau đó mua một hộ chiếu giả để nhập cảnh trái phép vào Mỹ.
Vậy, chỉ có những họ hàng tại Đức mới có thể cứu giúp ông trong chuyện này. Đó là lý do về việc xuất hiện một nhân vật có tên Jurgen Drews, một viên chức người Đức là anh họ của “bị cáo đang bị xử oan” Abel.
Đối với Yuri, đây là một nhiệm vụ khá khó khăn và nguy hiểm, vì nó liên quan đến đại tá KGB Fisher đang nằm trong nhà tù của Mỹ. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) khi đó gần như tin chắc rằng, Abel là một điệp viên Xôviết nhưng chưa thể chứng minh được điều này.
Dù vậy, bồi thẩm đoàn trong phiên tòa thậm chí đã không cần đọc hồ sơ vụ án, mà đã nhanh chóng đưa ra phán quyết về bản án chỉ trong 20 phút.
Trong tình cảnh như vậy, người Mỹ đã đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải xác định được mối quan hệ của Jurgen Drews (tức Yuri) với KGB. Đây là yếu tố có trọng lượng nhất để khẳng định sự dính líu của Abel với tình báo Xôviết.
Nhưng cho dù cơ quan phản gián Mỹ có tìm kiếm, đào bới đủ đường vẫn không thể lần ra chân tướng của một nhân viên người Đức này. Chính vỏ bọc vững chãi trên đã giúp cho Yuri tiếp tục hoạt động một thời gian dài sau đó tại Đức.
Yuri tiếp tục tích lũy được những kỹ năng và kiến thức hoạt động tình báo mới khi lại được giao nhiệm vụ sắm vai một cựu sĩ quan SS, đồng thời là một nam tước có tên Von Hohenstein. Mục tiêu giờ đây của ông là một nhân viên tình báo cao cấp của Tây Đức, cũng là một cựu sĩ quan SS, người vẫn chưa từ bỏ lòng tin vào chủ nghĩa phát xít.
Cũng phải nói thêm rằng, bản thân Cơ quan tình báo Tây Đức (BND) vào thời điểm đó cũng là một tổ chức khá đặc biệt. Người sáng lập ra nó là Reinhard Gehlen, một cựu tướng tình báo phát xít từng tham gia soạn thảo kế hoạch tấn công Liên Xô, sau đó lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự tại mặt trận phía Đông.
Chưa cần chờ tới sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít Đức, Gehlen đã thu thập nhóm bộ sậu tin cậy của mình, mang theo cả kho hồ sơ tình báo để đầu hàng người Mỹ.
Viên tướng này không gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các ông chủ mới của mình về việc, nước Đức sau chiến tranh vẫn cần có một cơ quan tình báo riêng của mình để “chống lại những kế hoạch xâm lăng của cộng sản”.
Kết quả giúp hình thành ra cái gọi là Tổ chức Gehlen hoạt động ban đầu dựa trên di sản của cơ quan tình báo phát xít, trước khi chính thức chuyển đổi thành Cơ quan tình báo liên bang của Tây Đức. Đây được đánh giá là một cơ quan hết sức kín đáo, rất khó có thể xâm nhập vào. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của Yuri dưới vỏ bọc nam tước Von Hohenstein.
Theo bản lý lịch được xây dựng, Hohenstein là một nhà quý tộc, cựu sĩ quan SS từng có thời gian sống lưu vong ở nước ngoài, cầm đầu một nhóm những cựu binh vẫn đang mơ ước phục hưng đế chế phát xít. Yuri đã tìm cách tiếp cận mục tiêu chính qua người con trai của mục tiêu, cũng là một nhân viên trẻ của BND.
Bằng cách bày tỏ lòng trung thành với chế độ phát xít cũ, ông đã thu phục cả hai cha con cùng hợp tác với mình. Nhờ thành công của chiến dịch trên, tình báo Xôviết trong suốt 5 năm đã có được hầu hết những thông tin tỉ mỉ về việc hợp tác của BND với cơ quan mật vụ các nước NATO.
Chiến công nối tiếp chiến công
Kết thúc thời hạn công tác tại Đức, Yuri lại bắt đầu với một thử thách mới tại Trung Quốc. Thời điểm cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, sau cái chết của Stalin, quan hệ giữa hai cường quốc đã trở nên rất căng thẳng, thậm chí còn leo thang thành xung đột vũ trang.
Từ năm 1957, mạng lưới tình báo Xôviết tại Trung Quốc gần như bị bóc gỡ hoàn toàn. Moscow chủ yếu nắm tình hình tại quốc gia đông dân nhất thế giới này thông qua báo chí địa phương, còn từ nguồn tin của cơ quan tình báo thì đặc biệt ít ỏi.
Phía Mỹ cũng lợi dụng cơ hội này để triển khai những chính sách nhằm gián tiếp thúc đẩy sự hằn thù giữa hai cường quốc hàng đầu của phe XHCN.
Vào đúng thời điểm này, Yuri tình cờ gặp một ông già 84 tuổi, là một sĩ quan thuộc đội quân Cossack cũ tại vùng Amur. Ông này cho biết, bị chính quyền Trung Quốc đuổi khỏi khu vực đã sinh sống hàng chục năm trời để xây dựng một khu thực địa luyện tập chiến thuật tác chiến.
Địa bàn được tổ chức tương tự khu vực Amur, cụ thể là hòn đảo Damansky (nằm trên sông Ussuri trên biên giới giữa Nga và Trung quốc).
Yuri ngay lập tức điện khẩn báo về trung tâm, nhưng Moscow ban đầu đã không tin vào khả năng này. Tin chắc vào thông tin của mình, Yuri lại gửi báo cáo một lần nữa, đề nghị cấp trên rà soát kỹ tình hình.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện phía Trung Quốc tập trung một số lượng lớn quân đội gần khu vực này. Điều này giúp cho Hồng quân kịp thời tập trung đối phó đánh chặn hiệu quả đòn tấn công của phía Trung Quốc vào năm 1969.
Trong thời gian này, Yuri cũng kịp thời gửi về trung tâm rất nhiều thông tin quan trọng về tình hình nội bộ của Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này, cũng như những phân tích đánh giá về xu hướng phát triển tình hình tiếp theo.
Những công trạng của Yuri đã được nhà lãnh đạo KGB khi đó là Yuri Andropov khen thưởng, đánh giá rất cao về độ nhạy bén và khả năng phân tích thông tin tình báo của ông.
Thử thách tiếp theo trong con đường hoạt động tình báo của Yuri chính là Mỹ, quốc gia được coi là đối thủ chính của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tại đây “Nhà máy của tình báo Xôviết” – như nhiều đồng đội về sau này đã mệnh danh ông như vậy – đã có thêm đất diễn để thể hiện những khả năng tình báo của mình.
Đầu tiên là sáng kiến chơi khăm FBI, khi giả dạng một điệp viên phản bội muốn hợp tác với kẻ thù vì mục đích kinh tế.
Chiến dịch được dàn dựng tinh vi và khéo léo này đã giúp tình báo Xôviết làm rõ được những phương pháp tiếp xúc bí mật của FBI, đặc điểm hoạt động, đồng thời còn giúp tích lũy được không ít tiền do người Mỹ chi trả để nhận được những thông tin giả được chế tác hết sức khéo léo.
Cũng nhờ phương pháp này, Yuri đã giúp vạch trần chân tướng của một quan chức ngoại giao cỡ lớn của Liên Xô, phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Arkady Shevchenko. Những thông tin về nhân vật này được ông gửi về Moskva đã nhanh chóng có mặt trên bàn của Bộ trưởng Ngoại giao Gromyko, người ban đầu đã bác bỏ hoàn toàn về sự thật trên.
Chỉ mới trước đó không lâu, Arkady còn là cố vấn riêng của bộ trưởng. Gromyko biết Arkady từ khi nhân vật này kết bạn với con trai ông tại trường đại học. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao ban đầu đã không tin Arkady đã cố tình phản bội, chỉ cho rằng ông ta là nạn nhân của một âm mưu bắt cóc.
Yuri thậm chí còn bị triệu hồi về Moscow, nhưng chủ tịch Andropov của KGB đã đứng ra bảo vệ cho ông. Điều tra sau đó đã làm rõ, cựu cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao đã có tới 32 tháng bí mật hợp tác với kẻ thù. Với chiến công mới này, Yuri được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cục “C”, đơn vị chuyên đảm trách mảng hoạt động tình báo bí mật ở nước ngoài.
Cha đẻ của Vympel
Theo chỉ thị mới, Yuri (lúc này đã được phong hàm cấp tướng) lại trở thành đại úy Lebedev, một sĩ quan thuộc tiểu đoàn hồi giáo tại Afghanistan. Nhiệm vụ đặt ra đối với ông là bằng lực lượng gọn nhẹ nhất có thể phải đánh chiếm được Kabul, vô hiệu hóa tất cả các ổ kháng cự của địch và tấn công vào dinh thự của tổng thống Amin.
Kết quả của chuyến công tác này là ông đã soạn thảo được một kế hoạch có tên “Storm-333”, từng đã đi vào lịch sử với tư cách là một trong những chiến dịch đặc nhiệm xuất sắc nhất. Tướng Yuri Drozdov đã đích thân chỉ đạo cuộc tấn công này.
Cũng chính từ những ấn tượng từ thành công của chiến dịch này, đã hình thành nên ý tưởng phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới. Ngày 19-8-1981 đã trở thành dấu mốc đánh dấu sự ra đời của lực lượng đặc nhiệm “Vympel”, một đơn vị chuyên được sử dụng cho những chiến dịch đặc biệt của Liên Xô tại nước ngoài.
Những nhân vật được tuyển chọn vào đơn vị này không chỉ có những kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, mà còn biết khá chắc một vài ngoại ngữ. Yuri có thể nói là một trong những cha đẻ đầu tiên của đơn vị đặc nhiệm này.
Năm 1991, Thiếu tướng Yuri Drozdov đã nghỉ hưu khi trong mình vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Suốt hơn 20 năm sau đó, ông đảm trách việc điều hành trung tâm phân tích Namacon của các cựu chiến binh tình báo đối ngoại.
Ngoài ra, Yuri còn tham gia điều hành tổ chức chống tham nhũng “Cobra”. Vị tướng thầm lặng của tình báo Xôviết qua đời năm 2017 ở tuổi 92
PV (t/h)